Trong đoạn phim ngắn, cô gái có ngoại hình xinh xắn và giọng nói ngọt ngào tự giới thiệu bản thân thành thạo hội họa, thư pháp và có khả năng sáng tác âm nhạc. Theo thông tin của các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc, sự xuất hiện của Hoa Trí Băng đã gây ra tranh cãi sôi nổi trên mạng.
Theo Nhật báo Khoa học kỹ thuật, tờ báo chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, vào ngày 1/6, Phòng thí nghiệm Công trình Tri thức thuộc Khoa Máy tính, Đại học Thanh Hoa đã tuyển sinh viên ảo đầu tiên của Trung Quốc này. Hoa Trí Băng được ra mắt tại Hội nghị Trí Nguyên Bắc Kinh năm 2021 do Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Trí Nguyên Bắc Kinh tổ chức từ ngày 1 đến 3/6 tại Trung Quan Thôn.
Nữ sinh viên ảo Đại học Thanh Hoa Hoa Trí Băng
Với kiểu tóc đuôi ngựa và đeo ba lô đỏ, đi bộ trong khuôn viên trường Đại học Thanh Hoa... nhạc nền, bài thơ và hình ảnh khuôn mặt của nhân vật trong video đều được tạo ra bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Khi video được lan truyền trên mạng, nó lập tức thu hút sự chú ý.
Trong video, Hoa Trí Băng có hình ảnh thân thiện và ngôn ngữ tự nhiên. Cô nói mình chọn học tại Đại học Thanh Hoa vì cảm thấy còn thiếu kiến thức và tò mò về việc “bản thân được sinh ra như thế nào”, “tôi có thể hiểu được bản thân mình không” và các vấn đề khác liên quan đến thân thế của mình, vì vậy cô quyết định gia nhập phòng thí nghiệm của “thầy Đường”, cùng học tập. Cô còn nói đùa rằng: “Ban đầu thầy Đường cũng hơi do dự, vì đào tạo tôi quá đắt”.
Giáo sư Đại học Thanh Hoa Đường Kiệt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí Nguyên cho biết: “Sở dĩ Hoa Trí Băng thông minh lanh lợi, chủ yếu nhờ vào mô hình thông minh quy mô siêu lớn đầu tiên của Trung Quốc có tên 'Wudao 2.0' (Ngộ Đạo, Enlightenment hay Khai Sáng 2.0). Wudao 2.0 giúp cho người máy suy nghĩ như con người, hướng tới trí tuệ nhân tạo thông dụng, nhằm trao quyền cho các nhà phát triển và thúc đẩy sự hình thành của một hệ sinh thái ứng dụng thông minh, Hoa Trí Băng chính là thành quả của nỗ lực này.
Tuy nhiên, khác với thái độ trước đây của cư dân mạng thấy mỹ nữ là khen ngợi, sự xuất hiện của Hoa Trí Băng lại làm dấy lên những nghi vấn. Một số cư dân mạng chỉ trích các trường đại học hàng đầu không làm tốt công việc nghiên cứu mà chỉ thích khoe khoang, một số cư dân mạng bày tỏ họ sợ hãi robot xâm nhập vào cuộc sống của con người.
Ngoài ra, Hoa Trí Băng còn có khả năng suy luận và tương tác tình cảm nhất định. Liệu điều này có gây ra các vấn đề về đạo đức, chẳng hạn như liệu cô có gặp phải các vấn đề về tình cảm trong quá trình học tập hay không?
Về vấn đề này, Giáo sư Đường Kiệt giải thích: “Tương lai của trí tuệ nhân tạo là chủ quan và tự chủ, nhưng phải ít nhất 50 năm nữa, hiện tại thì không thể”. AI hiện tại chủ yếu là quá trình phát triển từ thuật toán thành chủ thể.
Ông giải thích thêm rằng so với người bình thường, Hoa Trí Băng có tốc độ học tập và trưởng thành nhanh hơn rất nhiều; ví dụ năm nay 6 tuổi thì năm sau có thể đạt đến trình độ nhận thức của trẻ 12 tuổi. “Đương nhiên, đó vẫn là một quá trình nhận thức rất khó khăn đối với cô ấy”.
Cư dân mạng không ủng hộ nhiều cho sự xuất hiện của Hoa Trí Băng, thậm chí không hiểu được ý nghĩa sự tồn tại của người máy. Tuy nhiên, cũng có cư dân mạng nhận xét rằng “đối với giới khoa học công nghệ, sự tồn tại của cô ấy là một cột mốc quan trọng”.
Trang The Paper lưu ý rằng tài khoản Weibo chính thức của nữ sinh Hoa Trí Băng mang tên “Hua Zhibing THU” đã hoạt động và Weibo của nó đã được chứng nhận thuộc “Beijing Zhipu Huazhang Technology Co., Ltd.”. Ngày 3 tháng 6, đoạn video của cô sinh viên AI tại Đại học Thanh Hoa này được tung ra đã lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người náo nức để lại lời nhắn “Mình muốn kết bạn với bạn”, “Chị Trí Băng, em sẽ là fan của chị bắt đầu từ hôm nay”, “Bạn có thích con người không?” "Nữ thần mới của tôi, bạn học Hoa Trí Băng”, “Bạn đỗ bao nhiêu điểm trong trong kỳ thi tuyển sinh đại học?”, “Khi nào thì bạn tốt nghiệp?”, “Luận văn của cô ấy có tỷ lệ trùng lặp cao không?”...
Là giáo viên của Hoa Trí Băng, Giáo sư Đường Kiệt cũng để lại lời nhắn trên Weibo: "Chào mừng bạn Hoa Trí Băng”. “Hiện tại, trí tuệ nhân tạo đang chuyển từ kỷ nguyên trí tuệ tri giác sang kỷ nguyên trí tuệ nhận thức”, ông nói, Hoa Trí Băng giống như một mô hình lớn, đó là trí tuệ nhân tạo được điều khiển bởi dữ liệu và kiến thức của nó. Khả năng học tập của cô chủ yếu là thu nhận kiến thức dựa trên dữ liệu, máy móc có thể xử lý dữ liệu để đạt được hiệu quả học tập bền vững. Hy vọng Hoa Trí Băng, một người kỹ thuật số, có thể phát triển đến mức độ nhận thức.
Ngoài việc làm thơ và vẽ tranh, cô ấy còn có khả năng khám phá. Trong tương lai, cô ấy cũng sẽ lập trình, chẳng hạn khi được giao một nhiệm vụ, Hoa Trí Băng có thể thiết kế trang, mã và có thể vận hành.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực, như an ninh, y tế và giáo dục cho dù việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư.