Ngôi làng Corby Glen, Lincolnshire, nước Anh được bao bọc bởi những khu rừng và cánh đồng vốn là một nơi rất yên bình, thơ mộng.
Những con đường hàng trăm năm tuổi lúc nào cũng tĩnh lặng. Thế nên không ai có thể tưởng tượng được rằng nơi đây là quê hương của kẻ giết người hàng loạt, gây nên cái chết cho 4 đứa trẻ cách đây 27 năm.
Tuổi thơ gắn liền với băng gạc, bệnh viện và tham vọng trở thành y tá của thiếu nữ 16 tuổi
Beverley Allitt sinh ngày 4/10/1968, trong gia đình có 4 đứa con. Thoạt trông Beverley có vẻ có một tuổi thơ hết sức bình thường thế nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Ngày bé, Beverley luôn khiến giáo viên và bạn bè chú ý bởi lúc nào cũng đeo băng và bó bột ở những vị trí dễ thấy.
Tuy nhiên, một người bạn học cũ đã kể lại với Independent trong một buổi phỏng vấn vào năm 1993: "Cô ta chưa bao giờ cho mọi người thấy phía sau lớp băng đó là gì và bị nhiều người cho rằng cô đã tự gây ra thương tích cho chính mình".
Đến tuổi thiếu niên, tính tình Beverley trở nên hung hăng. Không chỉ vậy, cô ta hay than thở mình mắc nhiều bệnh rất nặng và thường xuyên đến bệnh viện để khám bệnh.
Thế nhưng tất cả những căn bệnh đó đều là sản phẩm trong trí tưởng tượng của Beverley.
Có lúc Beverley than đau bụng và thuyết phục các bác sĩ phải phẫu thuật ruột thừa cho mình, dù bộ phận này của Beverley khi đó vẫn rất khỏe mạnh.
Beverley tự làm mình bị thương bằng búa, thủy tinh và tiêm vào ngực mình một loại chất lỏng. Có lúc Beverley bị bí tiểu và phải sử dụng ống thông nhưng chiếc ống này đã bị cô ta cố ý phá hỏng, phải gỡ ra.
Beverley Allitt (Ảnh: Internet)
Ở tuổi 16, Beverley bỏ học trung học và quyết định tham gia khóa học đào tạo tiền y tá ở trường Cao đẳng Grantham.
Cách Beverley tham gia khóa học cũng chẳng hề bình thường. Cô ta thường xuyên nghỉ học, có lúc còn đốt cháy rèm phòng tắm hay bôi đầy phân người trong tủ lạnh.
2 tháng kinh hoàng: 13 vụ tấn công khiến 4 đứa trẻ vô tội chết trong đau đớn
Năm 1990, Beverley có buổi phỏng vấn xin việc lần đầu tiên nhưng thất bại. Bệnh viện Boston khi đó đã đánh giá cô ta là "không đủ kinh nghiệm".
Tuy nhiên, năm 1991, khi Beverley quay lại bệnh viện Grantham, do ở đây thiếu hụt nhân viên ở khoa nhi, Beverley đã được ký hợp đồng 6 tháng.
Thời điểm đó, khu 4 khoa nhi nơi Beverley làm việc chỉ có 2 y tá đang được đào tạo, 1 người làm ca đêm, người còn lại làm ban ngày. Và chỉ một tuần sau khi Beverley vào làm, ác mộng đã xảy ra tại bệnh viện này.
Ngày 21/2/1991, Liam Taylor (7 tháng tuổi) nhập viện vì nhiễm trùng ngực. Thế nhưng ngày hôm sau, khi đang được Beverly trông nom, Liam trở nên nhợt nhạt, trên mặt xuất hiện những vệt đỏ.
Các bác sĩ được gọi đến, họ không hiểu vì sao hệ thống báo động lại không reo lên khi Liam ngừng thở.
Cậu bé đã bị ngừng tim và mặc cho những nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ, não của Liam đã bị tổn thương nghiêm trọng, phải nhờ máy móc hỗ trợ.
Cuối cùng, bố mẹ của Liam dù rất đau lòng vẫn quyết định sẽ ngừng máy hỗ trợ sự sống, để con ra đi. Cậu bé qua đời vào ngày 23/2/1991.
Michael Davidson - một nạn nhân của Beverley may mắn sống sót. (Ảnh: Internet)
2 tuần sau khi Liam qua đời, nạn nhân tiếp theo là Timothy Hardwick - một cậu bé 11 tuổi bị bại não, nhập viện vào ngày 5/3/1991. Beverley nhận nhiệm vụ chăm sóc Timothy và khi Beverley một mình với Timothy, cậu bé gặp nguy kịch.
Khi các bác sĩ có mặt, họ đã phát hiện cả người Timothy đã tím tái và không có mạch đập. Dù rất cố gắng, bác sĩ vẫn không thể nào cứu được Timothy.
Một cuộc khám nghiệm tử thi sau đó đã được tiến hành nhưng không thể đưa ra được nguyên nhân rõ ràng về cái chết của cậu bé.
Trước ngày Timothy qua đời, vào ngày 3/3/1991, Kayley Desmond (1 tuổi) nhập viện vì nhiễm trùng ngực và sau đó, bé đã hồi phục tốt. Thế nhưng 5 ngày sau, khi Beverley bắt đầu chăm sóc Kayley, bé đã bị ngừng tim.
Các bác sĩ lập tức có mặt và xử lý kịp thời, chuyển Kayley đến một bệnh viện khác ở Nottingham.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện một lỗ châm ở dưới cánh tay của Kayley và họ không thể giải thích được đó là gì. Kayley may mắn được cứu sống.
Tiếp theo đó, ngày 20/3/1991, bé Paul Crampton 5 tháng tuổi nhập viện vì nhiễm trùng phế quản nhưng không nghiêm trọng.
Ngay trước khi Paul được xuất viện, Beverley đã chăm sóc cho Paul và sau đó cậu bé bị sốc insulin, 3 lần rơi vào tình trạng hôn mê.
Các bác sĩ cứu sống được Paul nhưng không giải thích được sự biến động insulin trong máu của Paul. Paul cũng được chuyển đến bệnh viện Nottingham, Beverley cũng đi cùng và trong chuyến xe đó Paul lại bị sốc insulin nhưng may mắn sống sót.
Ngày hôm sau, trong ca trực của Beverley, bé trai 5 tuổi Bradley Gibson nhập viện vì bị viêm phổi nhưng lại đột ngột ngừng tim.
Các xét nghiệm máu sau đó cho thấy nồng độ insulin trong máu Bradley rất cao và cậu bé được cứu sống kịp thời. Đêm hôm đó, khi Beverley trông nom Bradley, cậu bé đã bị lên cơn đau tim, phải chuyển đến bệnh viện Nottingham và được cứu sống.
Đến ngày 22/3/1991, bệnh nhi Yik Hung Chan 2 tuổi bỗng dưng bị tím tái cả người và rơi vào nguy kịch khi đang được Beverley chăm sóc.
Cậu bé được bác sĩ cứu chữa kịp thời, chuyển đến bệnh viện Nottingham và phục hồi tốt. Những triệu chứng của Yik sau đó được kết luận là do hộp sọ bị vỡ, kết quả do bị ngã.
Kayley Desmond vượt qua được lưỡi hái tử thần. (Ảnh: Internet)
Một nạn nhân khác là Patrick Elstone cũng may mắn được cứu chữa. (Ảnh: Internet)
Sau đó, cặp song sinh Katie và Becky Phillips 2 tháng tuổi ở lại bệnh viện theo dõi do sinh non. Cả hai bị cúm dạ dày và Beverley nhận nhiệm vụ chăm sóc.
Hai ngày sau đó, khi Beverley một mình với 2 đứa trẻ, Becky đã bị hạ đường huyết và cơ thể rất lạnh. Các bác sĩ kịp thời cứu chữa và cho cả hai xuất viện.
Tuy nhiên, cô bé Becky đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà sau khi bị một cơn động kinh. Katie phải nhập viện để đề phòng và một lần nữa, cô bé lại do Beverley chăm sóc.
Trong 2 ngày, cô bé ngừng thở 2 lần, suy phổi. Khi được chuyển đến bệnh viện khác, các bác sĩ phát hiện Katie bị gãy 5 xương sườn, não bị tổn thương nghiêm trọng.
Chấn thương đã khiến Katie bị liệt một phần cơ thể, bại não, thị giác và thính giác bị tổn thương.
4 bệnh nhi nữa cũng trải qua những tình trạng tương tự các bệnh nhi trước nhưng may mắn đều vượt qua cho đến ngày 22/4/1991, nạn nhân thứ 13 là bệnh nhi Claire Peck (15 tháng tuổi). Claire nhập viện vì hen, phải thở qua ống.
Khi Beverley chăm sóc cho Claire, chỉ trong vòng vài phút, cô bé đã bị đau tim. Các bác sĩ đã cứu Claire thành công nhưng khi Claire lại một mình ở bên Beverley, cô bé rơi vào nguy kịch và không thể qua khỏi.
Bác sĩ Nelson Porter của bệnh viện lúc này đây đã thấy mọi chuyện không bình thường khi chỉ trong 2 tháng, quá nhiều bệnh nhi bị ngừng tim. Vì vậy, ông đã yêu cầu một cuộc điều tra.
Lật mặt "y tá tử thần" và cái kết thích đáng
Bệnh viện cho kiểm tra xem có virus trong không khí hay không nhưng không phát hiện được điều gì.
Xét nghiệm máu của Claire cho thấy nồng độ kali trong máu khá cao. Đến 18 ngày sau đó, sau khi bệnh viện nhận thấy đây là một sự việc bất thường, họ đã gọi cảnh sát đến để điều tra.
Không chỉ vậy, trong cơ thể Claire còn có chất Lignocaine - một loại thuốc được sử dụng khi bị ngưng tim nhưng không được phép dùng cho trẻ em.
Cảnh sát Stuart Clifton - người đứng đầu cuộc điều tra - đã kiểm tra lại những trường hợp đáng ngờ khác xảy ra trong 2 tháng trước và phát hiện ra lượng insulin cao bất thường trong cơ thể các nạn nhân.
Một bằng chứng đáng ngờ khác nữa đó là Beverley đã từng thông báo về việc mất chìa khóa tủ chứa insulin.
Beverley khi bị bắt giữ. (Ảnh: Internet)
Tất cả các hồ sơ đã được xem lại, camera an ninh được kiểm tra, phỏng vấn bố mẹ của nạn nhân.
Khi kiểm tra nhật ký chăm sóc bệnh nhi, người ta phát hiện vài trang đã bị mất và đó là những trang tương ứng với khoảng thời gian Paul Crampton nhập viện.
Nhân viên điều tra tiếp tục xem xét 25 trang trong quyển sổ ghi lại nhật ký chăm sóc 13 bệnh nhi gặp vấn đề bất thường thì phát hiện ra, Beverley là người duy nhất có mặt trong việc chăm sóc 13 em.
Ngày 26/7/1991, cảnh sát thấy đã có đủ bằng chứng để buộc tội Beverley với tội danh giết người nhưng phải đến tháng 11/1991, cô ta mới chính thức bị buộc tội.
Trong quá trình bị điều tra, Beverley luôn tỏ ra rất bình tĩnh, không chịu thừa nhận hành vi phạm tội.
Khi lục soát nhà của cô ta, cảnh sát phát hiện những trang bị xé trong quyển sổ theo dõi và điều tra kỹ hơn, cảnh sát phát hiện Beverley có những triệu chứng của hội chứng Munchausen và hội chứng Munchausen ủy nhiệm. Hội chứng này được xác định vào năm 1951 bởi Tiến sĩ Richard Asher.
Với hội chứng Munchausen, các triệu chứng ở thể chất hay tâm lý là tự gây ra tổn thương cho chính mình để gây sự chú ý, còn hội chứng Munchausen ủy nhiệm liên quan đến gây thương tích cho người khác để nhận được sự chú ý về mình.
Beverley bị cáo buộc giết 4 người cùng 22 tội danh cố ý giết người gây tổn thương cơ thể. Sau nhiều ngày trì hoãn vì lý do bệnh tật, cuối cùng Beverley cũng bị đưa ra tòa án Nottingham Crown để xét xử.
Những bằng chứng về chỉ số insulin, kali cao trong cơ thể mỗi nạn nhân, bằng chứng cô ta tiêm thuốc vào nạn nhân, những lỗ nhỏ kì lạ trên cơ thể nạn nhân đều có liên quan đến Beverley.
Cô ta còn bị cáo buộc làm nạn nhân ngạt thở bằng cách trùm khăn lên mặt hay phá máy móc.
Kayley Asher - 1 trong 13 nạn nhân - chụp ảnh vào năm 2016. (Ảnh: thesun)
Những hành vi bất thường của Beverley trong quá khứ đã được nêu lên và Chuyên gia nhi khoa, Giáo sư Roy Meadow đã giải thích 2 hội chứng Munchausen với tòa án, chỉ ra Beverley đã mắc cả hai hội chứng này.
Giáo sư Roy nêu rõ rằng Beverley chưa bao giờ được chữa bệnh, khiến cô ta trở thành mối nguy hiểm với bất kì ai mà cô ta tiếp xúc.
Sau gần 2 tháng xét xử, Beverley đã bị kết án vào ngày 23/5/1993, phải chịu 13 án tù chung thân cho tội danh giết người và cố ý giết người.
Đây là bản án nặng nhất từng được áp dụng cho phụ nữ nhưng theo thẩm phán, nó tương xứng với nỗi đau kinh khủng mà những nạn nhân, gia đình nạn nhân đã phải chịu.
Thay vì đi tù, Beverley bị giam giữ tại bệnh viện Rampton Secure ở Nottingham, nơi chủ yếu giam giữ những người phạm tội theo quy định của Đạo luật Sức khỏe Tinh thần.
Ở đây, Beverley một lần nữa lại có những hành vi làm hại bản thân nuốt một ly đầy đất, đổ nước sôi lên tay.
Sau đó, cô ta thừa nhận 3 tội danh giết người đã bị buộc tội trước đó cũng như 6 tội danh tấn công.
Vì mức độ kinh khủng của những tội ác do Beverley gây ra, cảnh sát đã xếp cô ta vào danh sách những tội phạm không bao giờ được ân xá.
Tội ác của Beverley đã được đề cập đến trong khá nhiều bộ phim, phim tài liệu như Angel of Death, Crimes That Shook Great Britain, Evil Up Close "The Ward Assassin", Nurses Who Kill.
(Nguồn: independent, mamamia, biography)