Nữ nhiếp ảnh đưa cảnh đẹp Việt Nam vươn tầm quốc tế: Thời khắc "được gọi tên"

Thanh Thúy |

Sau hôn nhân đổ vỡ, cô chao đảo, cô nghĩ đời mình thế là hết nhưng chiếc máy ảnh đã giúp cô có được cuộc sống ngày hôm nay

Khánh Phan (37 tuổi, nhiếp ảnh gia) một mình đi bộ xuyên rừng suốt 3 tiếng, hơn 4 lần vượt suối và ngâm cả cơ thể dưới dòng nước gần 50 phút chỉ để chờ đợi một khoảng khắc đẹp nhất từ thiên nhiên. Cô đã làm việc như thế với nghề nhiếp ảnh suốt 5 năm qua.

Khánh bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 7 giờ sáng, không phải với máy ảnh mà là trong một bộ quần áo đồng phục ngành… ngân hàng. Sáu ngày trong tuần, Khánh Phan là một nhân viên tư vấn tài chính toàn thời gian. Cô sắc sảo, lý tính và chính xác đến từng con số.

Nhưng khi đã "tan làm", người ta nhìn thấy một Khánh Phan rất khác lúc cô cầm trên tay chiếc máy ảnh "con cưng" của mình.

Khánh Phan sinh năm 1985 (quê gốc Thái Bình), bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh từ tháng 8/2017. So với nhiều tên tuổi "lão làng" trong nghề, Khánh Phan là một làn gió mới: Vừa gai góc, lăn xả, vừa sâu sắc, mềm mại, nhưng cũng đầy tài năng.

Nữ nhiếp ảnh đưa cảnh đẹp Việt Nam vươn tầm quốc tế: Thời khắc được gọi tên - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan, người sở hữu hơn 30 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế

Năm 2019, bức ảnh "Flower on the water" trở thành tâm điểm của truyền thông khi là một trong ba tác phẩm của người Việt Nam đạt giải thưởng lớn tại Festival Siena Awards (Italy). Cái tên Khánh Phan từ đó được công chúng biết tới nhiều hơn với vai trò là một nữ nhiếp ảnh gia.

Với góc nhìn mới mẻ và sự nỗ lực không ngừng của một người "tay ngang" theo nghề, nữ nhiếp ảnh gia bước đầu đạt được một số thành tựu ấn tượng, phải kể đến như: Hơn 30 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế; loạt tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí danh giá của nước ngoài và hàng trăm bức ảnh nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực từ mạng xã hội.

Song bục vinh danh hay ánh hào quang không phải thứ có thể dễ dàng chạm tới, hành trình 5 năm của Khánh Phan đến với nhiếp ảnh tưởng ngắn, nhưng với cô… lại giống như một giấc mơ dài.

Sụp đổ sau ly hôn và thời khắc nhiếp ảnh gọi tên

Một buổi sáng Sài Gòn năm 2017, Khánh Phan sau cú sốc hôn nhân tan vỡ đã không thể làm gì suốt nhiều ngày liên tiếp. Cô suy sụp, khóc, nghĩ về chuyện tự tử, sau đó thương con nên không dám làm liều, nhưng rồi cô lại khóc. Biến cố hôn nhân đã khiến cô chao đảo, cô nghĩ đời mình thế là hết.

Thời điểm đó, Khánh Phan là Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng, làm việc tại một ngân hàng nhà nước ở TP.HCM. Cô dành toàn bộ tâm huyết cho công việc hành chính và là một bà mẹ nội trợ chính hiệu, không biết thú vui gì khác ngoài chồng và con.

"Tôi nghĩ sau ly hôn tôi suy sụp không chỉ vì gia đình tan vỡ mà ngay lúc ấy, tôi thực sự không biết mình là ai? Những năm qua mình đã sống như thế nào? Và những ngày tiếp theo mình phải sống ra sao? Sống vì điều gì?" – Khánh Phan nhớ lại.

Trong khi vẫn loay hoay tìm đủ cách để tự cứu mình, Khánh tìm đường đi bộ ra công viên. Không làm gì cả, chỉ ngắm nhìn phố phường, hít thở và tận hưởng những gì trong lành nhất đủ để biết mình vẫn đang được sống. Trong khoảnh khắc đó, một chiếc lá non vươn mình đón nắng đã làm cô rung động.

