Nữ giáo viên đánh học sinh liên tiếp ở Hải Phòng có thể chịu hình phạt thế nào?

Hoàng Hải |

Theo quan điểm của Luật sư, trong Trường hợp, tỉ lệ tổn thương sức khỏe của cháu H.Đ.G. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hành hạ người khác".

Hơn 1 ngày qua, vụ việc nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi - chủ nhiệm lớp 2A8 trường Tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) đánh liên tiếp nhiều học sinh lớp 2A7 trong giờ kiểm tra học kỳ 2 đang gây xôn xao dư luận.

Đặc biệt sau khi bị cô giáo Thu Trang đánh, em H.G.Đ. (học sinh lớp 2A7) đã bị thương ở nhiều nơi trên cơ thể như tai, chân.

Việc cô Thu Trang đánh và có những lời lẽ không đúng mực với học sinh đang khiến nhiều người bất bình.

Bên cạnh đó, người dân cũng đặt ra câu hỏi liệu với việc đánh học sinh gây thương tích của cô Thu Trang có phải chịu hình phạt trước pháp luật.

Để giải đáp vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Thơm nêu quan điểm, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.

Xét hành vi của cô giáo Thu Trang đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ về thân thể, sức khỏe của trẻ em khi đã sử dụng vũ lực liên tiếp tiếp tát vào mặt, đầu và cầm thước dài khoảng gần 1m đánh nhiều học sinh.

Trong đó 2 nam học sinh phải bật khóc, tay ôm chỗ đau. Không dừng lại ở đó, một nữ giáo viên khác sau khi bước vào lớp cũng tát một học sinh.

Đáng lẽ ra, cô giáo như người mẹ phải chỉ bảo, uốn nắn dạy dỗ cháu nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực quá mức cần thiết để giáo dục cháu.

"Các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế nhưng không vì thế mà tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức nghề giáo viên vốn được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất..." Luật sư Thơm nói.

Theo Luật sư Thơm hành vi đánh học sinh của cô Thu Trang không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo được xã hội tôn vinh mà còn là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Mọi hành vi xâm hại đến sức khỏe người khác, đặc biệt trẻ em là người yếu thế trong xã hội đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tùy theo tính chất mức độ tổn hại về sức khỏe của cháu học sinh thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 BLHS 2015.

Trường hợp, tỉ lệ tổn thương sức khỏe của cháu H.Đ.G. không đáng kể thì cô giáo có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác, được quy định tại Điều 140 BLHS 2015.

"Tùy theo tính chất mức độ và hậu quả gây ra tổn thương về sức khỏe, cũng như danh dự, nhân phẩm của các cháu học sinh, cần thiết phải có biện pháp xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS hoặc tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS là có căn cứ theo quy định của pháp luật...", Luật sư Thơm nêu quan điểm.

Điều 140. Tội Hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại