Mỗi địa phương đều có những món ăn đặc trưng, mang hơi thở cuộc sống và là niềm tự hào của người dân. Nhiều khi, nó còn có sức ảnh hưởng đến ước mơ và các quyết định của những ai "trót yêu" hương vị ấy.
Món bánh mì khiến Bích Phương ước mơ thành công nhân mỏ than
Bích Phương từng muốn làm công nhân để ăn bánh mì mỏ.
Góp mặt trong một chương trình cách đây không lâu, Bích Phương đã chia sẻ ngay trên sóng truyền hình rằng, cô từng có ước mơ lớn lên sẽ đi làm công nhân mỏ than. Ca sĩ gốc Quảng Ninh lý giải: "Quê em có rất nhiều mỏ than, thường thì các bạn sẽ ước mơ làm cô giáo, bác sĩ nhưng nhà em có chú làm trong mỏ, bánh mì của công nhân mỏ rất ngon. Lúc đó bánh mì ở trong xưởng đã trị giá 3.000đ/ổ, trong khi ở ngoài bánh mì thường chỉ 500đ/ổ. Cái bánh mì mỏ ngon đến nỗi em ước mơ được làm công nhân mỏ để được ăn bánh mì mỏ miễn phí.
Và giữa các mỏ than thường hay có cuộc thi văn nghệ, hồi bé em đã thích hát và thường được cầm mic đứng giữa tốp ca. Vì thế em nghĩ sẽ làm công nhân mỏ để được ăn bánh mì mỏ, khi thi văn nghệ thì được đứng giữa cầm mic hát".
Những miêu tả của Bích Phương không khỏi khiến khán giả tò mò về chiếc bánh mì mỏ ấy. Liệu nó có thực sự ngon như cô nàng ca ngợi hay không? Và có phải người dân Quảng Ninh nào cũng mê loại bánh mì này?
Từng là bánh mì "phiên bản giới hạn", ngày nay cũng chỉ có ở Quảng Ninh
Theo như tìm hiểu, sở dĩ có tên gọi bánh mì mỏ là bởi nơi đầu tiên sản xuất những chiếc bánh mì này là trong các phân xưởng mỏ than, do chính những công nhân phục vụ làm ra. Đặc thù của ngành than, nhất là công nhân làm trong hầm mỏ rất nặng nhọc, tốn sức. Hơn nữa, để ăn cơm hay các thực phẩm khác vào giờ nghỉ giải lao thì rất bất tiện. Vì vậy, để có thêm năng lượng làm việc và no lâu thì giữa ca, người thợ mỏ sẽ được phát bánh mì như bữa ăn phụ.
Ảnh: Báo Quảng Ninh, Than Thống Nhất, fanpage Người Quảng Ninh.
Không giống như những loại bánh mì được bán bên ngoài, bánh mì mỏ có công thức và hương vị đặc trưng. Ngay về công đoạn sản xuất, nguyên liệu như bơ, sữa, trứng, đường và bột mì cũng phải chọn loại cao cấp nhất của một cơ sở nổi tiếng Quảng Ninh. Các khâu từ trộn bột, cán bột, ủ bột đến tạo hình và cho vào lò nướng... sẽ là sự kết hợp của máy móc và con người. Để làm sao khi cho ra thành phẩm là những chiếc bánh mì nặng tay, vừa có vỏ ngoài vàng, giòn rụm mà bên trong thì đặc ruột, mềm mịn.
Một chiếc bánh mì mỏ tuy không có thêm bất cứ topping nào nhưng vị thơm của bơ, trứng, sữa và đường hòa quyện vào nhau. Ăn khi còn nóng hổi, chỉ cần chấm thêm với sữa đặc là trọn vẹn hương vị. Điều đặc biệt nữa là những chiếc bánh mì này, dù có để nguội thì cũng không hề bị khô cứng hay bị mùi bột lên men át đi mùi thơm của bơ sữa.
Chưa hết, với những ai có người nhà làm trong mỏ than thì chiếc bánh mì mỏ còn là một bầu trời ký ức. Nhiều người chia sẻ rằng, tuổi thơ của họ mong ngóng bố, mẹ khi hết ca làm trở về nhà, sẽ mang theo chiếc bánh mì đã để dành về cho con cái. Nhiều nhà sẽ cho vào nồi cơm điện hấp lại cho nóng, có đứa trẻ còn khoét riêng phần ruột để ăn cùng thức ăn trong bữa cơm.
"Chiếc bánh mì với hương thơm mà mình đã quen từ bé tí, bố thường không ăn hết phần mà để dành đem về cho mình một cái. Khi về nhà bỏ vào nồi cơm hấp lên, thơm phức".
"Ngày trước mỗi lần bố mẹ với anh trai đi làm về là xin hộp sữa với bánh mì mỏ, phần ăn của lúc tăng ca nhưng mọi người để dành mang về cho một cái, ôi sao nó ngon lạ thường".
"So với ngày trước thì bánh mì mỏ mua ở ngoài không ngon bằng lúc đó, nhớ hồi bé bố mẹ còn mua lại của các cô chú công nhân cho ăn. Công thức thì vẫn vậy nhưng có lẽ do điều kiện sống không còn thèm thuồng như lúc nhỏ nữa".
Bánh mì mỏ là một đặc sản, biểu tượng cho tinh thần lao động của người dân đất mỏ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh.
Ngày nay, những chiếc bánh mì mỏ không còn giới hạn chỉ phục vụ riêng cho công nhân ngành than nữa mà tổ sản xuất ở một số công ty than cũng mở bán cho người ngoài. Thậm chí, còn được một số lò bánh ở ngoài làm và bán cho người dân. Muốn mua loại này, người địa phương thường tìm tới chợ Hạ Long hoặc lò bánh mì ở gần khu vực Cẩm Phả, Mạo Khê hay công ty than Hà Tu, Hà Lầm.