Huawei “oằn mình” trước muôn vàn sức ép
Huawei đang đối mặt với rất nhiều sức ép. Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã ngăn cản tập đoàn viễn thông Trung Quốc này tiếp cận các công nghệ Mỹ quan trọng ở một quy mô lớn chưa từng thấy. Các quốc gia và các nhà điều hành mạng lưới di động trên khắp thế giới hiện đang đặt câu hỏi liệu Huawei có thể cung cấp hệ thống 5G như các cam kết của họ hay không.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố hồi tháng trước rằng "làn sóng quay lưng với Huawei trên khắp thế giới đang bắt đầu trỗi dậy khi đối mặt với mối nguy hiểm từ Trung Quốc".
Ông Pompeo cũng khen ngợi các quốc gia như Cộng hòa Séc, Ba Lan và Estonia vì đã "chỉ cho phép các bên cung cấp đáng tin tiếp cận mạng lưới 5G của họ".
Carisa Nietsche - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, tổ chức phân tích và nghiên cứu tại Washington nhận định rằng, nhiều nước trong số những quốc gia này đã quyết định từ năm ngoái khi họ thể hiện rằng họ sẽ không hợp tác với Huawei. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu với nền kinh tế lớn hơn như Anh, Pháp và Đức vẫn chưa thông báo lệnh cấm hoàn toàn với Huawei.
Chuyên gia Nietsche nhận định đây chỉ là "sự khởi đầu cho một sự thay đổi lớn ở châu Âu".
Các quốc gia châu Âu và các nhà cung cấp di động hiện lo ngại rằng Huawei sẽ không thể cung cấp cơ sở hạ tầng 5G như đã cam kết giữa bối cảnh tập đoàn này đối mặt với "cú đánh mạnh mẽ" từ các quy định kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ.
Huawei đã nằm giữa "tâm bão" căng thẳng Mỹ - Trung từ trước đó. Năm ngoái, chính phủ Mỹ cấm các công ty Mỹ bán công nghệ và các trang thiết bị cho công ty đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc này nếu không có giấy phép. Điều đó đã khiến Huawei còn một lượng lớn hàng tồn kho, song dù vậy, tập đoàn này vẫn tiếp tục làm ăn với các doanh nghiệp khác bất chấp lệnh cấm của Mỹ. Doanh thu điện thoại thông minh ở nước ngoài của công ty này đã chịu một cú đánh lớn bởi Huawei buộc phải công bố các mẫu mới không thể truy cập các ứng dụng phổ biến của Google.
Thậm chí sau báo cáo tổng kết năm 2019, Huawei đã cảnh báo rằng, 2020 là một năm "khó khăn".
Các lệnh trừng phạt mới công bố của Mỹ hồi tháng 5 thậm chí còn mạnh mẽ hơn các lệnh cấm hồi năm ngoái. Lệnh cấm của Mỹ áp dụng với bất kỳ công ty nước ngoài nào sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất chất bán dẫn. Quy định mới trên đã hạn chế các công ty như TSMC, một công ty có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu các bộ chip và những thành phần quan trọng khác cho Huawei.
Nếu không có các bộ chip này, Huawei không thể xây dựng các cơ sở hạ tầng 5G và các thiết bị khác.
“Dựa trên quy định xuất khẩu trực tiếp mà Mỹ tiến hành hiện nay, tôi thực sự cho rằng doanh nghiệp thiết bị 5G của Huawei đang ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm", nhà phân tích Edison Lee tại công ty môi giới Jefferies đánh giá.
Trao đổi với CNN về vấn đề này, người phát ngôn của Huawei là Evita Cao khẳng định "chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các khách hàng của chúng tôi", song không đưa ra thêm thông tin chi tiết nào.
Công ty này cũng cho biết hồi tháng 5 rằng, Huawei "phản đối mạnh mẽ" các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ, đồng thời gọi các quy định mới này là "phân biệt đối xử".
"Việc này sẽ có tác động nghiêm trọng đến một loạt ngành công nghiệp toàn cầu" và phá hủy "sự hợp tác trong ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu", Huawei khẳng định trong một thông báo, đồng thời nói rằng: "Chúng tôi cho rằng công ty của chúng tôi sẽ không thể tránh khỏi việc bị ảnh hưởng".
Huawei đã khẳng định đầu năm nay rằng công ty này sẽ đảm bảo hoàn thành 91 hợp đồng 5G, hơn một nửa trong số đó (47) là ở châu Âu, 27 hợp đồng ở châu Á và 17 hợp đồng ở các nơi khác trên thế giới.
“Làn sóng” cảnh giác với Trung Quốc
Mỹ từ lâu đã cảnh giác với Huawei khi coi tập đoàn này chịu sự chi phối của chính phủ Trung Quốc. Phía Washington cho rằng Bắc Kinh có thể đã buộc Huawei theo dõi các quốc gia khác mặc dù tập đoàn này khẳng định Huawei chưa bao giờ làm vậy và nếu các yêu cầu như vậy được đưa ra, tập đoàn này sẽ từ chối.
Tuy nhiên, Huawei vẫn bị mắc kẹt trong những tranh cãi Mỹ - Trung và với mức độ căng thẳng ngày càng leo thang này, cả Liên minh châu Âu và các quốc gia như Ấn Độ đều cảnh giác hơn với Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 giống như "tiếp thêm dầu vào lửa" cho quan hệ Mỹ - Trung. Một số quốc gia như Mỹ đã đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch này, trong khi các nước khác, đặc biệt là tại châu Âu cho rằng Bắc Kinh đã “thất bại trong việc xây dựng hình ảnh như một lãnh đạo trên trường quốc tế" sau khi Trung Quốc gửi lô khẩu trang và máy trợ thở kém chất lượng tới các quốc gia đang đối phó với dịch bệnh.
Hiện có những "dấu hiệu rõ ràng" từ Đức và Anh cho thấy "họ sẽ loại bỏ hoặc ít nhất là đưa Huawei ra khỏi mạng lưới 5G cốt lõi", Nietsche cho biết. Đức đang kiểm tra dòng chảy dữ liệu của Huawei để xem xét liệu công ty này có đang vi phạm luật pháp EU hay không.
Trong khi đó, Ấn Độ vẫn đang cân nhắc về việc liệu có nên sử dụng thiết bị Huawei trong mạng lưới 5G của nước này hay không, Chaitanya Giri, một nhà phân tích thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Ấn Độ Gateway House nhận định. Huawei đã được "bật đèn xanh" để tham gia vào các cuộc thử nghiệm 5G tại nước này từ cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc leo thang sau cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới, một số người ở Ấn Độ đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Một động thái rõ ràng nhằm đáp trả Trung Quốc là việc chính phủ Ấn Độ tuần trước đã cấm Tik Tok cũng như một số ứng dụng khác của nước này khi cho rằng chúng tạo ra "mối đe dọa về chủ quyền và sự thống nhất".
Theo chuyên gia Giri, Huawei có lẽ cũng sẽ không tránh khỏi tác động từ sự leo thang căng thẳng này./.