"Đó là một chiếc lá rất bình thường, nhưng ở dưới nắng nhìn nó vô cùng có sức sống. Không hiểu sao lúc đó tôi thấy mọi thứ rất kỳ diệu, lòng tôi cũng vui hơn và chỉ ước có ngay một chiếc máy ảnh trong tay để ghi lại tất cả những gì đẹp đẽ mà mình nhìn thấy" – Nữ nhiếp ảnh gia kể.

Và mầm cây non đã đưa Khánh Phan đến với nhiếp ảnh.

Sau hôm đấy, cô dồn hết số tiền còn lại trong tài khoản để mua một chiếc máy ảnh nghiệp dư. Những ngày đầu "vác máy ra đường", Khánh chỉ chụp những thứ đơn giản để tự làm vui cho cuộc sống. Nhưng càng chụp càng mê, càng nhận ra xung quanh có lắm điều thi vị cần khám phá và vì thế càng không thể dứt ra được.

Nữ nhiếp ảnh đưa cảnh đẹp Việt Nam vươn tầm quốc tế: Thời khắc được gọi tên - Ảnh 3.

Children dancing with gongs" – Bức ảnh đẹp nhất thế giới tại giải Golden Hour 2020

Từ khi gắn cuộc đời mình với nhiếp ảnh, cuộc sống của người phụ nữ 35 tuổi bỗng thay đổi hẳn. "Tay máy nghiệp dư" ngày đó chỉ được ngủ mỗi ngày 2 – 3 tiếng, thời gian còn lại vừa đi chụp, vừa tự học làm hậu kỳ ảnh. Khánh Phan xin theo chân các "tiền bối" để xem cách họ chụp ảnh và làm việc với nhiếp ảnh ra sao. Cái gì chưa biết thì học hỏi thêm, cái gì cánh đàn ông làm được, cô cũng chẳng nề hà.

"Khánh Phan là một nữ nhiếp ảnh gia tài năng và nhiệt huyết. Tôi từng có cơ hội làm việc chung với Khánh ở đất nước Bangladesh của tôi. Trong lúc làm việc cô ấy chuyên nghiệp và sẵn sàng lăn xả bất cứ đầu để chụp được khoảnh khắc đẹp, đôi khi còn khỏe hơn các anh đàn ông, con trai" – Azim Khan Ronnie, một nghiếp ảnh gia tự do, đồng nghiệp của nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Song, Khánh Phan cho biết, nhiếp ảnh không phải là một công việc dễ dàng với một người tay ngang như cô và còn là phụ nữ. Ngoài những trải nghiệm mới, cô cũng đón nhận thêm nhiều thử thách khó nhằn.

Nữ nhiếp ảnh gia kể, có lần đi chụp ảnh Hang Én, cô đã phải đi bộ đường rừng suốt mấy tiếng, vượt suối 4 lần và cắm trại qua đêm ở chân thác. Để chụp được nhiều góc ảnh khác nhau cô ngâm mình dưới suối hơn 1 tiếng chỉ giữ chân máy. Thậm chí sẵn sàng leo sâu vào trong vào trong hang tối để chờ đợi 1 khoảng khắc đẹp nhất từ thiên nhiên.

Những bức ảnh thuộc bộ ảnh "Landmark 81 - Khát vọng vươn cao"

"Đó chỉ là một trong số ít những lần tôi đi chụp ảnh một mình ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt. Khi thì leo núi, lội bùn, chờ bình minh ở một nghĩa địa, hay bị sóng bất ngờ ập vào lúc ở Hang Rái, Phan Rang…Nhiều lúc, tôi còn quên mất mình là… phụ nữ." – Nhiếp ảnh gia vui vẻ chia sẻ.

"Kẻ lì lợm" ôm giấc mộng lớn

Những hành trình từ Bắc đến Nam, từ sông ra biển của nữ nhiếp ảnh gia được đền đáp bằng nhiều thành quả xứng đáng. Các tác phẩm của cô là sự kết tinh hoàn hảo giữa tình yêu thiên nhiên, tinh thần dân tộc và kỹ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Những đứa con tinh thần của Khánh Phan được mang "chinh chiến" khắp các cuộc thi nhiếp ảnh tầm cỡ và đoạt nhiều giải thưởng lớn.

Nữ nhiếp ảnh đưa cảnh đẹp Việt Nam vươn tầm quốc tế: Thời khắc được gọi tên - Ảnh 5.

Tác phẩm "Flower on the water" chiến thắng hạng mục People giải Skypixel 2019 và hạng mục People giải Drone Siena award 2019.

Trong số đó, "Flower on the water" là bức ảnh đánh dấu sự chuyển mình rõ ràng nhất, cũng là bức ảnh thành công nhất tính tới thời điểm hiện tại của cô. Với "Flower on the water", Khánh Phan lần đầu tiên được đến Ý để nhận giải ở Festival Siena awards 2019 bằng tất cả niềm tự hào của một nữ nhiếp ảnh gia người Việt.

Để tạo ra tác phẩm này, nữ nhiếp ảnh gia phải làm việc kỹ lưỡng trong nhiều ngày. Từ việc nghiên cứu địa hình, thời tiết, văn hóa vùng miền đến chờ đợi khoảnh khắc, bấm máy và làm hậu kỳ ảnh… "Hôm đó (vào khoảng tháng 10/2018), tôi cùng 5 người bạn đi về Long An chụp ảnh, dự báo thời tiết báo sẽ có bão rất to nhưng tất cả đều quyết tâm ở lại. Sự kiên nhẫn đã được đáp trả khi chúng tôi được chứng kiến một khung cảnh tuyệt vời sau khi bão tan." – Khánh Phan kể lại.

Với sự hỗ trợ của hai người bạn, nữ nhiếp ảnh gia nhanh chóng ghi lại được khoảnh khắc những người phụ nữ đang cọ rửa từng dây hoa súng dưới mặt hồ. Từng bông hoa nhỏ xếp thành vòng tròn lớn, nhìn trên cao nhưng một bông hoa khổng lồ.

Từ sau "Flower on the water", nữ nhiếp ảnh gia nhận ra phong cảnh, làng nghề Việt Nam là một chất liệu tuyệt vời của nhiếp ảnh. Những nghệ nhân duy trì nghề truyền thống ở Việt Nam phần vì mưu sinh, phần còn lại vì họ yêu những gì được coi là "quốc hồn quốc túy" dân tộc, của ông cha truyền lại. Đó là nét đẹp mang tính "độc quyền" của nước ta mà không một nơi nào trên thế giới có thể sở hữu.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan chia sẻ: "Tôi hy vọng những bức ảnh của tôi được sử dụng ngày một nhiều hơn trên các tạp chí quốc tế, cả báo in và online, hoặc quý hơn là được treo trang trọng trong các phòng trưng bày, trong những ngôi nhà và được nhìn ngắm bởi những người yêu cái đẹp ở khắp nơi. Tôi muốn "mang" Việt Nam đi khắp thế giới, tôi muốn bạn bè quốc tế biết đất nước chúng ta đang sở hữu những điều tuyệt vời như thế nào. Đó là giấc mơ lớn nhất của tôi trong sự nghiệp nhiếp ảnh".

Giây phút Khánh Phan đứng trên bục vinh danh các giải thưởng quốc tế, là một người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống đầy kiêu hãnh… cô hiểu được, mình đã làm được nhiều hơn việc chụp một bức ảnh. Ở đây, nhiếp ảnh không còn đơn thuần là một công cụ giúp cô vơi bớt nỗi buồn sau những biến cố mà đó còn là tất cả đam mê, là khát vọng dân tộc vẫn cháy hừng hực trong lòng một người Việt.

5 năm làm nghề, Khánh Phan từng ngày nỗ lực để hoàn thiện bản thân và trở thành một nhiếp ảnh gia có chỗ đứng trong nghề. Cô thừa nhận, sự "khốc liệt" của cuộc sống… với những đè nén, áp lực đôi lần khiến cho đam mê sáng tạo của cô dần trở thành một guồng quay, điên cuồng, xa lạ.

Những lần như thế, cô lại chọn tìm đường đi bộ ra một công viên gần nhất, cho phép mình quên đi những giá trị thương mại, vượt ra khỏi khuôn khổ quy chuẩn để đắm mình trong các góc nhìn cá nhân.

Sau cùng, bản thân Khánh Phan nhận ra, 5 năm với một đời người, một sự nghiệp là ngắn ngửi nhưng với cô, 5 năm qua giống như một giấc mơ dài. Giấc mơ về sự chiến thắng chính mình, giấc mơ về một nhân viên ngân hàng, một bà nội trợ Phan Thị Khánh đã trở thành Khánh Phan – nữ nhiếp ảnh gia được vinh danh trong các giải thưởng quốc tế. Dù ngắn hay dài, cô vẫn sẽ tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn và viết tiếp những điều còn dang dở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại