Nga "không vui"
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Hürriyet ngày 1/11, ông Lavrov cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho quân nhân và thường dân Nga thiệt mạng.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đã đặt câu hỏi về sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột và nói ông "bất ngờ" khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vào năm 2022, ngay sau khi Moscow mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần thảo luận về việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Kể từ đó, Ukraine vẫn kiên quyết không tham gia trực tiếp với Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tuần trước rằng Kyiv đã 2 lần từ chối các sáng kiến ngừng bắn từ Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa hai nước kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.
Ankara khẳng định ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và đã cung cấp cho Kyiv máy bay không người lái có vũ trang cùng các hỗ trợ quân sự khác. Tuy nhiên, nước này cũng đang củng cố mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Nga và phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái Bayraktar TB2, súng máy hạng nặng, tên lửa dẫn đường bằng laser, hệ thống tác chiến điện tử, xe bọc thép và thiết bị bảo vệ.
Ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mức xuất khẩu kỷ lục vào năm 2023, đạt tổng cộng 5,5 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm trước, theo báo cáo của Hội đồng xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM). Khoảng 5,3% trong số các mặt hàng xuất khẩu đó được chuyển đến Ukraine.
Thế "đi dây" của Thổ Nhĩ Kỳ
Là một phần của Thỏa thuận khung quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vào tháng 10/2020, cả hai nước đã nhất trí trao đổi thông tin tình báo quân sự, hợp tác giữa lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp quốc phòng, các hoạt động giáo dục và đào tạo lẫn nhau.
Trong chuyến thăm Kyiv của Tổng thống Erdogan vào ngày 4/2/2022 - trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt - hai nước đã ký hàng chục thỏa thuận, bao gồm một thỏa thuận thương mại tự do.
Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hợp tác toàn diện và hướng tới tương lai trong ngành công nghiệp quốc phòng với Ukraine. Một số đầu vào cho ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ được cung cấp từ Ukraine, Euronews dẫn lời một nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Ankara cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow.
Trong những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, được đặt theo tên của các thành viên đầu tiên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Năm nay liên minh này đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.