Mặc dù không phải sinh ra và lớn lên tại vùng đất được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long phương nam”, nhưng 20 năm qua, anh Phạm Văn Lưu (44 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) đã chọn nơi đây làm chỗ an cư của gia đình mình.
Vốn là dân xứ biển nhưng do cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên năm 2000, anh Lưu theo bạn bè vào Nam lập nghiệp tại xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.
Bè cá của anh Lưu được neo trên biển, cách nhà không xa - Ảnh: Kim Hà.
Bè được kết từ những chiếc thùng phuy nổi trên mặt nước - Ảnh: Kim Hà.
“Tôi quyết theo bạn bè vào đây thử một chuyến cho biết. Ban đầu, tôi làm nghề câu cá thu, sống rất thoải mái nên tôi quyết định trụ lại, rồi lập gia đình ở đây luôn.” – anh Lưu chia sẻ.
Anh Lưu trên bè cá của mình - Ảnh: Kim Hà.
Những năm gần đây, khi nguồn hải sản dần khan hiếm, ngư dân phải đi đánh bắt xa bờ hàng tháng ròng mới có tôm cá mang về. Do đó, nhiều hộ đã thực hiện mô hình nuôi cá lồng bè để cải thiện kinh tế gia đình.
Tích cóp được số vốn sau nhiều năm bám biển, anh Lưu mạnh dạn làm bè nuôi cá bớp và cá bống mú. Theo anh, vùng nước tại quần đảo Nam Du rất thích hợp để nuôi 2 loại cá này. Tuy nhiên, phải dời bè đi hướng khác khi thời tiết trở mùa.
Cá bớp được nuôi lồng bè trên quần đảo Nam Du. Mỗi con có thể đạt trọng lượng từ 7 - 10kg - Ảnh: Kim Hà.
“Mùa bấc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nước nóng hơn nên cá bống mú nhạy cảm, rất hay chết. Còn mùa nam từ tháng 5 đến tháng 9 mưa nhiều, thời tiết mát cá ít chết hơn. Vì vậy, mùa nam tôi neo bè gần nhà, còn mùa bấc phải dời đi nơi khác, để không bị thiệt hại” – Anh Lưu nói.
Chủ bè cá cho biết, cá bống mú nuôi khó hơn so với cá bớp. Khi đem về mấy tuần đầu, cá hay chết do chưa quen môi trường.
Ban đầu khi mới đem về, cá con rất nhỏ, chỉ tầm 7 – 8 phân nên anh Lưu sử dụng lưới 2 phân để nuôi. Chừng 4 – 5 tháng sau, cá lớn hơn thì bắt đầu thay lưới to hơn. Nuôi được 7 – 8 tháng thì phải dùng đến 2 lớp lưới mới an toàn.
Kéo lưới lên kiểm tra - Ảnh: Kim Hà.
Anh Lưu tiến hành giặt lưới - Ảnh: Kim Hà.
“Bên cạnh việc phải giữ vệ sinh bè nuôi sạch sẽ thì điều quan trọng nhất trong việc nuôi loài thủy sản này là mình sử dụng lưới làm sao cho phù hợp với kích thước con cá qua từng giai đoạn phát triển.
Đặc biệt, phải giặt lưới, rồi kiểm tra xem có bị rách hay không để kịp thời thay mới. Vì những loại cá này rất dữ, nếu không cẩn thận chúng có thể cắn lưới thoát ra ngoài bất cứ lúc nào.” – anh Lưu chia sẻ.
Thức ăn của cá bớp, cá bống mú thường là các loại cá nhỏ như: cá chỉ, cá cơm, cá trích,… và nguồn thức ăn sẽ phụ thuộc vào việc đánh bắt theo kiểu “mùa nào thức ấy”.
Vào mùa nam cá ít, 4 – 5 ngày ghe đi biển mới vô một lần nên người nuôi phải muối dự trữ để cho cá ăn hằng ngày; còn mùa bấc cá nhiều hơn, đánh bắt gần bờ nên ngày nào cũng có nguồn thức ăn tươi sống cho bầy cá.
Thức ăn của cá bớp, cá bống mú thường là các loại cá nhỏ như: cá chỉ, cá cơm, cá trích,... - Ảnh: Kim Hà.
Với 2 lồng bè nuôi cá, sản lượng đạt 10 tấn/1.000 con. Sau khi trừ hết chi phí, anh Lưu còn lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài việc nuôi cá, ông chủ bè còn kết hợp làm du lịch, với hình thức cho khách tham quan bè nuôi. Nếu ai có nhu cầu muốn cá ăn tại chỗ thì anh Lưu cũng sẵn sàng chế biến. Qua đó, du khách có thể tận hưởng cảm giác vừa lênh đênh trên biển, vừa thưởng thức cá tươi và nhâm nhi vài ly bia thư giãn cùng bạn bè cũng là một trải nghiệm thú vị.
Du khách trải nghiệm chế biến thức ăn ngay trên bè cá - Ảnh: Kim Hà.
Sắp tới anh Lưu dự định sẽ mở rộng diện tích bè để có chỗ cho khách đến tham quan bè cá. Vừa nuôi trồng thủy sản, vừa kết hợp làm du lịch là một trong những “nghề mới” của ngư dân tại quần đảo Nam Du xinh đẹp.