Mặc dù sao Hỏa hiện nay trông như một thế giới khô cằn, nhưng bề mặt của nó chứa đựng nhiều bằng chứng quan trọng cho thấy sự hiện diện của nước từng chảy trong quá khứ. Các bằng chứng này bao gồm sự hiện diện của các dòng sông đã cạn kiệt, tàn tích của lòng hồ và đại dương cổ đại, cũng như các thung lũng bị xói mòn do nước gây ra.
Và giờ đây, tàu quỹ đạo Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã phát hiện ra bằng chứng rõ ràng về một khối lượng lớn băng tập trung quanh vùng xích đạo Sao Hỏa. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên bằng chứng về băng được tìm thấy trên Hành tinh Đỏ, nhưng phát hiện mới cho thấy đây là khối băng có khối lượng lớn nhất, dày nhất, so với những khám phá tương tự trước đây. Điều đặc biệt, nếu tan chảy, nước từ khối băng khổng lồ này có thể bao phủ toàn bộ cảnh quan sao Hỏa trong 1,5 đến 2,7 mét nước.
Theo thông cáo của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, đây có thể là khối băng chứa lượng nước lớn nhất từng được tìm thấy ở phần xích đạo của Sao Hỏa, và nếu tan ra, nước của nó có thể đủ để lấp đầy Biển Đỏ của Trái đất.
Tàu quỹ đạo Mars Express đã xác định được dấu hiệu của khối băng nước kéo dài vài km bên dưới bề mặt ở khu vực xích đạo bí ẩn được gọi là Medusae Fossae Formation (MFF). Thomas Watters thuộc Viện Smithsonian, Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết: “Chúng tôi đã khám phá MFF một lần nữa bằng cách sử dụng dữ liệu mới hơn từ radar MARSIS của tàu Mars Express, và nhận thấy lớp băng trầm tích thậm chí còn dày hơn chúng tôi nghĩ: nó dày tới 3,7 km”.
Watters cho biết thêm: “Thật thú vị, các tín hiệu radar thăm dò ở MFF khớp với những gì chúng ta từng nhìn thấy ở các lớp băng từ các chỏm cực của Sao Hỏa, nơi mà chúng ta biết là rất giàu băng”.
Còn Colin Wilson, nhà khoa học dự án của Mars Express, cho biết: “Phát hiện mới nhất này thách thức sự hiểu biết của chúng tôi về Hệ tầng Medusae Fossae Formation, và nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi đại loại như khối băng này hình thành cách đây bao lâu, sao Hỏa lúc đó trông như thế nào?”.