Mới đây, đêm chung kết chương trình The Masked Singer đã diễn ra, với màn lộ diện đầy bất ngờ của danh ca Hương Lan trong mascot Cú Tây Bắc, khiến khán giả vỡ òa. Được biết, đây là lần hiếm hoi trong sự nghiệp của mình, danh ca Hương Lan chịu tham gia gameshow truyền hình và đưa nhiều nhạc phẩm bất hủ tới khán giả trẻ.
Kỹ thuật hát dân ca đỉnh cao ít ai qua mặt được
Danh ca Hương Lan sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cô là con gái của nghệ sĩ cải lương Hữu Phước nên từ nhỏ đã được dạy hát và tiếp xúc với âm nhạc. Hương Lan bước lên sân khấu từ rất sớm, được báo giới ngày đó gọi là "thần đồng". Cô còn thường xuyên được đứng chung sân khấu với huyền thoại Thanh Nga.
Danh ca Hương Lan lộ diện
Sau này, Hương Lan nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình quê hương, dân ca và Bolero. Cô sở hữu tiếng hát đẹp lộng lẫy và mùi mẫn cảm xúc, cùng kỹ thuật hát dân ca điêu luyện ít ai sánh kịp, được xem là đàn chị, người thầy của nhiều thế hệ ca sĩ.
Đa số giới chuyên môn và khán giả đều nhận định rằng, về dòng nhạc dân ca Nam Bộ, không ai qua mặt được Hương Lan, cả về cảm xúc lẫn kỹ thuật. Cô là một trong số nữ ca sĩ hát dân ca Nam Bộ kỹ thuật nhất nhưng vẫn dạt dào cảm xúc.
Điều nổi bật ở Hương Lan là dù không được học hành trường lớp bài bản nhưng lại nổi tiếng có kỹ thuật cực kỳ điêu luyện, đứng đầu trong các nữ ca sĩ hát nhạc trữ tình quê hương miền Nam.
Đa số ca sĩ chỉ phát triển quãng trầm, trung, hoặc cao tương ứng với loại giọng của họ. Nhưng ở Hương Lan, trình độ điều khiển giọng hát đã đến bậc thượng thừa. Cô có thể hát đẹp ở cả ba quãng trung, trầm, cao với sự nhất quán về âm sắc và support, cũng như độ tự nhiên, không chút khác biệt.
Dù là light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh) nhưng quãng trầm của Hương Lan rất tốt. Cô có thể xuống tới C3, support F3 đầy sức nặng và vô cùng rõ ràng. Hương Lan hát trầm còn tốt hơn cả một nữ trung như Lệ Quyên.
Chẳng hạn, trong Liên khúc Lòng mẹ - Ca dao mẹ, nếu nhiều ca sĩ mất kiểm soát và bị mờ đi ở G3 thì Hương Lan lại tỏ ra vững chãi và phát ra một cách dễ dàng.
Hương Lan hát trầm tròn vành và chắc nịch, nhưng quãng cao cũng vô cùng đẹp, ngang ngửa với các nữ cao khác như Ý Lan hay Hồ Quỳnh Hương.
Chẳng hạn, trong màn song ca Đố ai, nếu một số danh ca hơi mất kiểm soát ở C5 thì Hương Lan lại bình tĩnh đưa note nhạc đó lên một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Hương Lan chuyển giọng cũng rất tốt, không lộ liễu như Hoàng Oanh và thậm chí ngọt hơn cả bậc thầy Thái Thanh. Thế nên, khi cô chuyển từ giọng thật sang giọng giả thanh, khán giả vẫn cảm thấy có sự liên kết liền mạch, mịn màng. Cũng trong bài hát Đố ai, Hương Lan ngân lên chữ "đố" và chuyển từ giọng thật qua giả thanh một cách ngọt ngào như dòng suối, kèm ngân rung tự nhiên vô cùng đẹp, như đưa người nghe vào một giấc mơ.
Không những vậy, và làn hơi bất tận của cô còn kéo dài từ chữ "đố" đến hết câu hát tiếp theo.
Có thể thấy, chỉ với một câu hát, Hương Lan đã thực hiện được những kỹ thuật chuẩn mực nhất của thanh nhạc cổ điển, từ vị trí âm thanh chuẩn xác, làn hơi vững chắc tới khả năng chuyển quãng linh hoạt và vibrato (ngân rung) vô cùng tự nhiên.
Là một cây đại thụ của dòng nhạc Bolero nên kĩ thuật luyến láy của Hương Lan thực sự đạt tới mức thượng thừa, ít ai sánh kịp. Một trong những kĩ thuật đỉnh cao cô từng thực hiện là mezzo trillo.
Cú Tây Bắc
Trillo (rung láy) là hát láy đi láy lại 2 note liên tiếp với tốc độ cao. Trillo đôi khi được kết hợp với một note cao ngân dài ngân dài sử dụng vibrato. Đây là kĩ thuật khó của dòng Opera Bel Canto Ý, rất hiếm khi được sử dụng trong nhạc đại chúng. Ngay cả trên thế giới, cũng rất ít diva thực hiện được trillo.
Tuy nhiên, Hương Lan vẫn dư sức sử dụng mezzo-trillo (rung láy ngắn) một cách nhẹ nhàng.
Có thể thấy, dù không qua trường lớp bài bản, nhưng kĩ thuật hát của Hương Lan rất tốt và thực hiện được cả những trang trí màu sắc, hoa mỹ. Nhưng vì yêu cầu của Bolero là sự mộc mạc, chân thành, nên khán giả ít thấy cô vắt vẻo những kĩ thuật phức tạp vào bài hát.
Hương Lan hát Bolero với tâm hồn của người con vọng cổ, cải lương, nên tạo ra một chất nhạc rất riêng, thấm đẫm màu sắc dân gian, dân ca. Với người nghe Bolero hiện đại, cách hát này có vẻ hơi cũ, nhưng lại là cách hát thuần Việt nhất.
Nói cách khác, Hương Lan đã biến Bolero từ dòng nhạc ngoại lai thành âm hưởng trọn vẹn của dân tộc.
Những quan điểm ca hát làm nên trường phái riêng, ảnh hưởng tới Quang Lê
Nhắc tới Hương Lan là nhắc tới một trong những giọng ca Bolero kỹ thuật và ngọt ngào. Cô tạo nên một trường phái hát Bolero riêng, ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ sau này, trong đó có Quang Lê. Nam ca sĩ từng tâm sự, ngày trước anh hát rất kỳ, Hương Lan phải sửa cho anh rất nhiều.
Có lần Quang Lê thu âm một ca khúc nhưng trong lòng rất nản vì tự thấy mình không thể làm nó hay hơn. Hương Lan thấy thế liền qua chỉ cho anh cách nhấn nhá một số chỗ. Quang Lê học theo Hương Lan và thế là thành công ngoài mong đợi. Anh tâm sự tại một livestream:
"Tôi may mắn được nhờ mẹ Hương Lan dạy hát cho nên mới được như ngày hôm nay. Nói thật, trường phái của tôi và mẹ Hương Lan khác nhiều người lắm.
Nhiều người nghe tôi và mẹ Hương Lan hát không quen, muốn phải ngân nga tràn giang đại hải thì mới chịu nhưng hai mẹ con tôi không hát như thế.
Bản thân tôi khi nghe những ca sĩ hát Bolero khác mẹ Hương Lan cũng không quen. Nói đúng ra, trường phái Bolero của Hương Lan và Quang Lê giống nước mắm trong nhà hàng Pháp.
Mẹ con tôi hát rất gọn gàng. Nhiều học trò của tôi vẫn hỏi tôi cách Bolero chuẩn trường phái Hương Lan, tôi luôn bảo học trò phải nghe Hương Lan để học theo. Còn nếu nghe tôi thì nghe giai đoạn sau này, khi đã được mẹ Hương Lan chỉ dạy".
Về phía mình, Hương Lan cũng chia sẻ về quan điểm ca hát một cách nghiêm túc. Theo cô, trong một ca khúc sẽ có những nhấn nhá mà bản thân người nhạc sĩ khi viết ra cũng chưa nghĩ tới.
Người ca sĩ khi hát phải nghiên cứu kỹ lưỡng, biết cách nhấn nhá làm sao để tạo nên cho bài hát có thêm nhiều hương sắc. Có như vậy thì mới hát hay và truyền cảm xúc tới khán giả.
Cô nói: "Ai nghe tôi từ xưa đến giờ đều thấy cách hát của tôi vẫn vậy, không thay đổi. Tất nhiên, khi có tuổi thì giọng tôi chín chắn, trầm bổng hơn. Hồi trẻ có những nốt thấp tôi không hát được, giờ thì hát rất ngọt ngào, còn luyến láy thì vẫn thế.
Trong một câu, tôi phải giữ hơi dài để kéo được câu nọ sang câu kia. Tôi luôn dạy Quang Lê phải hát từ chỗ nào đến chỗ nào mới được thở. Lúc đó, Quang Lê kêu dài quá không hát được.
Tôi bảo: "Tại sao mẹ già rồi còn hát được, con còn trẻ lại không làm được? Con phải tập bằng được". Thế là Quang Lê tập thành công".