Anh và Tây Ban Nha đã đạt được một thỏa thuận hôm 24/11 liên quan đến tình trạng của Gibraltar ngay khi Brexit có hiệu lực, mở đường cho việc đạt được thỏa thuận về Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
"Tôi vừa thông báo nhà vua rằng Tây Ban Nha đã đạt được thỏa thuận về Gibraltar," Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói với các phóng viên ở Madrid.
Ông cho biết thỏa thuận này không bao gồm lãnh thổ nằm trong đàm phán chung giữa EU và Anh và sẽ cho phép Tây Ban Nha đàm phán trực tiếp với Anh về tình trạng của Gibraltar.
Tây Ban Nha "sẽ bỏ phiếu ủng hộ Brexit", Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez khẳng định.
Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm gần cực Nam bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc.
Vùng lãnh thổ này là đối tượng tranh chấp chủ quyền lâu đời giữa Anh và Tây Ban Nha, và hiện do London kiểm soát.
"Anh cam kết rằng các thỏa thuận thương mại và các thoả thuận khác trong tương lai với EU đều mà London đàm phán đều có hiệu lực cho các vùng lãnh thổ, bao gồm Gibraltar", chính quyền Gibraltar cho biết trong một tuyên bố.
Nhưng Tây Ban Nha muốn mọi thỏa thuận giữa EU và Anh sẽ không áp dụng cho Gibraltar trừ khi London đạt được đồng thuận của Madrid.
Madrid đã đe dọa sẽ không bỏ phiếu thông qua thỏa thuận về Brexit nếu Tây Ban Nha và Anh không thể giải quyết vấn đề của Gibraltar. Theo quy định của EU, thỏa thuận về Brexit phải được đa số trong 27 quốc gia còn lại chấp thuận.
Trong suốt 17 tháng kể từ sau khi Vương quốc Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU vào tháng 6/2016, tiến trình Brexti đã diễn ra không suôn sẻ. Vấn đề gây tranh cãi của Gibraltar chỉ là "tiếng súng" mới nhất.
Hiện tại, biên giới giữa Tây Ban Nha và Gibraltar vẫn đang mở cửa, nhưng chính phủ Tây Ban Nha lo ngại rằng điều này sẽ thay đổi sau Brexit, ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
Tây Ban Nha gia nhập EU vào năm 1986 - 13 năm sau Vương quốc Anh - và một trong những điều kiện để gia nhập của quốc gia này là đồng ý với chủ quyền của Anh đối với Gibraltar.
Sau khi 27 nước thành viên EU thông qua thỏa thuận Brexit, văn bản này vẫn cần được Quốc hội Anh và EU thông qua. Tuy nhiên, ngay cả các nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh cũng phản đối thỏa thuận này.
Phát biểu tại hôm thứ Bảy, Boris Johnson, cựu bộ trưởng ngoại giao Anh nói rằng nước Anh "đang trên bờ vực tạo ra một sai lầm lịch sử" và Vương quốc Anh sẽ trở thành những người tuân thủ thay vì tạo ra luật chơi.
"Brussels đã cho chúng tôi biết chính xác họ muốn gì ở chúng tôi - một quốc gia vệ tinh", ông nói.
Thủ tướng Anh Theresa May đã đồng ý chấp nhận các điều khoản về liên minh hải quan và các quy định thị trường duy nhất của EU. Những người chỉ trích cho rằng, đây là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với nước Anh.