Nữ chủ nhân giải thưởng 12 tỷ đồng tại VinFuture: "Nhiều người cho rằng tôi không đủ thông minh để trở thành nhà khoa học"

Minh Hằng |

GS Pamela C. Ronald, chủ nhân của giải thưởng đặc biệt VinFuture 2022 dành cho nhà khoa học nữ, chia sẻ nhiều người cho rằng bà không đủ thông minh để trở thành nhà khoa học, nhưng bố lại phủ nhận điều này.

GS Pamela C. Ronald tại Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ Gen tại Đại học California, Davis (Mỹ), người phân lập thành công loại gen giúp cây lúa có thể chống chọi với điều kiện ngập nước kéo dài, đã xuất sắc vượt qua nhiều nhà khoa học để trở thành người thắng Giải thưởng Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của VinFuture 2022.

Sinh ra ở Mỹ trong một gia đình có cha từng là người tị nạn, hơn ai hết, GS Pamela C. Ronald hiểu rõ về tầm quan trọng của lương thực, thực phẩm, và mong muốn được giúp đỡ mọi người có được cuộc sống tốt đẹp, thân thiện với môi trường hơn.

Hành trình trở thành một nhà khoa học nữ thành công của GS Pamela cũng được nuôi dưỡng từ những năm tháng thời thơ ấu, trong gia đình có một người bố đặc biệt.

Bố mẹ chính là nguồn cảm hứng để bà Pamela trở thành một nhà khoa học. Bố của bà là một người nhập cư và ông đã đạt được nhiều thành công. Do đó, ông luôn cho rằng con cái của mình nên giúp đỡ mọi người. Đây được coi là một mục tiêu rất quan trọng trong cuộc đời ông.

"Cảm hứng của tôi đối với thế giới tự nhiên là sự kết hợp từ sở thích của mẹ tôi đối với thực phẩm, nông nghiệp, và kinh nghiệm của bố tôi khi phải trải qua cuộc sống tị nạn nhiều khó khăn", bà Pamela chia sẻ.

Nữ chủ nhân giải thưởng 12 tỷ đồng tại VinFuture: Nhiều người cho rằng tôi không đủ thông minh để trở thành nhà khoa học - Ảnh 1.

GS Pamela trong chương trình giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022, ngày 21/12. Ảnh: VFP

Có một thứ đặc biệt mà GS Pamela được gia đình nuôi dưỡng từ nhỏ. Đó là sự tò mò về khoa học. Phần lớn nhà khoa học đều là đàn ông và nhiều người cho rằng bà không đủ thông minh để làm công việc nghiên cứu. Nhưng bố bà lại làm điều ngược lại.

"Bố luôn thúc ép các con phải tìm hiểu mọi thứ nhiều hơn. Chẳng hạn, bố thường nói với tôi rằng: Tại sao con lại tin vào đó? Ai nói với con như vậy? Đừng chỉ làm theo những gì người khác nói, hãy tự mình tìm hiểu…", GS Pamela nhớ lại.

Chính vì từng gặp nhiều khó khăn trong việc học hành vì là người tị nạn nên bố của GS Pamela quan tâm rất nhiều đến việc các con của mình được giáo dục tốt.

"Tôi không lo mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền"

Nữ chủ nhân giải thưởng 12 tỷ đồng tại VinFuture: Nhiều người cho rằng tôi không đủ thông minh để trở thành nhà khoa học - Ảnh 2.

GS Pamela đến với nghiên cứu khoa học một cách rất tự nhiên. Ảnh: colorado.edu

GS Pamela đến với con đường nghiên cứu khoa học một cách rất tự nhiên. Bà yêu thích vùng hoang dã. Vào mỗi mùa hè khi còn thơ ấu, bà cùng anh trai của mình thường đi khám phá xung quanh dãy núi Sierra Nevada, để được ngắm nhìn và học hỏi về thực vật.

"Chính niềm yêu thích đối với thực phẩm, nông nghiệp và mong muốn được sử dụng những kỹ năng chuyên môn đã giúp tôi tìm được phương án để hỗ trợ cho những người nghèo nhất thế giới", bà Pamela kể.

Ngoài ra, việc kết hôn với một người làm nông nghiệp cũng là lý do khiến GS Pamela yêu thích ngành này hơn.

Hơn nữa, điều giúp nữ chủ nhân của Giải Đặc biệt VinFuture 2022 tiến xa trong sự nghiệp khoa học hóa ra là do bà không thực sự lên kế hoạch trước một cách quá kỹ lưỡng. Thay vào đó, bà chỉ từng bước đi theo con đường mà mình quan tâm và cảm thấy hào hứng.

"Giờ đây khi nhìn lại, tôi nghĩ đó hóa ra lại là một cách tiếp cận rất tốt, ít nhất là đối với bản thân tôi. Bởi tôi không quá lo lắng về việc mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền hay sẽ sống ở đâu. Tôi chỉ đi theo khoa học và cảm thấy may mắn vì mình có thể làm điều đó", Gs Pamela bộc bạch.

Bước đột phá với giống lúa "không sợ nước"

Nữ chủ nhân giải thưởng 12 tỷ đồng tại VinFuture: Nhiều người cho rằng tôi không đủ thông minh để trở thành nhà khoa học - Ảnh 4.

