“Đam mê nhưng phải có đạo đức”
Ngay khi bắt đầu có đam mê nhuộm xương, xác động vật chết, bố mẹ của Trần Thị Mai Phương (biệt danh Sally Tran, sinh năm 2004, sống tại Hải Dương) đã liên tục nhắc nhở em: “Đam mê nhưng phải có đạo đức, con không được giết hại động vật để làm tiêu bản”. Nghe xong, Phương vỡ òa hạnh phúc bởi em không ngờ bố mẹ lại ủng hộ em theo đuổi thú vui “dị” này.
Bố mẹ Trần Thị Mai Phương luôn ủng hộ em theo đuổi thú vui “dị” này.
Được biết, để có được một mẫu vật tiêu bản nhuộm xương hoàn chỉnh là cả quá trình sử dụng hóa chất làm trong suốt, tẩy phần thịt của tiêu bản. Tiếp đến là công đoạn nhuộm màu cho phần xương và mô sụn.
Sở dĩ, Phương biết đến thú chơi này nhờ những bài báo giới thiệu về tiêu bản nhuộm xương em đọc khi mới lên 6 tuổi. “Em vô tình đọc được bài báo viết về những loài động vật bị nhiễm phóng xạ mà lại trở nên trong suốt có thể nhìn thấy cả nội tạng và mê mẩn những mẫu vật đầy màu sắc. Đó là những thứ đẹp nhất trên đời em từng thấy”, Phương hào hứng nhớ lại.
Say mê tiêu bản từ “cái nhìn đầu tiên” ấy, Sally Trần đã bắt tay vào nghiên cứu và nhuộm tiêu bản từ hè năm lớp 7 với mục đích đem đến cho mọi người góc nhìn độc lạ, mới mẻ về xác động vật.
Theo chia sẻ của Phương, khâu tìm nguyên liệu làm tiêu bản tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì. Em đã chủ động làm quen với nhiều người cùng sở thích, các chủ cửa hàng lớn, doanh nghiệp thú y để khi vận chuyển hoặc giải phẫu nếu có xác chết rủi ro sẽ được tặng lại hoặc thu mua giá rẻ.
Ngoài ra, mỗi tháng, em sẽ đi mua bạch tuộc và các loại cá chết ở các tiệm hải sản, đi đến vùng biển ở các tỉnh khác để tìm kiếm mẫu vật tại chợ ngư sinh. Hóa chất để nhuộm tiêu bản xương cũng khá đắt đỏ và khó mua, Phương phải đặt từ Mỹ và Ấn độ về Việt Nam nên trong quá trình làm cô rất cẩn thận để hóa chất không bị hỏng gây lãng phí.
"Những xác động vật tới tay em đều do rủi ro mà mất, thậm chí khách hàng nào gửi những mẫu vật từ săn bắn, giết hoặc liên quan tới vấn đề đạo đức em sẽ không làm", em kể.
Thú chơi “hái ra tiền” nhưng không phải ai cũng làm được
Sally Trần thừa nhận, nhuộm tiêu bản xương động vật là một đam mê rất khó theo bởi phải chịu được mùi xác động vật chết, tiếp xúc với nhiều hóa chất, tỉ mỉ khi dùng dao kéo… Có khi chỉ cần run tay nhẹ cũng có thể bị hỏng và phải bỏ hẳn cả mẫu vật đi.
Từ công đoạn lọc da và xử lý nội tạng, xử lý phần thịt còn dính ở xương, ngâm hóa chất để rã thịt khỏi xương đến khi ngâm tẩm các loại hóa chất để cơ thể động vật trong suốt như thạch và nhuộm màu xương sẽ mất khoảng 1-2 tháng. Có những tiêu bản phức tạp hơn sẽ mất đến cả năm trời để hoàn thành.
“Cá nhân em làm các mẫu tiêu bản trong 13 bước, và bước quan trọng nhất là tẩy phần thịt của mẫu vật trở nên trong suốt như thạch. Những thao tác trước đó chỉ cần sai một chút thì bước cuối sẽ hỏng, hoặc chỉ cần thiếu tỉ mỉ thì cũng... hỏng nốt.
Mỗi tiêu bản nhuộm xương đều phải tạo nên sự khác lạ, có màu sắc riêng. Ngoài ra, em cũng phải thật cẩn trọng khi xử lý các phần thừa của xác như nội tạng và các loại hóa chất sao cho hợp vệ sinh môi trường”, nữ sinh nói.
Chứng kiến đam mê của con lớn dần theo năm tháng nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp xúc với hóa chất thường xuyên, bố Phương đã quyết định đầu tư cho em một phòng thí nghiệm tại nhà để thuận tiện cho quá trình nghiên cứu.
Những thiết bị và đồ bảo hộ tân tiến được trang bị đầy đủ trong phòng thí nghiệm như 3 tủ đông lạnh cỡ lớn, 10 bình thủy tinh đề nhãn riêng, kệ trưng bày, thiết bị khử trùng dao, nhíp, khay… nên Phương chỉ cần tuân thủ đúng nội quy an toàn về xử lý hóa chất là sẽ ít bị ảnh hưởng và không phải tiếp xúc trực tiếp.
Sally Trần cho rằng, để có được niềm tin từ bố mẹ, em đã phải chứng minh bằng năng lực và tính khả thi của đam mê nhưng vẫn phải gắn liền với mục đích kinh tế. Phương thường bán tiêu bản nhuộm xương cho khách nước ngoài là chủ yếu bởi ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều người yêu thích sản phẩm nghệ thuật này. Mỗi mẫu tiêu bản được bán sẽ phụ thuộc vào kích thước, màu sắc khác nhau.
Cụ thể, tiêu bản nhuộm nguyên con em bán thường có giá từ 1 đến 12 triệu đồng, các bộ phận lẻ sẽ dao động khoảng vài trăm nghìn. Cặp tiêu bản em bán đắt nhất là cá mập con với giá 50 triệu đồng. Điều này đã đem đến một nguồn thu nhập ổn định cho Phương ở tuổi 18 và định hình được công việc sẽ theo đuổi lâu dài.
Sau 5 năm làm tiêu bản nhuộm xương, cô bạn tích cóp được một khoản tiền nhỏ để tự chi trả tiền mua hóa chất, dụng cụ và chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên, Phương nhấn mạnh: “Công việc này có thể “hái ra tiền” nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu muốn thử sức với thú vui này, em cho rằng cần tìm hiểu kỹ để tránh việc chỉ làm cho vui rồi đem bỏ.
Bởi với em, xác động vật nào cũng cần được tôn trọng và đáng để dồn tâm huyết, cái gì mình không yêu, không tôn trọng, không hiểu ý nghĩa của nó thì cũng là đang thiếu tôn trọng với chính ngành nghề của mình".