Giáo sư TQ: Tứ giác Kim cương tồn tại biến số lớn, Ấn Độ-Thái Bình Dương quá mông lung

Thủy Thu |

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương là sự thay thế châu Á-Thái Bình Dương dưới thời TT Trump với phạm vi bao trùm cả đất liền lẫn đại dương, kéo dài từ Đông Bắc Á tới Đông Nam Á, Nam Á.

Mới đây, trả lời phỏng vấn tờ Guancha Syndicate (Thượng Hải, Trung Quốc) về chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim Xán Vinh, Chuyên gia về vấn đề nước Mỹ, Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, sáng kiến của Tổng thống Mỹ vẫn chưa chín muồi.

Học giả Trung Quốc nhận định, chính sách ở châu Á-Thái Bình Dương của ông Trump vẫn đang trong giai đoạn phát triển bởi Tổng thống Mỹ hiện vẫn đang tập trung cán cân quyền lực vào vấn đề đối nội như phát triển kinh tế, giảm thuế hay giải quyết vấn đề nhập cư.

Ông Kim Xán Vinh còn cho rằng, quan điểm ngoại giao của Tổng thống Mỹ đang đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn khi ông chủ Nhà Trắng luôn đề cao vấn đề "nước Mỹ trên hết" nhưng lại muốn các quốc gia khác công nhận Mỹ là quốc gia lãnh đạo.

"Nước Mỹ hiện có ba trọng điểm chiến lược ở các đại lục Á-Âu gồm châu Âu, Trung Đông và Đông Á, Tổng thống Trump hiện vẫn chưa rõ ràng thứ tự ưu tiên cho ba trọng điểm chiến lược này", Kim Xán Vinh nhấn mạnh.

Học giả Trung Quốc cho rằng, chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump rời rạc, thiếu nhất quán, khác xa với người tiền nhiệm Barack Obama bởi ông Obama luôn xếp châu Á-Thái Bình Dương ở vị trí đầu tiên, sau đó mới tới Trung Đông, châu Âu.

Về sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương, Kim Xán Vinh cho rằng sáng kiến này không có tiền đồ rõ ràng và khẳng định, một phần nguyên nhân xuất phát từ Ấn Độ - một trong Tứ giác Kim cương (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương".

"Biến số về Ấn Độ quá lớn, nếu nền kinh tế hoặc chính trị Ấn Độ phát sinh bất ổn, các quốc gia phương Tây có khả năng nhận thấy 'thẻ bài' Ấn Độ vô giá trị", ông Kim Xán Vinh nói.

Ngoài ra, ông này cũng nhấn mạnh, dù chính phủ Tổng thống Trump không chú trọng đa phương hóa nhưng cơ chế này có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại của Mỹ ở châu Á bởi "nếu cơ chế đa phương không tồn tại, Washington không thể phát huy vai trò lãnh đạo của mình".

Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ thương mại công bằng và khẳng định chính sách "Nước Mỹ trên hết" tại APEC CEO Summit

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại