Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cũng mua dầu Nga
Theo dữ liệu của Reuters, Ả Rập Xê Út đã nhập khẩu tới 647.000 tấn dầu từ Nga trong quý II, gấp đôi con số 320.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Để so sánh, Ả Rập Xê Út đã nhập khẩu 1,05 triệu tấn dầu từ Nga vào năm 2021.
Quốc gia Trung Đông ngày càng sẵn sàng tăng cường sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga. Điều này gây mâu thuẫn với các cường quốc toàn cầu khi họ đang cố gắng cắt nhập khẩu để trừng phạt Nga.
Các báo cáo nói rằng chuyến đi của Tổng thống Biden tới Ả Rập Xê-út không có khả năng mang lại một thỏa thuận về dầu, tiếp tục làm căng thẳng áp lực giá ở Mỹ mặc dù giá xăng đã giảm trong 20 ngày liên tiếp.
Nguồn: Bloomberg
Ả Rập Xê Út cần sử dụng dầu cho lưới điện của mình, đặc biệt quan trọng trong những tháng mùa hè nóng như thiêu đốt. Saudi Arabia thường tiêu thụ 600.000 thùng mỗi ngày trong mùa hè và khoảng 300.000 thùng mỗi ngày trong mùa đông.
Trên thực tế, Ả Rập Xê Út không phải là "tay trung gian" duy nhất mua dầu chiết khấu từ Nga với giá rẻ và xuất khẩu dầu với giá cao để kiếm chênh lệch. Trong những tháng gần đây, khi nói đến những "tay trung gian dầu mỏ" kiếm bộn tiền sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, phải kể đến Ấn Độ.
Nga cứng rắn với những ai áp trần giá dầu
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố, Nga sẽ không bán dầu cho bất cứ quốc gia nào áp mức giá trần đối với dầu nhập khẩu của nước này.
"Dầu và các sản phẩm từ dầu sẽ không được cung cấp cho bất cứ nước nào làm điều đó. Nguồn cung sẽ chuyển hướng đến những quốc gia sẵn sàng hợp tác", Reuters hôm 23/7 dẫn lời bà Elvira Nabiullina – Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga.
Bà Elvira Nabiullina cũng cảnh báo, ý tưởng áp giá trần đối với giá dầu Nga, được đưa ra bởi phương Tây, sẽ khiến giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh.
Tuyên bố được Nabiullina đưa ra sau phát biểu của Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 20/7, cho biết Washington hy vọng quy định áp trần giá dầu Nga sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn cầu trước tháng 12.
Các nước G7 tính áp giá trần với dầu, Nga tuyên bố 'không bán'.
Trước đó, hôm 14/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, áp giá trần là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất để hạn chế nguồn thu từ việc bán nhiên liệu của Nga, cũng như giúp kiềm chế lạm phát. Bà Janet Yellen tiết lộ, mức giá trần đối với dầu Nga có thể bị giới hạn vào khoảng 40 - 60 USD/thùng. Nga hiện đang bán dầu với mức giá dao động từ 80 - 85 USD/thùng.
Hôm 21/7, phát biểu trên sóng truyền hình, Phó Thủ tướng Nga - ông Alexander Novak - tuyên bố, Moscow có thể ngừng xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới nếu giá dầu của nước này bị giới hạn dưới mức chi phí sản xuất.
"Nếu mức giá họ đang nói thấp hơn chi phí để sản xuất dầu. Nga sẽ không đảm bảo cung cấp dầu ra thị trường thế giới. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không chịu lỗ", ông Alexander Novak cảnh báo.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Nga, từ ngày 1-17/7, các hãng dầu Nga đã bơm ra thị trường trung bình 10,78 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 0,6% so với cùng kỳ tháng 6. Như vậy, sản lượng dầu của Nga đã ghi nhận chuỗi tăng kéo dài 3 tháng bất chấp các đòn trừng phạt chưa từng có từ phía Mỹ và châu Âu.
Tham khảo: BI, Bloomberg