Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện thái độ tích cực, muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và EU.
Theo đó, người đứng đầu nước Nga tuyên bố, ông chấp nhận việc Mỹ có thể là siêu cường duy nhất trên thế giới và sẵn sàng làm việc với bất cứ người nào thắng cử tổng thống.
Đáng lưu ý, khi được hỏi về tỷ phú Donald Trump, ông Putin dường như nói giảm đi những bình luận tích cực từng đưa ra trong quá khứ và cho rằng chúng bị hiểu lầm.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Putin mô tả ông Trump là "rất khoa trương", "rất tài năng" và là "một lãnh đạo thực sự trong cuộc đua vào vị trí tổng thống".
Những bình luận này cùng lời lẽ nồng ấm của ông Trump về ông Putin làm dấy lên nghi ngờ Điện Kremlin sẽ hài lòng khi thấy ông Trump vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, ngày 17/6, ông Putin chỉ mô tả ông Trump là "khoa trương". "Ông ấy là như vậy phải không?", ông Putin cười nói. "Tôi đã không có đánh giá nào khác về ông ấy".
Tổng thống Putin cũng cho biết ông hoan nghênh mong muốn của ông Trump về việc khôi phục quan hệ Mỹ - Nga. "Điều đó có gì sai chứ?", ông Putin hỏi, nhận được tràng pháo tay từ khán giả.
Trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov xác nhận rằng chính quyền Putin đã và đang có kế hoạch để bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU.
Điều này phần nào được minh chứng bởi tuyên bố của ông Putin tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới St Petersburg. Tổng thống Putin khẳng định Nga không giữ ác cảm với EU, và mong muốn cải thiện quan hệ với các nước này dựa trên những mối hợp tác kinh tế.
“Các cuộc gặp gỡ gần đây của chúng tôi với đại diện các doanh nghiệp Đức và Pháp đã chứng tỏ kinh tế châu Âu đang sẵn sàng và sẵn lòng hợp tác với đất nước chúng tôi.
Các chính trị gia cần phải bắt nhịp với doanh nhân, và cho thấy sự khôn ngoan, tầm nhìn rộng cũng như sự mềm dẻo, thích nghi. Chúng tôi phải lấy lại niềm tin vào các mối quan hệ Nga-châu Âu và khôi phục mức độ tương tác trước đây”, ông nói.
Joerg Forbrig, Giám đốc cấp cao Quỹ Marshall của Mỹ tại Berlin cho hay: "Có nhiều nhà tư bản ở châu Âu đang nóng lòng muốn trở lại kinh doanh tại Nga.
Phía Moscow đã phát hiện ra cơ hội rất tốt này nên đang tung ra một chính sách ngoại giao rất thông minh có thể phá vỡ sự thống nhất của EU trong việc cấm vận Nga".
Giới quan sát cho rằng, trong các cuộc gặp tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg 2016, Chủ tịch EC Juncker có thể thảo luận với Tổng thống Putin về việc tăng gấp đôi công suất của đường ống của “Dòng chảy phương Bắc” - dẫn khí đốt của Nga tới Đức.
Còn Thủ tướng Italy Matteo Renzi có thể trao đổi với Tổng thống Putin về việc tái khởi động “Dòng chảy phương Nam” mà Putin đang phải bỏ dở.
Có thể thấy rằng, những cơ hội tốt cho nước Nga của Putin dồn dập xuất hiện trong thời gian gần đây khiến cho người ta có thể cảm nhận sự chịu đựng của người dân Nga đã có thể dần vơi và mường tượng ra những nước đi hay của ván cờ mới mà Putin vừa tạo ra cho nước Nga và cho chính bản thân ông.
Nếu như những nước cờ trước đây của Putin không mang lại hiệu quả vì ông thiếu những quân cờ “cao tay ấn”, nay với những quân cờ mới thì có thể hy vọng tình hình sẽ đổi khác.