Nữ y tá - kẻ đầu độc hàng loạt người và mong muốn phá "kỷ lục" của các sát nhân

Trang Vũ |

Với khuôn mặt phúc hậu, nữ y tá sát nhân dễ dàng chiếm được cảm tình của bệnh nhân rồi biến họ thành vật thử nghiệm tác động của morphine và atropine lên hệ thần kinh con người.

Jane Toppan (1857 – 1938), tên còn gọi là Honora Kelley được biết đến như một trong những kẻ giết người hàng loạt điên khùng nhất lịch sử tội phạm nước Mỹ với biệt danh "Jolly Jane".

Sau khi bị bắt giữ năm 1901, nữ y tá sát nhân đã thú nhận sát hại 33 người nhưng người ta tin rằng số nạn nhân chết dưới tay bà ta trong suốt 20 năm làm việc tại bệnh viện ở Boston có thể lên tới 70 người.

Đứng trước tòa, người đàn bà tàn bạo này khiến ai nấy đều phẫn nộ khi tuyên bố muốn phá "kỷ lục" của các sát nhân trước đó.

Đầu độc 70 người, nữ y tá - kẻ sát nhân tàn độc vẫn được xử vô tội - Ảnh 1.

Chân dung kẻ sát nhân đội lốt nữ y tá tận tụy.

Những ký ức kinh hoàng bên người cha nghiện rượu, tâm thần

Tuổi thơ của Toppan trôi qua không hề bình yên như những đứa trẻ cùng trang lứa. Bố mẹ Toppan đều là người Ai-len nhập cư nên kinh tế cũng không mấy dư dả.

Mẹ Toppan, bà Bridget Kelley, sớm qua đời vì bệnh lao khi các con còn quá nhỏ. Ông bố Peter Kelley thì hàng xóm ai cũng biết vì thường xuyên say xỉn, luôn miệng chửi rủa người khác và có những hành vi lập dị.

Những năm cuối đời, ông Kelley bị đồn mắc chứng tâm thần khi tự mình khâu tịt mí mắt lại trong khi kiếm ăn chính bằng nghề may vá.

Năm 1863, vài năm sau khi vợ mất, ông Kelley mang 2 đứa con nhỏ nhất là Delia Josephine, 8 tuổi, và Honora, lúc đó mới 6 tuổi, tới Trại trẻ mồ côi dành cho các bé gái ở Boston, nơi cưu mang những đứa trẻ bần hàn do bà Hannah Stillman sáng lập năm 1799.

Ông Kelley hoàn toàn từ bỏ quyền nuôi con và từ đó không hề gặp lại chúng lần nào nữa. Theo những tài liệu còn được lưu trữ tại trẻ trẻ mồ côi Boston, chưa đầy 2 năm sau đó, Honora Kelley đã bị đưa tới nhà bà Ann C. Toppan ở Lowell, Massachusetts làm kẻ hầu người hạ.

Mặc dù chưa bao giờ được gia đình này chính thức nhận nuôi nhưng Honora vẫn lấy họ của ân nhân và sau này được mọi người biết đến với cái tên Jane Toppan. Gia đình Toppan có một người con gái tên Elizabeth nhưng cô ta và Jane không hề hòa hợp. Đây có lẽ chính là nguyên nhân khiến Elizabeth bị Jane hãm hại sau này.

"Sứ giả của Tử thần" trong cái lốt y tá

Năm 1885, Toppan bắt đầu tham gia khóa đào tạo y tá tại Bệnh viện Cambridge. Tại đây, Toppan có rất nhiều bạn bè và được mọi người yêu mến vì tính cách vui vẻ, hòa đồng.

Thế nhưng, ít ai ngờ được đó chỉ là vỏ bọc của một con quỷ đột lốt người. Dưới cái lốt y tá chăm chỉ, nhiệt tình, Jane dễ dàng chiếm được lòng tin của bệnh nhân. Khi đã trở nên thân thiết, bà ta sẽ chọn ra những mục tiêu "yêu thích" để biến họ thành vật hi sinh cho những thử nghiệm điên rồ của mình.

Thời điểm này, Jane bắt đầu thử nghiệm morphine và atropine trên bệnh nhân và tò mò quan sát tác động của 2 loại hóa chất này lên hệ thần kinh của họ. Nạn nhân thường là những người già bệnh nặng và Jane tin rằng bà ta đang giúp họ thoát khỏi sự dằn vặt của bệnh tật bởi dù sao họ cũng chẳng còn mấy thời gian để sống nữa.

Đầu độc 70 người, nữ y tá - kẻ sát nhân tàn độc vẫn được xử vô tội - Ảnh 2.

Jane đã tiêm hợp chất morphine và atropine lên bệnh nhân để thử tác động của chúng lên hệ thần kinh con người. (Ảnh minh họa)

Sau khi đưa độc chất vào cơ thể bệnh nhân, nữ y tá "tận tụy" còn dành thời gian ở bên cạnh để quan sát xem họ nửa tỉnh nửa mê như thế nào, làm bảng theo dõi giả và thậm chí còn lợi dụng ôm ấp người bệnh trên giường lúc họ đã hoàn toàn mất đi ý thức.

Không rõ nữ y tá sát nhân có lạm dụng tình dục họ không nhưng khi bị bắt, bà ta khai có nảy sinh cảm giác hưng phấn tình dục khi nằm cạnh những bệnh nhân đang hấp hối.

Năm 1889, Jane Toppa được giới thiệu tới làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts danh giá. Tại đây, "sứ giả của tử thần" đã kịp cướp đi sinh mạng của vài bệnh nhân nữa trước khi bị sa thải ngay sau đó 1 năm.

Rời Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, bà ta quay trở lại tiệp tục nghiệp y tá ở Bệnh viện Cambridge nhưng cũng bị đuổi việc sau đó không lâu vì kê thuốc giảm đau chứa thuộc phiện một cách vô tội vạ.

Từ đây, Jane bắt đầu nhận làm y tá riêng và kiếm bộn từ nghề này mặc dù nhiều người phàn nàn bà ta có tính ăn cắp vặt.

Năm 1895, nữ y tá sát thủ trở lại với "thú vui" đầu độc của mình khi ra tay với chính gia đình ân nhân đã nhận nuôi mình lúc nhỏ. Năm 1899, Jane tiếp tục sát hại cô con gái Elizabeth của chủ nhà với một liều strychnine.

Đầu độc 70 người, nữ y tá - kẻ sát nhân tàn độc vẫn được xử vô tội - Ảnh 3.

Nhân danh y tá, mụ đàn bà độc ác đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người.

Năm 1901, Jane Toppan chuyển tới sống cùng gia đình ông cụ Alden Davis ở Cataumet để tiện chăm sóc cụ sau khi bà chủ nhà qua đời. Sau này, khi đứng trước tòa, Toppan mới thú nhận bà chủ nhà này cũng do một tay mụ ta hạ độc.

Chỉ trong vài tuần, con quỷ đội lốt người đã ngang nhiên cướp đi mạng sống của cụ Davis cùng 2 cô con gái mà vẫn ung dung sống không mảy may lo nghĩ dưới cái mác y tá riêng.

Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó thoát, tội ác của Jane Toppa nhanh chóng bị phanh phui khi những thành viên còn sống sót trong gia đình Davis đã yêu cầu xét nghiệm pháp y vì nghi ngờ cô con gái út bị hạ độc.

Kết quả cho thấy cô rõ ràng đã bị đầu độc và người bị tình nghi nhất chính là Toppan. Ngày 29/10/1901, nữ sát nhân hàng loạt bị bắt với cáo buộc giết người. Năm 1902, mụ ta khai nhận sát hại 33 người nhưng không bị khép tội sát nhân vì lý do mắc bệnh tâm thần.

Kẻ sát nhân điên loạn sau đó được chuyển tới nhà thương điên Taunton và chết già tại đó. Trả lời phỏng vấn của báo chí trong quá trình sống tại đây, Jane Toppa cho hay giá kể mụ ta kết hôn và có một gia đình hạnh phúc thì đã không sa ngã vào con đường tội lỗi này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại