Tờ Fiancial Times đưa tin ngày 17-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông không muốn tuyên chiến với Iran trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng và bầu cử tổng thống Mỹ đang cận kề.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết có sự chia rẽ nội bộ trong bộ máy chính quyền Washington. Ông Trump tỏ ra không hài lòng với một số cố vấn an ninh quốc gia, những người ông cho rằng đang thúc đẩy và lôi kéo Mỹ vào những cuộc chiến với các nước khác.
Chia rẽ nội bộ?
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo gần đây cảnh báo Iran về những khiêu khích trong ngôn ngữ ngày càng “hiếu chiến” và lo ngại Tổng thống Trump đang chuẩn bị tuyên chiến với Tehran, theo hãng tin kinh tế Bloomberg.
Tuy nhiên, đài CNN cho biết ông Trump đang có những bước tiến nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở vịnh Ba Tư mà ông không hề mong muốn này. Tuần trước, ông Trump đã phàn nàn về Cố vấn Bolton vì đã đẩy cao căng thẳng với Iran lên đến đỉnh điểm và xung đột vũ trang có thể xảy ra.
Hơn nữa, sự thất vọng của tổng thống dành cho ông Bolton thực sự bắt đầu từ mùa xuân này khi ông Bolton và các quan chức khác gợi ý về lựa chọn quân sự ở Venezuela. Tổng thống Mỹ phải lên tiếng cảnh báo nhóm cố vấn của ông chú ý việc phát biểu với các biện pháp tu từ.
Ngày 15-5, truyền thông Mỹ đưa tin nhiều quan chức trong Hội đồng An ninh quốc gia yêu cầu Lầu Năm Góc đưa thêm những biện pháp răn đe đối với Iran khi tình hình căng thẳng leo thang.
Cùng ngày, ông Trump đã phủ nhận có sự đấu đá trong bộ máy chính quyền xoay quanh chính sách Trung Đông của ông. Tổng thống còn nhấn mạnh ước muốn của ông là được nói chuyện với Iran.
Một ngày sau đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cũng phủ nhận có bất kỳ sự chia rẽ nào trong chính quyền Washington về vấn đề Iran. Bà Sanders cho biết Tổng thống Trump mới là người đưa ra quyết định cuối cùng và ông sẽ dùng tất cả thông tin để đưa ra quyết định tốt nhất nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân Mỹ.
“Ngay cả khi bây giờ tổng thống muốn làm dịu căng thẳng với Iran, chính ông là người muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Những điều này đi ngược lại với lời khuyên của các cố vấn an ninh quốc gia trước đây và đã khiến cuộc xung đột với Iran càng gần hơn” - bà Sanders tuyên bố ngày 16-5.
Mục tiêu trong việc đối trọng Iran
Theo hãng tin CNN, ông Trump đã chỉ đạo các cố vấn trong những tháng gần đây thắt chặt những biện pháp buộc nhà lãnh đạo Iran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân tốt hơn với Mỹ.
Trong khi các chính sách từ Washington gây tổn hại nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo, các nhà lãnh đạo Iran dường như cũng bị đẩy vào đường cùng và trở nên tức giận hơn thay vì mong muốn ngồi vào bàn đàm phán.
Có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra và tôi là người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Đó là một quá trình đơn giản. Tất cả khía cạnh, quan điểm, chính sách đều được xem xét. Tôi chắc chắn Iran sẽ muốn nói chuyện sớm thôi.
Tổng thống Mỹ DONALD TRUMP
Bây giờ ông Trump đang cố gắng thực hiện các bước tích cực hơn để hướng đến phương pháp ngoại giao. Tờ Bloomberg cho biết cuộc gặp gỡ với Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer ngày 16-5 là một minh chứng cho điều đó.
Mỹ và Iran không thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức nhưng Thụy Sĩ đóng vai trò đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Iran và thực hiện các dịch vụ cho công dân Mỹ ở quốc gia Trung Đông này. Thụy Sĩ cũng góp phần là một kênh ngoại giao giữa hai nước Mỹ và Iran mặc dù có nhiều cơ chế khác cũng tồn tại, theo tờ Financial Times.
Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo bàn về cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Venezuela. Hơn nữa, ông Trump tỏ lòng biết ơn về vai trò của Thụy Sĩ trong việc đại diện Mỹ thúc đẩy hòa giải quốc tế và quan hệ ngoại giao.
Trong khi có quan điểm rằng ông Trump phản đối cuộc chiến vì nó sẽ bất lợi cho tranh cử của ông vào chiếc ghế tổng thống năm tới, ông Pompeo khẳng định mục tiêu của Washington là thay đổi thái độ của nhà lãnh đạo Iran chứ không phải chiến tranh.
Tờ The New York Times ngày 16-5 còn cho biết ông Trump đã nói với Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan rằng ông không muốn gây chiến với Iran.
Tương tự, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tuyên bố Mỹ không muốn xung đột vũ trang xảy ra với Iran. Tuy nhiên, ông Garrett Marquis nhấn mạnh Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của nhân viên Mỹ và lợi ích quốc gia ở khu vực vì lựa chọn của Iran trong bốn thập niên qua chỉ là bạo lực.
Những diễn biến mới nhất trong căng thẳng Mỹ - Iran
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã đưa một số máy bay ném bom B-52 đến Trung Đông để đối phó “các dấu hiệu đe dọa rõ ràng từ Iran”, đồng thời duyệt triển khai thêm các hệ thống phòng không Patriot ở Trung Đông.
Mặc dù phủ nhận kế hoạch triển khai 120.000 binh sĩ tới Trung Đông để đối phó với các đe dọa từ Iran, Tổng thống Trump cho hay ông sẽ không loại trừ phương án đó, thêm rằng ông thậm chí có thể điều hơn 120.000 quân.
Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad trong một thông cáo ngày 15-5 cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh tất cả nhân viên thuộc diện không khẩn cấp rời khỏi Iraq. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến nghị những người có liên quan khởi hành bằng phương tiện giao thông thương mại càng sớm càng tốt, theo hãng tin Sputnik.
Về phía Iran, cơ quan thông tấn Cộng hòa Hồi giáo (IRNA) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami khẳng định nước này đang đối mặt với các kẻ thù và sẵn sàng chống lại mọi mối đe dọa. Ông Hatami còn nhấn mạnh sẽ đánh bại liên minh giữa Mỹ và Israel.