Bi kịch gia đình
Ông Trần Văn Tốt (69 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đặt tên con là Thành Công, với mong muốn đứa trẻ lớn lên sẽ khỏe mạnh, thông minh và có cuộc đời vinh hiển. Nhưng từ khi bi kịch xảy ra, anh Công (45 tuổi) vẫn ngơ ngơ ngẩn ngẩn như một đứa trẻ.
Trong căn nhà lụp xụp, vách tôn, nền đất, ông Tốt là người bình thường duy nhất. Hằng ngày, ông đều làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để chăm sóc vợ con.
Ông Tốt trầm ngâm kể: "Tôi có 3 người con trai, đứa đầu tiên đã đi lấy vợ và ở nơi khác, cuộc sống cũng đầy khốn khó. Năm 15 tuổi, Công (con trai thứ 2) của tôi theo nghề đắp bờ. Hằng ngày, nó đều lặn ngụp dưới dòng sông để đắp đất đá.
Tôi còn nhớ cái ngày mà Công trở nên "không bình thường", nó cứ ngồi thừ dưới sông không chịu lên bờ, chúng tôi phải kéo nó mãi. Sau đó, nó bắt đầu ngây ngây, dại dại. Có lần, Công trốn nhà từ bờ huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) bơi qua sông Tiền đến phía bờ Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) nhưng may mắn không sao. Chúng tôi hoảng hốt quá bèn giữ con ở nhà rồi đem đi bệnh viện chữa trị. "Tâm thần phân liệt" là kết quả cuối cùng mà chúng tôi nhận được từ bác sĩ".
Anh Thành Công
Thời gian sau, anh Thành Công bắt đầu sợ nước. Theo lời ông Tốt, khoảng 4-5 tháng anh mới tắm một lần, mỗi lần uống nước đều cảm thấy ... hoảng sợ. Thương con, hai vợ chồng nuốt nước mắt chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả.
Nỗi đau này chưa đi qua nhưng bi kịch khác lại ập đến, người con trai thứ ba của ông Tốt cũng có dấu hiệu tâm thần. Có khách đến thăm, anh bèn lẳng lặng ra nhà sau ngồi thẫn thờ, ánh mắt đờ đẫn.
Ông Tốt trước ngôi nhà của mình
"Trước đây, khi thấy người lạ, nó hoảng loạn bỏ chạy, đôi khi còn đánh trả nếu tôi tiếp cận. Ở tuổi ngoài 40, nó vẫn ngơ ngẩn như một đứa trẻ. Hằng ngày, tôi vẫn phải lo cho con từng bữa cơm, ly nước uống như thời tấm bé", ông Tốt đau lòng nói.
Người đàn ông trụ cột
Cuộc nói chuyện giữa ông Tốt và chúng tôi bị ngắt bởi tiếng cười ngặt nghẽo phía sau nhà. "Vợ tôi đó", ông Tốt ái ngại nói.
4 năm trước, trong một lần về nhà, ông bắt gặp vợ ngã sóng xoài trên nền gạch, miệng lắp bắp. Theo chẩn đoán từ bác sĩ, bà bị tai biến và trở nặng. Từ đó đến nay, bà không thể nói được một câu nào với ông Tốt, chỉ có thể cười ngặt nghẽo, ngoài ra không thể hiện cảm xúc nào khác.
"Trước đó, cả hai vợ chồng đều làm lụng vất vả để nuôi con. Tôi làm vườn, còn bà ấy hái rau ra chợ bán. Ngày hôm đó, vợ tôi đi chợ về thì tự dưng bị trượt ngã rồi ngã vật ra. Trong lúc đau đớn nhất, bà ấy cố trườn ra phía cửa để tìm tôi", ông Tốt nghẹn ngào nhớ lại.
Sau khi hai con lần lượt tâm thần, vợ tai biến, ông Tốt trở thành trụ cột duy nhất trong nhà. Hằng ngày, ông đều thức dậy sớm nấu ăn cho vợ con, ông bón từng thìa cháo, dọn rửa chỗ vệ sinh cho vợ con.
Đút cơm cho con, nấu ăn cho vợ, dọn dẹp phòng con trai... xong việc ông lại tiếp tục lao ra vườn làm việc. Ông kể: "Công nó rất sợ uống nước. Mỗi lần uống, con đều phát hoảng cho rằng mình sẽ chết. Tôi phải dỗ dành nó".
Ông Tốt kể, nhiều đêm nằm ngủ, ông vẫn luôn nguyện cầu trời Phật cho mình luôn được khỏe mạnh để chăm sóc cho cả gia đình. Bởi ông không dám nghĩ đến cảnh vợ con sẽ sống như thế nào nếu như ông không còn trên cõi đời này nữa.
Ngôi nhà ông Tốt nằm lọt thỏm giữa khu vườn bát ngát, đôi tay chai sần vì việc cuốc đất, khuân vác, tưới tiêu nhưng ông chưa bao giờ than thở. Công việc này giúp ông có thu nhập bình quân từ 30.000 đến 70.000 đồng mỗi ngày, tất cả đều để chắt chiu lo thuốc thang, cơm nước cho mọi người trong gia đình. Và vì họ là gia đình, ông Tốt chắc chắn rằng sẽ không bao giờ bỏ lại...