Nữ nhà báo Bulgaria bị sát hại và hiểm họa đón đường nghề nguy hiểm

Hạnh Nguyễn |

Vụ án một nữ nhà báo truyền hình bị hãm hiếp và sát hại tại Bulgaria hồi đầu tháng 10 đã gây chấn động cả châu Âu. Đây là vụ sát hại nhà báo thứ ba được Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận tại khu vực trong 1 năm qua. Theo thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2018 tới nay, đã có tới hơn 100 nhà báo trên toàn thế giới bị giết hại, điều này khiến nghề báo lọt vào tốp những ngành nghề nguy hiểm nhất.

Ngày 6-10, cảnh sát tìm thấy thi thể nữ nhà báo Viktoria Marinova (30 tuổi), tại một công viên gần sông Danube ở thành phố Ruse, Bulgaria. Viktoria là một nhà báo làm việc tại Đài Truyền hình TVN có trụ sở ở Ruse, một trong những đài truyền hình được yêu thích nhất ở Đông Bắc Bulgaria, lĩnh vực chính của cô là điều tra về tham nhũng.

Cái chết gây chấn động châu Âu

Động cơ đằng sau vụ sát hại của Vikoria vẫn còn là một ẩn số, các nhà chức trách cũng chưa thấy manh mối về sự liên hệ giữa vụ án mạng ở miền Đông Bắc Bulgaria với nghề nghiệp của cô. Tuy vậy, Viktoria là nhà báo thứ ba bị sát hại tại EU từ đầu năm đến nay, khiến nhiều người băn khoăn về mức độ an toàn của ngành nghề này.

Trước vụ việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu chia sẻ: “Lại một lần nữa, một nhà báo dũng cảm đấu tranh chống lại nạn tham nhũng ngã xuống”, đồng thời khẳng định EU sẽ hỗ trợ hết sức để giúp Bulgaria làm sáng tỏ cái chết của nữ phóng viên Viktoria Marinova.

Rất nhiều người dân đã có mặt tại Đài tưởng niệm Tự Do ở Ruse vào tối 8-10 và cả ở Thủ đô Sofia để tưởng nhớ nữ nhà báo bị sát hại. Họ đã mang đến hoa, nến và di ảnh của nhà báo xấu số. Ngoài ra họ còn mang theo ảnh của Anna Politkovskaya, một nhà báo Nga cũng đã bị sát hại năm 2006 ngay tại khu chung cư của mình.

Mới đây, hôm 9-10 nghi phạm vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng này đã bị bắt giữ tại Đức. Chính phủ Đức và Bulgaria đang phối hợp làm rõ sự việc. Nhiều người vẫn phỏng đoán có thể nữ nhà báo đã bị “thủ tiêu” sau khi cô trở thành người dẫn chương trình “Detector” với nội dung điều tra sâu vào các vụ án tham nhũng và chính trị.

Trong số phát sóng cuối cùng trước khi bị sát hại, nữ nhà báo xấu số đã giới thiệu về cuộc điều tra sau các cáo buộc tham nhũng liên quan đến các quỹ tiền tệ châu Âu. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, cơ quan giám sát tham nhũng toàn cầu quốc tế cho biết, Bulgaria là quốc gia tham nhũng hàng đầu châu Âu, với chỉ số tự do báo chí chỉ xếp thứ 111/180 quốc gia.

Nữ nhà báo Bulgaria bị sát hại và hiểm họa đón đường nghề nguy hiểm - Ảnh 2.

Hình ảnh nhà báo Mỹ James Foley bị Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS hành hình


Báo chí lọt top những ngành nghề nguy hiểm nhất thế giới

Theo thống kê của Press Emblem Campaign (PEC), một tổ chức bảo vệ nhà báo có trụ sở tại Geneva (Thuỵ Sỹ), tính từ đầu năm 2018 tới nay đã có đến 102 nhà báo bị sát hại trên toàn thế giới, tăng hơn 50% so với năm ngoái. Những con số này đã khiến nhiều người cho rằng vụ án mạng của 3 nhà báo tại EU trong 1 năm trở lại đây không chỉ là những vụ tấn công bạo lực ngẫu nhiên.

Nghề báo được xem là một trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất thế giới, tùy thuộc vào lĩnh vực và địa bàn tác nghiệp của phóng viên. Đầu tiên phải kể đến các vụ sát hại nhà báo dã man tại các vùng chiến sự.

Năm 2014, cả thế giới sửng sốt khi Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS công khai hành quyết 5 phóng viên điều tra, trong đó có 2 người đến từ Mỹ. Trước đó, năm 2002, Daniel Pearl, phóng viên của tờ The Wall Street Journal cũng bị tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Quaeda bắt cóc và sát hại tại Pakistan.

Không chỉ bị các tổ chức khủng bố sát hại, nhà báo còn phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm khác đến từ chính địa bàn tác nghiệp của mình.

Năm 2012, 2 phóng viên chiến trường kỳ cựu tại khu vực Trung Đông là Marie Colvin và Remi Ochlik đã tử nạn khi bị pháo bắn trúng nơi trú ẩn. Trước đó, Marie Colvin cũng từng bị hỏng 1 bên mắt vì trúng mảnh bom khi tác nghiệp tại Sri Lanka hồi năm 2001.

Nghề báo cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa đến từ tội phạm và các băng đảng xã hội đen. Ngay tại quốc gia dân chủ như Mỹ, các phóng viên cũng phải hết sức đề phòng.

Thực tế cho thấy, từ tội phạm tới các tổ chức khủng bố đều không “ưa” gì các phóng viên, đặc biệt những phóng viên điều tra. Và chúng cũng không ngần ngại ra tay thủ tiêu các nhà báo chân chính. Năm 1943, biên tập viên Báo Carlo Tresca đã bị một băng nhóm mafia sát hại.

Bên cạnh đó, tại một số quốc gia, tự do báo chí có khả năng bị hạn chế, do đó những nhà báo điều tra phải vô cùng cẩn trọng đề phòng kẻ gian tấn công. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), các cuộc đàn áp và các chiến thuật đe dọa, dằn mặt phóng viên liên tục diễn ra ở nhiều nơi.

Tại một số quốc gia, nghề báo bị giám sát và kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Các phóng viên đưa tin có khả năng bị đi tù, phạt tiền, thậm chí còn bị tra tấn nếu đưa quá nhiều thông tin bất lợi cho Chính phủ.

Tại nhiều nơi khác trên thế giới, các phóng viên còn bị “thủ tiêu” sau khi tiết lộ nhiều mặt tối của đất nước đó. Như ở Venezuela, nhà báo chính trường Orel Sambrano đã bị bắn chết. Nhiều người cho rằng Orel đã bị sát hại bởi các cảnh sát địa phương.

Hiện nay vẫn còn hàng triệu nhà báo khác trên thế giới mạo hiểm mạng sống mỗi ngày để nói lên sự thật, cập nhật những thông tin mới nhất từ mọi ngóc ngách đời sống, truyền tải tới công chúng. Đối với mỗi phóng viên, nhà báo, phần thưởng cũng như nguồn động lực lớn nhất của họ chính là được nói lên sự thật, trở thành những nhà tiên phong, định hướng dư luận.

Nữ nhà báo Bulgaria bị sát hại và hiểm họa đón đường nghề nguy hiểm - Ảnh 5.

Nhà báo Daniel Pearl bị sát hại tại Parkistan


Tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) đã liệt kê một vài quốc gia nguy hiểm nhất đối với nhà báo tính tới tháng 5-2018, trong đó phải kể đến Afghanistan, với hơn 11 nhà báo thiệt mạng; tiếp đó là Mexico và Syria, mỗi nước có 4 nhà báo thiệt mạng; Ecuador, Ấn Độ và Yemen, mỗi nước có 3 nhà báo bị sát hại.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại