Kỳ thi Cao khảo của Trung Quốc là kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất thế giới. Song song với đó, đây cũng là cơ hội “đổi đời” của rất nhiều học sinh và gia đình ở đất nước tỷ dân. Nếu có thể thi đậu vào những trường đại học tốt, tương lai của các em học sinh chắc chắn sẽ vô cùng sáng lạn. Cũng vì vậy nên ông nội của nữ sinh tên Thẩm Quyên ở Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng rất mong cháu gái của mình đạt thành tích tốt trong kỳ thi này.
Thẩm Quyên sinh ra tại một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ cô phải đi làm thuê ở xa để kiếm tiền nuôi gia đình. Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, hai vợ chồng vài năm mới về thăm nhà một lần. Thiếu vắng tình thương từ cha mẹ, ông bà nội dần trở thành chỗ dựa tinh thần của Thẩm Quyên. Nhìn thấy ông bà ốm yếu nhưng vẫn phải làm việc vất vả để nuôi mình, cô bé hiểu chuyện chỉ có thể cố gắng học hành và phụ giúp công việc trong nhà.
Cuộc sống của Thẩm Quyên càng khó khăn hơn khi năm 2012, cha mẹ cô bị tai nạn và qua đời. Kể từ đó, ông nội của Thẩm Quyên trở thành trụ cột của gia đình. Nhìn thấy ông nội phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt để nuôi mình đến trường, Tiểu Quyên lúc đó mới 11 tuổi đã muốn nghỉ học để đi làm phụ giúp ông bà. Dẫu vậy, ý định này của Thẩm Quyên đã bị ông nội phản đối kịch liệt vì chỉ khi đỗ vào một trường đại học tốt, cô mới có thể đi ra khỏi vùng quê nghèo này và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không phụ sự kỳ vọng của ông nội, Thẩm Quyên học rất giỏi và được nhận vào một trường cấp 3 trọng điểm của quận với kết quả xuất sắc. Điều này khiến ông nội rất vui vì nếu duy trì thành tích học tập như vậy, khả năng đậu đại học của cô là rất cao. Dẫu vậy, Thẩm Quyên chỉ đạt 47/750 điểm trong kỳ thi cao khảo năm 2018, thấp hơn cả điểm của những học sinh có học lực trung bình khiến mọi người rất bất ngờ.
Cho rằng có sự nhầm lẫn trong khâu chấm thi, ông nội Thẩm Quyên đã đến trường để yêu cầu xem lại điểm số. Thầy hiệu trưởng cũng cho rằng kết quả thi của cô có vấn đề nên đã đích thân dẫn 2 ông cháu họ đến Phòng Giáo dục ở địa phương để làm đơn phúc khảo bài thi. Tuy nhiên, kết quả sau đó khiến ông nội Thẩm Quyên và nhiều người chứng kiến không khỏi bất ngờ.
Theo đó, sau khi kiểm tra, nhân viên của Phòng giáo dục đã xem xét điểm và cho biết không có sai sót nào xảy ra trong quá trình chấm điểm và cập nhật điểm lên hệ thống. Lúc này, Thẩm Quyên mới òa khóc và nói với ông nội rằng điểm thi của cô hoàn toàn chính xác. Cô đã cố tình không hoàn thành bài thi vì không muốn học đại học, không muốn ông nội phải vất vả vì học phí của mình.
Hóa ra, dù có thành tích học tập tốt song Thẩm Quyên vẫn luôn cảm thấy mình là gánh nặng kinh tế của ông bà nội. Khao khát được vào đại học của cô rất lớn nhưng mong muốn đi làm kiếm tiền và phụ giúp ông bà của cô càng lớn hơn. Bởi vậy nên lúc thi đại học, Thẩm Quyên không hoàn thành hết bài thi mà chỉ làm một vài bài cơ bản.
Chứng kiến cảnh này, tất cả những người có mặt đều cảm động rơi nước mắt. Ông nội của Thẩm Quyên mặc dù rất đau lòng nhưng cũng không trách cháu gái lấy nửa lời. Thương cho hoàn cảnh của học sinh, thầy hiệu trưởng đề nghị Thẩm Quyên nên quay lại trường học thêm một năm nữa và tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học vào năm sau. Thầy cho biết sẽ xin giảm hoặc miễn học phí cho cô, đồng thời khuyên cô không nên quá lo lắng về học phí bởi hiện nay có rất nhiều học bổng và khoản vay dành cho sinh viên đại học. Sau khi nghe những lời khuyên đó, Thẩm Quyên cũng suy nghĩ tích cực hơn và quyết tâm học tập để thi lại đại học.
Sau đó, khi câu chuyện của Thẩm Quyên được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều mạnh thường quân đã liên hệ trực tiếp với phòng giáo dục địa phương, bày tỏ muốn trợ cấp cho cô đi học lại và lo hết chi phí học đại học sau này.
Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người, tại kỳ thi cao khảo năm 2019, Thẩm Quyên đã hoàn thành bài thi thật tốt và trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Tứ Xuyên. Sau 4 năm đại học, Thẩm Quyên cuối cùng cũng đã hoàn thành ước nguyện của ông nội là rời khỏi vùng quê nghèo để đến với những chân trời mới tươi sáng hơn để lập nghiệp. Không những thế, câu chuyện về nữ sinh Thẩm Quyên đến nay vẫn thường được nhắc đi nhắc lại như một tấm gương về sự hiếu thảo, vượt khó học giỏi cho thế hệ trẻ ở đất nước tỷ dân.