Nữ phóng viên CNN kể về trải nghiệm "chợ nô lệ" như phim kinh dị ở Libya

Việt Hương |

Libya hiện nay đang trở thành cửa ngõ của người di cư trên toàn cầu - những người ấp ủ hy vọng được nhập cảnh vào châu Âu, để thoát đói nghèo, khủng hoảng chính trị ở quốc gia họ.

Nima Elbagir đã từng nghe nhiều những câu chuyện kinh dị về mua bán nô lệ tại Libya từ những người nhập cư và lần đầu tiên cô được chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó.

Phóng viên CNN nói với người dẫn chương trình As it happends về câu chuyện từ một người di cư Ethiopia trong trung tâm tị nạn tại Sicily 3 năm trước.

Cô nói: “Những điều anh ta nói không thể tin được – họ bị nhốt trong những kho chứa hàng, rồi nhiều người xung quanh lựa chọn và định giá, bị đánh đập và bóc lột sức lao động. Lúc đó tôi đã nghĩ "Ôi! Chúa ơi chuyện đó giống như chế độ nô lệ thế kỷ 17 vậy!”.

Ba năm sau đó, Elbagir đã có cơ hội chứng kiến rõ ràng hơn khi một trong những nguồn tin của CNN tại Libya đã gửi cho hãng tin này một đoạn video có nội dung về đấu giá nô lệ.

Elbagir nói: “Với những người kiếm sống bằng viết lách như tôi, nó thật khó tin. Tôi thậm chí không thể mô tả được chính xác cảm giác của mình khi xem đoạn video, vì lý trí tôi luôn nghi ngờ như đây là một bộ phim vậy”.

Cô và các đồng nghiệp đã quyết định đến Libya để tìm hiểu sự thật.

Nữ phóng viên CNN kể về trải nghiệm chợ nô lệ như phim kinh dị ở Libya - Ảnh 1.

Một người di cư đợi để được đưa đến một trung tâm giam giữ, ở thành phố biển Sabratha, Libya. Nước này đã trở thành cửa ngõ cho người châu Phi mang hy vọng nhập cư vào châu Âu. Ảnh: Reuters

Thị trường nô lệ

Những gì mà nhóm phóng viên chứng kiến giống như nội dung trong bản báo cáo đầu năm nay của Tổ chức Di cư Quốc tế, hàng trăm người châu Phi bị những kẻ buôn người ép buộc trở thành nô lệ.

Những người di cư, chủ yếu từ các nước Nigeria, Senegal và Gambia, muốn thoát khỏi những cuộc xung đột và bất ổn kinh tế tại quê nhà, thực hiện cuộc hành trình đầy thử thách từ Libya, qua Địa Trung Hải để vào châu Âu.

Nhưng vì sự thắt chặt an ninh của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, nhiều người không thể vượt biên, bị kẹt lại trong các kho chứa hàng, mà bọn buôn người gọi là “hàng hóa dư thừa”.

Một số trong đó bị giữ làm con tim cho đến khi gia đình họ nộp tiền chuộc và một số khác bị rao bán trên thị trường lao động.

Elbagir nói: “Đó là một cách để những kẻ buôn người kiếm lời”.

Đấu giá nô lệ

Elbagir cho biết, những cuộc đấu giá nô lệ chỉ được biết qua truyền miệng bởi những đầu mối liên lạc đáng tin cây. Cô và đồng nghiệp đã tìm được cách để thâm nhập vào một buổi bán đấu giá nô lệ, đằng sau kho chứa hàng ngoài Tripoli, nơi cô đã ghi lại được cảnh 12 người đàn ông được đấu giá và bán cho người trả giá cao nhất.

Elbagir nói: "Điều làm tôi sốc đầu tiên chính là tốc độ mọi thứ diễn ra rất chóng vánh. Những người di cư được bán chỉ trong vài phút đồng hồ”.

Cô miêu tả một “khoảnh khắc như không có thực” khi “người bị bán quan tâm đến nơi mà anh ta được đưa đến và lo lắng khi không thể làm được công việc”: “Khi người đấu giá nói: “Tôi cần một lái xe, tôi cần một lái xe”, anh ta nhảy dựng lên và nói: “Không không, tôi không biết lái xe. Tôi là thợ đào đất, tôi có thể dùng máy đào”.

Rồi người đàn ông được bán, “cam chịu” với số mệnh của mình.

Cô nói: “Những người lao động tin rằng đây là một bước tiếp theo trên hành trình đến châu Âu của họ. Rõ ràng họ phải chịu nhiều đánh đập, tra tấn. Nhưng vào thời điểm đó, tôi nghĩ họ tin rằng nếu họ trả hết nợ cho những kẻ buôn người, họ sẽ được phép tiếp tục cuộc hành trình”.

"Chợ nô lệ" ở Libya

Tiếp tục bị rao bán

Elbagir đã nói chuyện với những người di cư tại một trung tâm ở Libya, những người đã được cứu thoát khỏi những kho chứa của những kẻ buôn người.

Nhiều người nói rằng họ đã bị rao bán trong một cuộc đấu giá và làm việc đủ để trả hết cái gọi là “nợ nần”, vẫn tiếp tục bị rao bán thêm nhiều lần nữa. Một số khác nói họ bị rao bán mặc dù gia đình đã nộp tiền chuộc.

Cô nói: "Những người di cư bằng cách nào đó vẫn luôn giữ niềm tin rằng một lúc nào đó khi kết thúc những chịu đựng kinh khủng này, họ sẽ được tiếp tục hành trình đến châu Âu".

Sau đó, phóng viên CNN tìm đến các cơ quan chính quyền Libya. Naser Hazam, thuộc Cơ quan Chống Di trú bất hợp pháp của Libya nói với CNN rằng, ông chưa tận mắt chứng kiến nạn buôn bán nô lệ, nhưng cũng biết tình trạng buôn người đang diễn ra tại nước nhà.

Nữ phóng viên CNN kể về trải nghiệm chợ nô lệ như phim kinh dị ở Libya - Ảnh 3.

Nữ phóng viên CNN Nima Elbagir

Elbagir cho rằng chúng ta khó có thể đổ lỗi cho Libya, đất nước đã trở thành cửa ngõ trong cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu.

Cô nói: "Libya vốn đã có những vấn đề riêng của mình và trách nhiệm cũng thuộc về châu Âu khi không chủ động giải quyết những bất cập này. Không có một tổ chức hay cơ quan nào khác ngoài Tổ chức Di cư Quốc tế hỗ trợ những trung tâm tị nạn của người di cư. Trách nhiệm không chỉ thuộc về riêng chính quyền Libya”.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Libya kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác, áp dụng các biện pháp ngăn chặn nạn buôn người với cũng như khẳng định, vụ việc những "chợ nô lệ" đang trong quá trình điều tra và kết quả sẽ được công bố công khai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại