Trong lá thư gửi lãnh đạo các nước EU, ông Tusk trấn an rằng ngay từ khi bắt đầu đàm phán cách đây gần hai năm, EU đã tính đến phương hướng giảm thiểu sự bấp bênh và xáo trộn do Brexit gây ra cho công dân, doanh nghiệp và quốc gia thành viên EU.
Những quy chế đối với công dân EU sống, làm việc và học tập tại Anh, rồi cam kết và trách nhiệm tài chính của Anh với khối… cũng đã được tính đến.
Đã hơn 2 năm kể từ khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc chia tay với EU, quá trình này vẫn diễn ra không suôn sẻ. Với các nước thành viên EU ngoài nước Anh, tất nhiên chẳng ai thiện cảm với London. Trong con mắt của họ, nước Anh chẳng khác nào kẻ “khi vui thì vỗ tay vào”, lúc gặp khó thì tìm đủ mọi cách để “ly hôn”.
Chính vì thế các nước EU này đòi hỏi phải có các văn bản với những điều khoản chặt chẽ, chẳng khác nào một “hóa đơn ly dị” mà London sẽ phải chi trả khi rời khỏi EU.
Đó là những khoản mà Anh phải tiếp tục thanh toán cho ngân sách EU trong giai đoạn chuyển tiếp, là các quyền lợi của công dân EU mà Anh phải bảo đảm, là cam kết không để tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland bị ảnh hưởng, tránh một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Với Tây Ban Nha, ngoài những yêu cầu trên, Madrid còn vướng mắc với London xung quanh quy chế với Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh nằm gần cực Nam Bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc.
Madrid nhiều lần yêu cầu London trả lại vùng đất rộng khoảng 6,8 km2 này với khoảng 30 nghìn dân sinh sống mà nước này đã từ bỏ vào năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã cảnh báo sẽ bác bỏ thỏa thuận Brexit, nếu văn kiện này không đảm bảo quyền phủ quyết của Madrid đối với vùng lãnh thổ Gibraltar.
Còn nước Anh, dù là người chủ động “đâm đơn ly hôn” nhưng London chẳng muốn chịu thiệt chút gì. Anh không muốn một khi rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, một kịch bản sẽ kéo theo hàng loạt mức thuế đánh vào hàng xuất khẩu của quốc gia này cùng với những biện pháp hạn chế lao động từ EU. Thậm chí gần đây, một số lực lượng chính trị ở Anh còn yêu cầu Chính phủ nước này “xem xét lại và từ bỏ Brexit” để tránh thiệt hại về kinh tế.
Theo lộ trình, Brexit sẽ chính thức diễn ra vào ngày 29-3-2019. Nhưng do những mâu thuẫn trên, chưa ai có thể khẳng định các thỏa thuận chia tay sẽ dễ dàng được thông qua trước thời điểm này.
Trước mắt, hai bên mới chỉ thống nhất Anh vẫn tiếp tục ở trong thị trường chung châu Âu trong 21 tháng chuyển tiếp trong khi các nhà đàm phán tiếp tục tìm kiếm một thỏa thuận thương mại để tránh một sự cố có thể xảy ra trong quan hệ thương mại giữa hai bên. Nếu các bên không đạt được một thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Anh có thể yêu cầu gia hạn thời gian chuyển tiếp một lần duy nhất.
Đúng là trong những cuộc đàm phán giữa EU và Anh, không ai muốn đánh bại ai như lời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ông Tusk khẳng định cả Anh và 27 nước EU còn lại đều bày tỏ mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận tốt và công bằng. Nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế thì cuộc chia tay này không êm ả như mong đợi.
Link gốc bài viết tại đây.