Thông tin trái chiều
Theo Tân Hoa Xã, hồ chứa của đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã đón đợt lũ thứ hai trên sông Dương Tử và cũng là trận lũ lớn nhất mà hồ chứa này phải đối phó trong năm nay.
Khoảng 8h sáng ngày 18/7, lượng nước đổ vào hồ chứa đã đạt 61.000m3/giây trong khi lượng xả đạt mức 33.000m3/giây, 45% nước lũ được giữ lại trong hồ chứa. Mực nước trong hồ đạt 160,17m. Trong khi đó, hệ thống thủy điện đã hoạt động hết công suất để sản xuất 22,5 triệu kWh điện.
Tờ Hoàn Cầu khẳng định đập Tam Hiệp đang hoạt động hiệu quả trong việc ngăn áp lực nước lũ tại vùng hạ lưu và trung lưu sông Dương Tử. Ngoài ra, công ty vận hành đập Tam Hiệp cũng phủ nhận mọi tin đồn và cáo buộc của truyền thông nước ngoài liên quan tới đập Tam Hiệp, bao gồm thông tin đập đang bị biến dạng, sắp sập hay việc đập không có tác dụng trong việc ngăn nước lũ.
Ảnh: Hoàn Cầu
Mùa mưa lũ năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều tỉnh ở Trung Quốc, khiến hơn 20 triệu người dân chịu thiệt hại, hơn 1,76 triệu người phải sơ tán - theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc.
Tới hết ngày 17/7, dự án đập Tam Hiệp đã vận hành chức năng chống lũ lụt tổng cộng 3 lần, ngăn 6,6 tỉ m3 nước - tương đương với quy mô gấp 470 lần hồ Tây ở Hàng Châu. Trong mùa mưa lũ, hồ chứa của Tam Hiệp đã làm giảm tốc độ nước lũ và giảm đỉnh lũ, qua đó ngăn chặn mức nước ở cửa thoát hồ Động Đình, Hộ Khẩu, hồ Bà Dương vượt mức an toàn.
Mức an toàn của đập Tam Hiệp
Hoàn Cầu cho rằng đập đã ngăn chặn phần lớn áp lực lũ ở vùng hạ lưu và trung lưu sông Dương Tử. Nếu không có đập Tam Hiệp, những khu vực này sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng hơn hiện tại nhiều lần.
Trong thời gian qua, tình hình mưa lũ phức tạp đã thu hút sự chú ý của nhiều người tới đập Tam Hiệp. Công ty vận hành đập thường xuyên nhận được những câu hỏi và những lời đồn đoán về "số phận" của con đập.
Mới đây, ngày 14/7, một bài báo của Reuters (Anh) dẫn lời một nhà địa lý cho rằng "hồ chứa đập Tam Hiệp không đủ khả năng để đối phó hiệu quả với những trận lũ nghiêm trọng nhất".
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng nhà địa lý nói trên đã không đề cập tới chi tiết rằng dự án đập Tam Hiệp chủ yếu được xây dựng ở vùng Chenglingji, gần cửa thoát của hồ Động Đình.
Với khả năng chứa nước ở ngưỡng 22 tỉ m3, đập đã được thiết kế để ngăn chặn lũ lớn ở thượng lưu sông Dương Tử trong khi đập Tam Hiệp cũng đóng góp một phần lớn ảnh hưởng để ngăn chặn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nếu mưa lớn tiếp tục gây lũ lụt ở vùng hạ lưu và trung lưu sông Dương Tử, các thành phố xung quanh khu vực sẽ phải phụ thuộc vào hệ thống thoát nước địa phương. Trong những tình huống đó, đập Tam Hiệp vẫn có thể hỗ trợ bằng cách lưu trữ và xả nước hợp lí nhằm giảm tải áp lực lũ lên các thành phố này.
Tờ Hoàn Cầu cho rằng việc phóng đại thông tin đập Tam Hiệp "biến dạng" đã trở thành loại "tin giả" được truyền thông nước ngoài ưa chuộng. Phản hồi lại thông tin này, công ty vận hành đập khẳng định đập Tam Hiệp đang hoạt động trong tình trạng tốt. Trong nhiều năm qua, đập Tam Hiệp chưa gặp bất kì sự cố biến dạng nào và cũng chưa thực sự có nguy cơ đáng nói nào xảy ra.
Đập Tam Hiệp là một hệ thống quản lí nước đa chức năng, bao gồm con đập dài 2.309m, cao 185m, có "thang máy tàu" 5 tầng và 34 máy phát điện thủy điện.