Ở Nam Ninh, Trung Quốc, cô Vương 46 tuổi âm thầm chịu đựng nỗi cay đắng và bất lực khi làm giúp việc sống chung với chủ nhà. Hàng ngày sống, ăn ở cùng với gia chủ, nhận mức lương lên tới 7.500 NDT (tương đương 26,3 triệu đồng) nhưng cô Vương không mấy vui vẻ.
Cô vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn, để nuôi con học đại học, cô quyết định rời quê lên thành phố làm việc. Sau nhiều lần tìm hiểu, cô Vương đã tìm được việc làm giúp việc tại nhà. Người chủ là một cặp vợ chồng trung niên có một đứa con đang học cấp 3 ở nhà. Cô nghĩ rằng công việc này không chỉ có thể kiếm tiền mà còn có thể giúp bản thân có một nơi ở ổn định.
Mấy tháng đầu, cô Vương cảm thấy công việc này không tệ. Vợ chồng ông chủ thoải mái, con cái cũng ngoan ngoãn lễ phép. Hàng ngày cô đảm nhận việc dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, dì Vương dần phát hiện ra công việc này không đơn giản như tưởng tượng.
Trước hết, cô Vương thấy rất bất tiện khi phải sống và ăn uống cùng chủ. Cô cần phải luôn chú ý đến lời nói và hành động của mình, vì sợ vô tình động chạm đến những điều cấm kỵ của nhà chủ. Khi ăn, cô phải đợi chủ dùng đũa trước, khi ngủ cũng phải đợi mọi người nghỉ ngơi hết mới được tắt đèn. Cuộc sống gò bó như vậy dần khiến cô trở nên chán nản.
Thứ hai, cường độ làm việc cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến dì Vương không thoải mái. Ngày nào cô cũng phải làm việc từ sáng đến tối, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Đôi khi chủ có khách đến nhà hoặc con cái họ có việc đột xuất, cô phải làm thêm giờ đến tận khuya. Những giờ làm việc vất vả kéo dài dần dần khiến cơ thể người phụ nữ 46 tuổi không chịu nổi, nhưng cô không dám phàn nàn vì biết rằng công việc này không hề dễ kiếm.
Điều khiến cô Vương càng không thể chịu nổi là thái độ của vợ chồng chủ nhân đối với cô đã dần thay đổi. Họ bắt đầu tìm lỗi, buộc tội cô làm việc không đủ tốt. Đôi khi chỉ vì món ăn không ngon hoặc sàn nhà còn vết bẩn, họ đã nổi cơn thịnh nộ.
Một chuyện khác khiến cô Vương cảm thấy tuyệt vọng nhất chính là thái độ của những đứa trẻ trong nhà. Thời gian trôi qua, sự kính trọng của bọn trẻ dần mất đi. Cũng giống như cha mẹ của mình, những đứa trẻ này bắt đầu đối xử với cô không còn thân thiết như trước, thậm chí đôi khi còn nói chuyện gắt gỏng.
Đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan này, cô Vương từng ngỏ ý với nhà chủ với hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa họ. Nhưng vợ chồng ông chủ dường như không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Những tình huống như vậy vẫn tiếp tục xảy ra. Điều này khiến cô Vương cảm thấy rất bất lực và tuyệt vọng. Cô bắt đầu nghi ngờ liệu lựa chọn ban đầu của mình có đúng hay không.
Tình cờ, cô Vương gặp được một người bạn cũng làm giúp việc. Người này nói với cô rằng mình đã từng trải qua tình huống khó xử tương tự. Về sau, cô đã chọn nghỉ việc để tìm một gia đình khác phù hợp hơn.
Sau khi nghe câu chuyện của người bạn cùng với việc cân nhắc kỹ lường, cô Vương quyết định xin nghỉ việc. Cô biết rằng làm như vậy bản thân có thể mất đi một công việc ổn định, nhưng cô cũng biết rằng mình không thể chịu đựng được cuộc sống như vậy nữa. Cô tin rằng mình sẽ tìm được một công việc phù hợp hơn và có cuộc sống thoải mái hơn.
Câu chuyện của người phụ nữ 46 tuổi sau khi được đăng tải trên mạng đã gây ra những luồng tranh luận trái chiều. Một số người cho rằng đi làm thuê thì phải chấp nhận. Một số khác thì bày tỏ dù bạn làm công việc gì cũng cần được tôn trọng.
Nhưng trường hợp của cô Vương ít nhiều đã cho chúng ta thấy được góc khuất của nghề làm giúp việc khi phải ở chung chủ. Người ngoài nhìn vào có thể thấy đó là nghề "việc nhẹ lương cao", nhưng thực tế, nó có cái giá phải trả đằng sau.
Theo Sohu