Làng "Hollywood" của Việt Nam
Cách trung tâm Hà Nội về phía tây khoảng 15km, có một ngôi làng, địa điểm được mệnh danh là "làng Hollywood" của Việt Nam. Đó chính là làng Tây Mỗ (nay là phường Tây Mỗ), quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Có câu phương ngôn nổi tiếng "Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương", bởi đây là những làng nghề truyền thống nổi tiếng như dệt lụa, đan lưới, xe chỉ…
Cổng Phượng - cổng làng Tây Mỗ
Vào đầu làng là hình ảnh Cổng Phượng - cổng làng Tây Mỗ có hàng trăm năm tuổi cùng với hai hàng chữ Nho không còn nhìn rõ - nơi chứng kiến quá trình thay đổi và phát triển của làng Tây Mỗ - nay đã nhuốm màu rêu phong. Tuy cổng đã được trùng tu để đảm bảo an toàn cho người dân và khang trang hơn nhưng vẫn mang đậm nét đẹp truyền thống của cổng làng quê Bắc bộ xưa.
Với khung cảnh đặc trưng của làng quê Bắc bộ Việt Nam, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, cây đa, bến nước, sân đình... đã khiến làng Tây Mỗ được chọn để làm bối cảnh quay của nhiều bộ phim về chủ đề nông thôn. Cũng có một số khác là những bộ phim kinh dị, hài Tết hoặc có phân cảnh cần sự cổ kính... Những bộ phim đã từng quay ở làng Tây Mỗ có thể kể tới như phim truyền hình "Đất và người", "Gió làng Kình", "Ma làng" hay bộ phim điện ảnh từng rất thu hút tại phòng vé "Lời nguyền huyết ngải"...
Đình làng Tây Mỗ
Mặc dù hiện nay, quá trình đô thị hóa đã làm đổi thay diện mạo của làng, nhiều công trình, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn nhưng làng vẫn còn nhiều ngôi nhà gỗ, nhà cổ trong những khu vườn cam, hồng xiêm trĩu quả. Không ít hộ trong làng có của ăn của để nhờ trồng hoa và cây cảnh...
"Chị nuôi" tốt bụng
Bà Hoàng Thị Yên là nữ chủ nhân ngôi nhà cổ là nơi được các đạo diễn lấy bối cảnh quay phim nhiều nhất ở "làng Hollywood". Người phụ nữ này gây ấn tượng bởi vẻ thân thiện, dễ gần, khuôn mặt phúc hậu, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, tinh tường ở tuổi 74.
Bà Yên kể, cuộc sống của bà lúc trước cũng vất vả, chồng mất sớm, đặt lên bà cả hai vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, bà luôn nỗ lực làm lụng để nuôi 3 người con thành đạt, phương trưởng. "Giờ đây, nhìn các con trưởng thành có cuộc sống hạnh phúc, công việc ổn định, người làm mẹ như tôi thấy yên lòng", bà Yên kể.
Bà Yên cho biết, là con dâu trưởng, lại là trưởng chi nên bà cũng dần quen với nếp nhà chồng một năm có mấy cái giỗ, ngày rằm, ngày Tết hay dịp lễ trọng của dòng họ, bà đều nhớ rõ từng ngày và một tay bà quán xuyến chuyện hương khói, cúng đơm. "Nhà thờ họ Nghiêm có tuổi đời 200 năm nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, rêu phong. Từng mái ngói, viên gạch, vật dụng trong nhà đều vẹn nguyên như thuở ban đầu. Chi 2 của dòng họ Nghiêm Xuân trong làng có nhiều người đỗ đạt và con cháu học hành thành tài rất nhiều", bà Yên tự hào khoe với chúng tôi.
Nhà thờ họ Nghiêm có tuổi đời 200 năm, là bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình
Khi được hỏi về những kỷ niệm mà các đoàn làm phim, các đạo diễn đã lấy bối cảnh căn nhà cổ của gia đình và ngôi từ đường của dòng họ Nghiêm Xuân (chi 2) cho nhiều bộ phim truyền hình, cảm xúc lại ùa về trong bà... "Phim quay ở nhà tôi thì nhiều lắm nhưng ấn tượng mà tôi nhớ nhất là một phân cảnh trong phim "Bác Cả người sung sướng" của đạo diễn Trần Lực. Đây là một trong những bộ phim đầu tiên được quay, lấy bối cảnh ở nhà tôi, hay cảnh quay phim "13 nữ tù" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh khiến tôi không kìm được nước mắt", bà Yên tâm sự.
Hơn 20 năm qua, hàng loạt phim về đề tài nông thôn như: Khi đàn chim trở về, Gái một con, Xuân cồ, Vị tướng tình báo và hai bà vợ, Bác Cả người sung sướng… cùng các chương trình "Gặp nhau cuối tuần" đều lấy bối cảnh ở làng và nhà thờ Nghiêm Xuân đã trở thành mái nhà thân thiết của các đoàn làm phim và bà con chòm xóm.
Nhà cổ là nơi làm bối cảnh của nhiều đoàn làm phim
Nhờ tài nấu nướng, nội trợ giỏi, bà Yên thường được các đoàn làm phim nhờ làm cơm nước hộ. Cũng vì vậy mà được mệnh danh là "chị nuôi" tốt bụng ở "làng phim Holywood Việt Nam" và nhà thờ Nghiêm Xuân trở thành câu lạc bộ phim ảnh với sự tham gia nhiệt tình của người làng, từ các cụ già đến trẻ nhỏ.
"Những ngày đoàn làm phim mới về, thấy lạ, dân làng kéo đến xem đông lắm. Rồi làng mình, ông nọ, bà kia được lên tivi thì ai cũng thích đóng phim và muốn nhà mình có trong phim", bà Yên nhớ lại những ngày đầu đoàn làm phim đến nhà.