Nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam
Giáo sư Hoàng Xuân Sính sinh năm 1933, ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay là P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy). Bà là một nữ chính khách, nhà quản lý giáo dục, nhà toán học, giáo sư và Nhà giáo nhân dân người Việt Nam.
Bà là nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam, cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris (Pháp) bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về Toán học, dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng Alexander Grothendieck.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính là tác giả nhiều cuốn sách giáo khoa toán phổ thông và đại học. Bà còn là một trong những nhà giáo tiên phong mở đường, "đặt nền móng" cho giáo dục đại học tư thục tại Việt Nam. Bà là người sáng lập trường đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam - trường Đại học Thăng Long.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam. Nhiều lần bà được giao trọng trách là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. Bà từng là Phó Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1987-1992), Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004), Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Với những đóng góp của mình cho lĩnh vực giáo dục, Giáo sư Hoàng Xuân Sính đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo nhân dân" vào năm 1996. Ngoài ra, bà được Chính phủ Pháp trao tặng "Huân chương Cành cọ Hàn lâm" vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn của cá nhân cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia Pháp - Việt.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính xuất thân trong gia đình trí thức, có truyền thống hiếu học. Ngay từ nhỏ, bà đã được tiếp xúc với các bậc tri thức đương thời, trong đó có 2 nhà tri thức lớn của ngành giáo dục nước nhà là Giáo sư Vũ Đình Hòe và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
Niềm đam mê với học tập, giáo dục của bà ngày một lớn dần theo thời gian. Năm 1948, sau khi học hết cấp II, bà Hoàng Xuân Sính quyết định theo học tại trường cấp III Chu Văn An, khi ấy là trường nam sinh.
Năm 1951, sau khi bà tốt nghiệp bằng tú tài 1, ban Sinh ngữ, tiếp Pháp và tiếng Anh tại trường THPT Chu Văn An, bà tiếp tục sang Pháp học lấy bằng tú tài 2, rồi học ngành Toán tại Đại học Toulouse.
Tốt nghiệp Đại học Toulouse, bà học lên Thạc sĩ toán học ở tuổi 26. Sau đó, vào năm 1959, bà quyết định trở về nước và giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc này, bà Hoàng Xuân Sính vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, làm luận án Tiến sĩ.
Theo Dân Trí, năm 1967, nhân cơ hội "thiên tài Toán học thế kỷ XX" Alexander Grothendieck (người Pháp) sang Việt Nam dạy học 3 tuần, bà Sính hẹn gặp và xin được ông hướng dẫn làm luận án Tiến sĩ. GS Grothendieck nhận lời. Khi về nước, GS Grothendieck đã viết cho bà Sính bức thư đầu tiên, đưa cho cô học trò người Việt đề tài và dàn bài quan trọng mà sau này bà đã xây dựng thành Gr-Catégories.
Trong suốt 5 năm từ 1967 đến 1972, bà và thầy hướng dẫn viết thư trao đổi 5 lần. Trong đó, thầy gửi thư cho bà 2 lần và bà phản hồi 3 lần.
Đến năm 1973, luận án viết tay dài 200 trang bằng tiếng Pháp với tên "Gr-Catégories" (Gr -Phạm trù) của bà Hoàng Xuân Sính được gửi đến Pháp cho GS Grothendieck.
Năm 1975, bà Hoàng Xuân Sính sang Pháp bảo vệ luận án tại Đại học Paris 7. Thông thường, luận án Tiến sĩ viết tay không được chấp nhận, nhưng nhờ vị thế của GS Grothendieck, hội đồng đã cho đánh máy hơn 200 trang luận án của bà Hoàng Xuân Sính để đưa ra bảo vệ.
Tháng 5/1975, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Các Gr-phạm trù tại Đại học Paris 7, với hội đồng chấm gồm những nhà toán học nổi tiếng. Dù bị thử tài bằng cách ra đề thi tại chỗ nhưng bà Hoàng Xuân Sính đã xuất sắc vượt qua. Sau đó, Giáo sư Hoàng Xuân Sính trở về nước, tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.
Đặt trọn tâm huyết cống hiến cho giáo dục
Năm 1988, bà nhận được thư của Giáo sư Bùi Trọng Liễu gửi về từ Pháp, ngỏ ý mời 5 nhà khoa học cùng lập nên một trường Đại học tư nhân. Lúc này, Giáo sư Hoàng Xuân Sính cũng mong muốn xây trường nhằm khắc phục các nhược điểm của trường ĐH công lập trong hoàn cảnh bấy giờ, giúp đời sống của cán bộ giảng viên bớt khó khăn, từ đó cống hiến toàn bộ tâm huyết cho giáo dục.
Sau nhiều nỗ lực, tháng 12/1988, bà nhận được giấy phép đồng ý thành lập Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (nay là Đại học Thăng Long), Đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam. Lúc bấy giờ, trường thu học phí là 10 cân gạo.
Thời điểm mới mở trường, ngôi trường khi ấy còn nhỏ bé, lụp xụp ở trong những con ngõ, con hẻm mà hai người đi xe máy không vừa. Cứ 6 tháng đến một năm, lại phải chuyển địa điểm một lần.
Nói về những ngày tháng còn khó khăn khi mới thành lập trường, Giáo sư Hoàng Xuân Sính từng chia sẻ: "Có những ngày, không đủ trả tiền cho lao công, tôi đến trường từ 6 giờ sáng để quét lớp. Sinh viên trông thấy hiệu trưởng trong dáng hình lao công thì không nhịn được mà bật cười. Không quát mắng, tôi chỉ nghiêm khắc: Các em cầm chổi, quét cùng tôi".
Hiện tại, Giáo sư Hoàng Xuân Sính là Chủ tịch HĐQT của Trường ĐH Thăng Long. Ở tuổi ngoài 90, Giáo sư Hoàng Xuân Sính vẫn giữ thói quen dậy sớm tập thể dục, đọc báo tiếng Việt, tiếng Pháp để nắm bắt xu hướng đào tạo trong nước và thế giới.
Tổng hợp