Gom củi 3 năm, đốt 1 giờ: Đạp trúng những "quả mìn chính trị" nguy hiểm ở TQ, vô số công ty "trọng thương"

Tất Đạt |

Hàng loạt công ty đã phải sa thải nhân viên, hủy bỏ quảng cáo, thu hồi sản phẩm và xin lỗi chính quyền Bắc Kinh vì những vấn đề chính trị phức tạp.

Bê bối mới nhất

Theo New York Times, do những căng thẳng địa chính trị và sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội tại Trung Quốc, các doanh nghiệp đa quốc gia ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc quảng cáo sản phẩm và dịch vụ tại nước này.

Chỉ cần có thông điệp không phù hợp về một trong các vấn đề nhạy cảm - ví dụ như Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản - các công ty nước ngoài sẽ ngay lập tức đứng trước nguy cơ mất thị trường 1,4 tỉ dân và nguồn lợi nhuận khổng lồ từ khu vực này.

Ngày nay, các công ty đa quốc gia đều gặp phải một vấn đề phức tạp: làm thế nào để hoạt động tại Trung Quốc trong khi vẫn đứng ngoài các vấn đề chính trị.

Trong khoảng thời gian gần đây, người tiêu dùng tại Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu các công ty nước ngoài ghi trên các trang mạng, phiếu khảo sát người tiêu dùng và sản phẩm của họ rằng các vùng lãnh thổ như Đài Loan và Tây Tạng là một phần của Trung Quốc. Các công ty như Gap, Marriott, United Airlines và nhiều công ty khác đã buộc phải sửa thông tin - và trong một vài trường hợp khác - phải đưa ra thông báo xin lỗi.

Hiện tại, tình hình các cuộc biểu tình phản đối chính quyền tại Hong Kong là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất tại Trung Quốc. Mọi thông điệp liên quan tới Hong Kong đều thu hút sự chú ý của cả người dân và chính quyền Bắc Kinh.

Giữa bối cảnh đó, ông Daryl Morey - giám đốc điều hành câu lạc bộ bóng rổ Houston Rockets - đã gây ra một "cơn chấn động" khi đăng dòng tweet: "Chiến đấu cho tự do, sát cánh cùng Hong Kong" trên tài khoản cá nhân của mình.

Không lâu sau đó, dòng tweet của ông Morey bị xóa và đội ngũ truyền thông của giải bóng rổ chuyên nghiệp NBA ngay lập tức tìm cách giải quyết hậu quả.

Gom củi 3 năm, đốt 1 giờ: Đạp trúng những quả mìn chính trị nguy hiểm ở TQ, vô số công ty trọng thương - Ảnh 1.

Bảng thông báo của NBA bị gỡ tại Thượng Hải. Ảnh: AP

Vụ việc đã trở thành đề tài nóng tại Trung Quốc. Các trang mạng như WeChat, Sina, Weibo tràn ngập những thông điệp kêu gọi tẩy chay NBA. Vào chiều ngày 8/10, kênh truyền hình CCTV hủy chiếu các trận đấu trước mùa giải của NBA.

Tencent Sports - đối tác độc quyền của NBA tại Trung Quốc - tuyên bố dừng livestream mọi trận đấu của đội Houston Rockets cũng như chấm dứt đăng tải thông tin liên quan đến đội bóng. Theo báo cáo trước đó, trong mùa giải trước, có tới 500 triệu người ở Trung Quốc theo dõi các trận đấu của NBA trên nền tảng của Tencent.

Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu: "NBA đã hợp tác với Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây và biết rõ phải nói gì, phải làm gì."

Đáp lại, đại diện của NBA cho biết sẽ cố gắng giữ "mối quan hệ" với Trung Quốc và cho biết không thể quản lí phát ngôn của tất cả những người hoạt động trong NBA.

Kênh CCTV Sports nói: "Chúng tôi tin rằng những thông điệp thách thức chủ quyền quốc gia và ổn định xã hội không thuộc về hạng mục tự do ngôn luận".

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ không tiếp tục hợp tác với NBA cho tới khi NBA xử lí nghiêm khắc thông điệp của ông Morey.

NBA hiện đang đứng trước 2 lựa chọn bất lợi như nhau. Lựa chọn đầu tiên là sa thải ông Morey và xin lỗi - đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đặt lợi nhuận lên trên quyền tự do ngôn luận và gián tiếp ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Lựa chọn thứ 2 là ủng hộ ông Morey và mất thị trường thể thao có tốc độ phát triển lớn nhất thế giới.

Đội Rockets cũng có nhiều thứ để mất bởi đây là đội bóng rổ NBA nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Trước đây, Yao Ming - một ngôi sao bóng rổ người Trung Quốc - đã chơi cho đội Rockets 8 mùa giải trước khi nghỉ hưu vào năm 2011.

NBA không cung cấp số liệu về nguồn lợi nhuận mà thị trường Trung Quốc mang lại. Tuy nhiên, con số này chiếm ít nhất 10% tổng doanh thu của NBA. Thậm chí, theo dự đoán, thị trường Trung Quốc sẽ chiếm 20% doanh thu trong năm 2030.

Bên cạnh đó, việc sa thải ông Morey có thể đặt ra tiền lệ, và nếu một vận động viên hàng đầu vướng phải bê bối với Trung Quốc, thì vụ việc sẽ ngày càng phức tạp hơn.

Morey là giám đốc điều hành, người chịu trách nhiệm tập hợp đội hình các cầu thủ của đội Rockets trong 12 năm qua. Ông được ghi nhận là một người đổi mới và đã đưa phân tích thống kê vào NBA.

Những "quả mìn" khác

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp nước ngoài bị chỉ trích do đề cập tới vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc. Mùa hè vừa qua, Givenchy, Coach và Versace cũng phải lần lượt xin lỗi Trung Quốc vì sản xuất áo phông có in hình ám chỉ Hong Kong là một quốc gia độc lập. Sau đó tất cả các áo này đã bị ngừng bán và thu hồi.

Cathay Pacific Airways, hãng hàng không của Hong Kong, đã gặp áp lực rất lớn từ Bắc Kinh trong thời gian qua.

Chỉ trong vài ngày, giám đốc điều hành của Cathay và một số nhân viên khác - bao gồm phi công - bị sa thải vì ủng hộ người biểu tình.

Hôm 8/10, công ty trò chơi điện tử Blizzard của Mỹ đã hủy bỏ giải và tiền thưởng của một game thủ Hong Kong vì người này đeo kính bảo hộ và mặt nạ phòng độc - những vật phẩm gợi nhắc tới người biểu tình Hong Kong - và kêu gọi tự do cho Hong Kong trong bài phỏng vấn sau trận đấu. Blizzard là một nhánh của Activision Blizzard - tập đoàn có một phần cổ phần thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Tencent.

Trong thông báo, Blizzard cho biết người chơi này đã vi phạm luật thi đấu, cụ thể: "Mặc dù chúng tôi ủng hộ quyền thể hiện ý tưởng và tự do ngôn luận, nhưng những người tham gia các giải đấu thể thao điện tử phải tuân thủ luật lệ của cuộc thi".

New York Times cho rằng, đôi lúc rất khó để nhận ra các "quả mìn chính trị" ở Trung Quốc.

Công ty đá quý Tiffany đã gặp rắc rối khi người dùng mạng xã hội Trung Quốc phản ứng với hình quảng cáo của hãng.

Trên hình quảng cáo này có in hình một nữ người mẫu lấy tay che mắt phải. Đối với nhiều người Trung Quốc, động tác này là một trong những biểu tượng của biểu tình Hong Kong và vốn đã xuất hiện trên rất nhiều phương tiện thông tin do người biểu tình đăng tải.

Dù bức ảnh được chụp vào tháng 5, trước khi cuộc biểu tình nổ ra, nhưng thông tin này cũng không giúp "giải oan" cho Tiffany.

Phát ngôn viên của hãng nói: "Bức ảnh không thể hiện bất kì mục đích chính trị nào cả. Chúng tôi rất tiếc nếu khách hàng cảm thấy như vậy và đã xóa bỏ hình ảnh này khỏi các kênh truyền thông, mạng xã hội và sẽ chấm dứt dùng hình ảnh này ngay lập tức".

Gom củi 3 năm, đốt 1 giờ: Đạp trúng những quả mìn chính trị nguy hiểm ở TQ, vô số công ty trọng thương - Ảnh 3.

Bức ảnh quảng cáo của Tiffany bị gỡ bỏ. Ảnh: Daily Mail

Rắc rối về chính trị còn khiến doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong gặp nhiều trở ngại.

Để tránh gặp rắc rối với đại lục, công ty Vans đã bỏ một số hạng mục có liên quan tới biểu tình Hong Kong trong cuộc thi thiết kế giày của hãng. Sau đó, nhiều cửa hiệu ở Hong Kong đã loại bỏ mọi sản phẩm của Vans khỏi kệ hàng.

"Sáng tạo là một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề xã hội. Sáng tạo và ý kiến công chúng không thể nào bị xóa bỏ", Second Kill, một cửa hàng ở Mong Kok, viết khi đăng tải quyết định dừng bán giày Vans.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại