Ba lần phủ quyết
Với hai lần liên tiếp sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ, Nga đã thể hiện rất rõ chủ ý không gia hạn thêm cho công việc điều tra về sử dụng vũ khí hoá học ở Syria trong khuôn khổ Cơ chế điều tra chung (Jim). Cơ chế này được LHQ lập ra để điều tra về vụ việc hơn 100 người bị thiệt mạng và ảnh hưởng bởi chất độc hoá học ở Syria hồi tháng 4 vừa qua.
Mỹ và đồng minh cho rằng quân đội chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trả đũa bằng tấn công tên lửa vào một sân bay quân sự của chính phủ Syria. Cáo buộc của Mỹ và đồng minh bị Nga và chính phủ Syria bác bỏ.
Nga không đồng ý với kết quả điều tra của Jim, cho rằng cơ chế này không khách quan nên đưa ra những kết luận sai, vì thế không muốn kéo dài thời hạn hoạt động của Jim mà chấm dứt nó hoặc thay thế nó bằng cơ chế khác. Phía Mỹ và đồng minh lại muốn kéo dài hoạt động của Jim như hiện tại.
Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo về gia hạn thời hạn hoạt động của Jim đã bị Nga bác bỏ. Nga đưa ra dự thảo nghị quyết khác và bị Mỹ bác bỏ. Sau đó, Nhật Bản đưa ra dự thảo nghị quyết mới với nội dung cho thêm thời gian để hai bên thoả hiệp với nhau nhưng cũng bị Nga phủ quyết.
Đại diện của Nga và Bolivia phủ quyết tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters
Trong thời gian không đầy 24 giờ mà đã có tới ba lần biểu quyết trong HĐBA LHQ và cả 3 dự thảo nghị quyết đều bị phủ quyết - đấy là chuyện chưa từng thấy bao giờ trong lịch sử 72 năm đến nay của LHQ. Từ khi bùng phát vấn đề Syria năm 2011 đến nay, Nga đã 11 lần sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ liên quan đến vấn đề này.
Chỉ riêng điều ấy thôi đã đủ để cho thấy đặc quyền đặc lợi của các thành viên thường trực HĐBA LHQ có thể đóng vai trò quyết định như thế nào trong việc giải quyết vấn đề Syria nói riêng và trong chuyện chiến tranh hay hoà bình trên thế giới nói chung.
Giải pháp chính trị bỏ ngỏ
Nga buộc phải phủ quyết như thế trong HĐBA LHQ vì Jim đã trở nên lợi bất cập hại đối với Nga. Sử dụng vũ khí hoá học, bất kể bởi bên nào, ở Syria sẽ làm thay đổi bản chất và cục diện tình hình.
Chính phủ Syria đã tuyên bố không còn sở hữu vũ khí hoá học, nên một khi Jim kết luận là quân đội chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hoá học thì sẽ vô cùng tai hại cho chính quyền này và cả những đồng minh hay đối tác ủng hộ chính phủ Syria như Nga hay Iran.
Nga đã can dự quân sự vào Syria từ mấy năm nay và trên thực tế đã trở thành sự đảm bảo an ninh cho chính thể hiện tại ở Syria về mọi phương diện. Vì thế, sẽ chẳng có ai trên thế giới tin là Nga không biết gì về việc quân đội chính phủ Syria còn sở hữu và đã sử dụng vũ khí hoá học.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh ngày càng bất lợi ở Syria cả về chính trị lẫn quân sự. Nga đã làm cho mục tiêu của họ về thay đổi chính thể ở Syria và lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phá sản.
Về cơ bản có thể nói khía cạnh quân sự của giải pháp cho vấn đề Syria đã có được hướng xử lý. Chỉ có khía cạnh chính trị của giải pháp là vẫn còn bỏ ngỏ. Cho nên Mỹ và đồng minh phải vớt vát với việc kéo dài thời gian hoạt động của Jim.
Sự phủ quyết của Nga đối với Jim còn cho thấy Nga quyết tâm không để xảy ra biến động mới trên thực địa để vừa có thể tập trung, vừa tạo thế cho việc dàn xếp với Mỹ về giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, không để thế chủ động bị tuột khỏi tay, không để bất cứ ai khác thay đổi được luật chơi ở xứ này.
Nga làm thế cũng còn vì một lý do khác nữa không kém phần quan trọng.
Đại diện của Mỹ ở LHQ, bà Nikky Haley vốn chưa lần nào tỏ ra thân thiện với Nga trong khi ông Trump thì ngược lại. Trong LHQ, Mỹ luôn rất găng với Nga và quan hệ ngoại giao giữa hai nước hiện không được tốt đẹp, nhưng mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin thì lại khá ổn.
Cùng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC từ 6 đến 11/11 vừa qua tại Việt Nam, ông Trump và ông Putin tuy không tổ chức được cuộc gặp bên lề, nhưng vẫn kịp "trao đổi ngắn" trong các dịp tiếp xúc, và Nga-Mỹ vẫn có tuyên bố chung về Syria thể hiện sự đồng thuận quan điểm về định hướng cho giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.
Cứ theo tính cách cá nhân và phong cách cầm quyền của ông Trump thì sự đồng thuận quan điểm như vậy mới mang tính quyết định, chứ không phải thái độ gay gắt của bà Haley đối với Nga tại LHQ.
Cho nên, mối bất hoà giữa Mỹ và Nga về số phận tương lai của Jim sẽ không làm thay đổi nhận thức ở cả hai phía. Hai bên không thể không hợp tác với nhau nếu muốn giải quyết ổn thoả vấn đề Syria.