Đại tá Rah Lan Lâm (Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai) cho biết trên báo Công an TP Đà Nẵng online, sau khi nhận thông tin bà Lê Thị Thương (SN 1988, trú tại 31/18 đường AMa Quang, phường Hoa Lư, TP Pleiku) tuyên bố vỡ nợ số tiền lớn, ông đã chỉ đạo trực tiếp cho Công an TP Pleiku và các đơn vị nghiệp vụ xác minh, nắm rõ thông tin và danh sách bị hại.
Ông cũng chỉ đạo công an đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tránh để xảy ra những tình huống xấu. "Hiện vụ việc vẫn đang được xác minh, làm rõ”, Đại tá Rah Lan Lâm nói.
Theo thông tin mà Thanh niên online đưa sáng nay (2/7), có một điều lạ là trong mấy ngày qua vẫn chưa có chủ nợ nào trình báo với cơ quan chức năng.
Hàng xóm của Thương kể với PV Thanh niên, nhiều năm nay gia đình Thương có cuộc sống bình thường, ngoài làm việc ở ngân hàng, thời gian rảnh Thương mở một quán bún đậu mắm tôm bán. Do đó, thật khó hiểu khi có nhiều chủ nợ tin tưởng cho Thương vay những món tiền lớn đến vậy.
Theo báo Công an TP Đà Nẵng online, nhiều người hàng xóm cũng quá đỗi ngạc nhiên khi hay tin Thương tuyên bố vỡ nợ gần 200 tỷ đồng, bởi số tiền này quá lớn so với tài sản của gia đình Thương.
"Chị A. cho biết, vợ chồng Thương hàng ngày vẫn đi làm bằng xe máy, căn nhà Thương nằm cuối hẻm cụt này cũng không đáng giá là bao, tài sản bên trong nhà chỉ có bộ bàn ghế gỗ là đáng giá nhất. Thế nhưng, không hiểu sao ai cho Thương vay cả trăm tỷ đồng thế kia.
Bên cạnh đó, cũng không thấy vợ chồng Thương buôn bán gì lớn, ngoài việc Thương có mở một quán bán hàng ăn do Thương làm chủ trên đường Phan Đình Giót. Tuy nhiên, quán của Thương đã đóng cửa lâu nay", PV báo Công an TP Đà Nẵng online thuật lại.
Ghi nhận của PV Trần Hiếu báo Thanh niên cho hay, một số người chủ nợ nói Thương dùng tiền vay để đáo hạn ngân hàng. Ngoài ra, Thương còn dùng tiền đầu tư bất động sản, nhưng thị trường chững lại, khó bán nên khó thanh toán khoản vay.
Về lý do tại sao lại tin tưởng Thương và cho vay số tiền lớn, bà C.T.H. (cho vay ngắn hạn với số tiền gần 3 tỷ đồng) kể trên báo Công an nhân dân, Thương nói dùng để đáo hạn ngân hàng và sẽ trả lại trong thời gian ngắn. Thương trả lãi suất cao hơn so với lãi suất ngân hàng và thời gian đầu trả tiền rất đúng hẹn.
Theo bà H., khi vay tiền, Thương còn thế chấp 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người khác, mà theo lời bà Thương là vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho chủ sở hữu của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này.
Hiện bà H. đang phải giấu gia đình sự việc, chưa dám nói ra.
Theo Tiền phong, một hàng xóm sống cạnh nhà bà Thương kể, khi chưa công bố vỡ nợ, Thương thường khoe có người "chị nuôi" mạnh về tài chính, có thể vay tiền tỷ sau một cú gọi điện thoại.
PV báo Công an Đà Nẵng ghi nhận, ngoài việc làm nhân viên hợp đồng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Lai, bà Thương còn làm thêm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và mua bán bất động sản. Dịch vụ đáo hạn ngân hàng được bà Thương ở một ngân hàng khác trên địa bàn TP Pleiku để "kín tiếng".
Trước đó, Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Lai khẳng định, việc vay mượn của bà Thương là công việc làm ăn cá nhân và đến nay chi nhánh chưa phát hiện có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Báo giới thông tin, bà Lê Thị Thương vay số tiền gần 200 tỷ đồng của một số cá nhân và một số chủ tiệm vàng tại thành phố Pleiku, Gia Lai. Khi mất khả năng chi trả, bà Thương đã bị nhiều chủ nợ tới nhà yêu cầu trả nợ. Bà Thương đã đến công an trình báo.
(Tổng hợp)