GS Pamela đã phân lập được gene lúa đặc hiệu (Sub1A) để tạo ra các giống lúa năng suất cao có khả năng chống chịu được ngập úng. Ảnh: UC Davis

Gs Pamela từng nghiên cứu về thực vật. Nhưng khi bắt đầu sự nghiệp sau này, bà quyết định nghiên cứu về giống lúa gạo, vì đây là nguồn thực phẩm của một nửa dân số thế giới.

"Tôi hy vọng rằng một số đóng góp của tôi có thể hữu ích cho những người nông dân và gia đình họ, đôi khi là những người có mức sống dưới 3 USD/ ngày. Ước mơ của tôi là giúp đỡ những người nông dân trồng lúa. Tôi may mắn được làm việc với một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyệt vời để có thể giúp đỡ nông dân ở Nam Á và Đông Nam Á", GS Pamela chia sẻ.

Các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra hàng trăm giống lúa gạo khác nhau. Nhưng theo GS Pamela, điều quan trọng là phải tìm ra được giống lúa có khả năng chống chịu với lũ lụt. Thông thường, các giống lúa sẽ bị chết sau 3 ngày bị ngập nước. Nhưng trong thời gian gần đây, công trình nghiên cứu của bà và các nhà khoa học tại Viên Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) thì đã tìm ra giống lúa mới có khả năng chống chịu được ngập nước trong 2 tuần.

Trước đó, vào năm 1995, đồng nghiệp có mời bà tham gia dự án cô lập loại gene Sub1A trong loại lúa có khả năng chống chịu ngập nước này. Bà và các nhà khoa học đã cùng làm việc với nhau.

"Chúng tôi rất hài lòng vì đã cô lập và tách thành công gene của loại lúa này để kết hợp với các loại khác, từ đó tăng khả năng chịu ngập nước. Loại lúa có khả năng chịu ngập này đã được Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) đưa vào các giống lúa khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, trước mắt giống lúa này phù hợp ở Bangladesh, Ấn Độ", GS Pamela chia sẻ.

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, theo GS Pamela, các chuyên gia chắc chắn cần phải tìm ra giống lúa không những chịu được ngập lụt mà còn chịu được mặn.

Thách thức lớn nhất đối với một nhà khoa học nữ

Bất cứ ngành nghề nào thì cũng có những thách thức riêng, và khoa học cũng không ngoại lệ. Trong lĩnh vực khoa học, những thách thức mà GS Pamela từng gặp phải chẳng hạn như những thí nghiệm không đúng ý mình, hoặc đôi khi chán nản, nản trí.

Đặc biệt, khi là một người phụ nữ làm khoa học thì đôi khi còn nhiều khó khăn hơn gấp bội.

"Tôi có lúc cảm thấy mình không thể hòa nhập trong các cuộc họp, hội nghị. Thậm chí có khi họ không nói chuyện với tôi vì nghĩ tôi chỉ là một người sắp xếp chuyến bay. Tôi thậm chí không được nhìn nhận như một nhà khoa học. Họ không nói chuyện với tôi về khoa học trong các hội nghị, họ hỏi tôi về những thứ khác. Có rất nhiều ví dụ khác khiến tôi có thể cảm thấy nhút nhát và cô đơn khi là một nhà khoa học nữ", GS Pamela nhớ lại.

Nữ chủ nhân giải thưởng 12 tỷ đồng tại VinFuture: Nhiều người cho rằng tôi không đủ thông minh để trở thành nhà khoa học - Ảnh 5.

Chủ nhân của giải Đặc biệt VinFuture 2022 muốn gửi gắm thông điệp rằng, phụ nữ cần tham gia vào nghiên cứu khoa học. Ảnh: MH

Đối với một nhà khoa học nữ, việc cân bằng giữa công việc và gia đình đương nhiên là rất khó. Tuy nhiên, theo GS Pamela, nếu nhà khoa học nữ có tình yêu đủ lớn ở cả hai lĩnh vực là nghiên cứu khoa học và chăm sóc gia đình thì vẫ sẽ làm được.

"Tôi may mắn là chồng tôi rất tận tâm với gia đình. Chúng tôi sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, tôi còn có bố mẹ giúp đỡ. Với các bạn trẻ, khoảng thời gian khó khăn nhất là khi con còn nhỏ. Vì các bé ở nhà nên chúng ta sẽ bận rộn nhiều hơn. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ linh hoạt để cân bằng điều đó", GS Pamela chia sẻ.

Sau khi đạt giải Đặc biệt VinFuture 2022, GS Pamela chia sẻ: "Tôi vinh dự và vui mừng nhận giải thưởng này. Tôi cho rằng cả phụ nữ lẫn đàn ông đều cần tham gia vào khoa học. Tôi thực sự hy vọng rằng những phụ nữ trẻ tuổi sẽ quan tâm nhiều hơn đến khoa học, vì chúng ta thực sự cần nhiều bộ óc hơn, nhiều người hơn cùng suy nghĩ về cách giải quyết những thách thức to lớn của xã hội. Hơn nữa, tôi muốn gửi thông điệp rằng các bạn trẻ hãy cứ theo đuổi khoa học đi. Khoa học cần các bạn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại