Thời gian gần đây có nhiều nữ giới thuộc đủ ngành nghề, thành phần gia nhập đối tác của Grab để mưu sinh. Họ có thể là nhân viên văn phòng, giáo viên dạy môn phụ, sinh viên…
Phụ nữ tham gia làm tài xế Grab chạy xe ôm (Grabbike) ở Hà Nội đa số đến từ nhiều vùng quê khác nhau, chủ yếu là dân tỉnh lẻ. Chỉ cần một xe máy đầy đủ giấy tờ, một chiếc điện thoại thông minh và có bằng lái, trải qua một lớp "sát hạch" sơ đẳng là một số nội quy được phía Grab đưa ra, họ sẽ thành đối tác của "Công ty Grab".
Sáng đi dạy, chiều chạy Grab
Vừa hoàn thành tiết dạy, chị Nguyễn Thị Hoa (32 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) vội vã trở về nhà. Thay bộ đồ khi đứng lớp, ăn vội bát cơm nguội, khoác chiếc áo xanh rộng thùng thình, bật ứng dụng Grab Driver (ứng dụng dành cho tài xế Grab), chị Hoa lái chiếc "Wave chiến" lên đầu ngã tư phố Linh Đường (Phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) chờ đón khách.
Đã từ lâu, hình ảnh người phụ nữ chiều nào cũng ngồi đón khách ở phía trước tòa nhà HH Linh Đàm đã trở nên quen thuộc. "Tôi may mắn có người anh trai chạy Grab nhiều năm dẫn dắt vào nghề nên không có nhiều bỡ ngỡ. Vốn là là dân thể thao, tốt nghiệp ĐH Thể dục thể thao nên tính cách tôi mạnh mẽ. Việc chạy xe chẳng có gì đáng ngại. Thời sinh viên tôi vẫn thường xuyên đi xe máy từ Hà Nội về quê Nghệ An", chị Hoa nói.
Theo lời chị Hoa, những ngày mới vào nghề cũng có chút tự ti vì vẫn mang mặc cảm của dân chạy xe ôm. "Giờ thì ngược lại, hôm nào bận không đi làm được tiếc lắm. Chạy GrabBike vừa kiếm được tiền vừa thỏa chí rong ruổi phố phường sau một buổi phải gò mình ở trường", chị Hoa tâm sự.
Chị Hoa hiện đang là giáo viên dạy môn thể dục tại một ngôi trường ở Hà Nội. Chỉ phải dạy một buổi nên buổi còn lại chị Hoa khá rảnh rỗi. Đã từng tìm nhiều việc làm làm bán thời gian nhưng không có công việc nào phù hợp, chị Hoa đành bỏ giữa chừng. Thấy vậy, anh trai chị Hoa gợi ý: "Em mạnh mẽ, chạy xe giỏi, thời gian chủ động, nếu làm tài xế Grab thu nhập cũng khá dù vất vả". Thật bất ngờ, khi chị Hoa trao đổi với chồng, anh hoàn toàn ủng hộ. Rất nhanh chóng, nữ giáo viên đã gia nhập đội quân GrabBike.
Chị Hoa nói rằng: "Chạy Grab rất cực nhọc, lúc nào cũng phải phơi mặt trên đường nên dù có bảo hộ kín mít, da dẻ cũng trở nên đen xạm. Tôi thường chạy từ 13h đến 17h, bình quân mỗi buổi cũng kiếm được từ 200.000-300.000 đồng, tương đương quãng đường khoảng 100km di chuyển. Vất vả lắm nhưng thật khó kiếm được việc gì làm thêm có thu nhập tốt như vậy nên phải cố gắng".
Làm tài xế Grab xe máy rất vất vả nhưng chị Hoa lựa chọn vì tự do về thời gian và quan trọng là thu nhập khá.
Chồng cũng "theo chân" vợ làm tài xế Grab
Nữ giáo viên tâm sự: Hai vợ chồng chị đếu xuất thân từ vùng quê nghèo lên Hà Nội học đại học. Sau khi tốt nghiệp, chị Hoa đi dạy còn anh Nguyễn Văn Hòa – chồng chị Hoa vào làm bếp trưởng cho một nhà hàng có tiếng ở Thủ đô. Chi tiêu tằn tiện, số tiền tích lũy được sau nhiều năm đi làm và vay thêm ngân hàng, vợ chồng chị cũng mua được căn hộ trả góp.
Tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng từ 20 triệu đồng/tháng nhưng sau dịch Covid-19, thu nhập của anh Hòa giảm một nửa. Tiền trả lãi ngân hàng, tiền học cho con buộc vợ chồng chị Hoa phải làm thêm mới trang trải đủ.
Sau khi chị Hoa chạy Grab thấy cũng "kiếm" được, anh Hòa cũng theo chân vợ. Anh đi làm ở nhà hàng từ 9h sáng đến 21h. Ngày nào anh Hòa cũng bỏ bộ quần áo trong cốp xe. Hết giờ làm lại khoác áo xanh Grab đi chở khách, chạy bằng được năm bảy cuốc xong mới về nhà. "Một ngày làm việc của tôi thường kết thúc vào lúc 2h sáng. Những ngày đầu mệt bã người nhưng giờ quen rồi. Phải làm như thế mới đủ sống", anh Hòa tâm sự.
Nhọc nhằn sau những vòng xe
Để hiểu rõ hơn về công việc của những người phụ nữ làm nghề chạy Grabbike, tôi đã chọn đặt chuyến xe mà "bác tài" là nữ. Tài xế chở tôi là cô gái trẻ Phạm Hồng Ngọc (23 tuổi, quê ở Hà Nam).
Ngọc đang là sinh viên trường Đại học Nội vụ nhưng bây giờ đã là tài xế GrabBike có thâm niên ở khu vực chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội). Ngày ngày đón trả khách đến nỗi mọi ngóc ngách Hà Nội gần như Hồng Ngọc thuộc làu. Ngọc kể rằng, số lượng phụ nữ làm nghề chạy xe ôm GrabBike ở Hà Nội ngày một đông lên.
Ngày càng nhiều phụ nữ chọn nghề chạy xe công nghệ để mưu sinh. Ảnh Hoàng Anh
"Hai ba năm trước, khi bọn em mới đi làm còn ít, chỉ dăm bảy chục người. Một năm trở lại nay, những buổi offline, những buổi họp của công ty, số phụ nữ tăng lên nhiều lắm. Đặc biệt là sinh viên, đang học, ra trường chưa xin được việc làm đều rủ nhau chạy GrabBike. Rồi cả các cô, các chị dân lao động, thậm chí nhiều chị làm văn phòng hẳn hỏi vẫn đăng ký làm tài xế Grab kiếm thêm thu nhập".
Ngọc cũng nói rằng, cánh đàn bà con gái chạy GrabBike có đủ thành phần nhưng chủ yếu tập trung vào 3 nhóm: Nhóm phụ nữ làm những công việc lao động chân tay chuyển sang chạy xe ôm chuyên nghiệp, nhóm người có công việc tương đối ổn định làm thêm để tăng thu nhập và nhóm sinh viên. Bình quân mỗi ngày cô gái này chạy khoảng 30 cuốc (chuyến - ngôn ngữ giới tài xế chạy xe thường dùng). Cuốc dài bù cuốc ngắn, thu nhập tầm 400 - 500 nghìn đồng mỗi ngày, nếu làm một buổi, Ngọc cũng có khoản thu từ 200-300 nghìn đồng.
"Nói chung là tính tổng thu nhập cũng ổn, nhưng chi phí xăng xe cũng tốn nhiều. Đàn ông còn vất vả huống chi là mình. Trước mắt chưa tìm được công việc thì cứ làm để đỡ đần giúp bố mẹ ở quê anh ạ. Hồi mới đi làm, khách hàng nào cũng ngạc nhiên. Bố mẹ biết em đi làm nghề này, đều ngăn cản nhưng giờ thì mọi chuyện đều khá ổn. Tất nhiên là em chạy Grab tạm thời vì chưa tìm được công việc phù hợp thôi anh ạ".
Một tài xế xe ôm công nghệ khoe thu nhập sau một tuần
Lướt một vòng trên mạng xã hội Facebook, gõ phần tìm kiếm cụm từ "Hội GrabBike" ra rất nhiều kết quả các nhóm, trong đó có những hội có rất đông phụ nữ làm nghề chạy xe ôm công nghệ là thành viên.
Theo chị Hoa, rất khó thống kê nhưng số lượng nữ giới làm tài xế xe ôm công nghệ ở Thủ đô nhưng qua các hội nhóm, các buổi gặp gỡ trực tiếp mà công ty tổ chức thì cũng hàng trăm người. Họ xuất thân từ đủ thành phần. Có người là xe ôm chuyên nghiệp, có người là dân lao động làm thêm, có người là công nhân, sinh viên, lại có cả dân văn phòng, công chức tranh thủ lúc hết giờ nơi công sở…
Thế nhưng đằng sau sự đơn giản, đằng sau mức thu nhập được quảng cáo là hấp dẫn là những nhọc nhằn, những góc khuất mà chỉ người trong nghề mới thấm. Với nữ giới, có những điều chỉ khi vào nghề, đi trên những cung đường mới hiểu và có cả những điều không thể nói ra…
(Còn nữa)