NSƯT Hạnh Thúy không ngần ngại bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về những vấn đề nhạy cảm liên quan chuyện làm nghề cũng như của giới nghệ sĩ.
Cần thiết những điều cấm kị trong làm phim!
Chị nghĩ gì về dòng phim giang hồ, tội phạm hiện nay của Việt Nam, bao gồm cả truyền hình, điện ảnh lẫn Youtube?
Bản thân tôi không thích lắm dòng phim này, bất kể phiên bản nào nên ít theo dõi. Tuy nhiên, có một thời gian trên Youtube rất phổ biến các series phim về giới giang hồ, tất nhiên, cũng có những câu chuyện xúc động, nghĩa hiệp nhưng các hình ảnh đánh đấm bạo lực cũng không thiếu.
Tôi thật sự lo ngại cho một bộ phận khán giả nhỏ tuổi khi xem các phim này, bởi Youtube không quá khó để bất cứ em bé nào chỉ biết từ khóa, đọc hay gõ cũng có thể tìm ra, và tôi nghĩ, những khán giả này bị ảnh hưởng là điều khó tránh.
NSƯT Hạnh Thúy.
Thế giới cũng ưa làm về chủ đề này, thậm chí rất bạo lực nữa là khác, nhưng họ có cách kiểm soát đối tượng khán giả phù hợp.
Còn ở Việt Nam, việc này chưa sát sao nên bản thân tôi nghĩ, cần phải cân nhắc số lượng đầu phim, các cảnh đánh đấm cũng phải được liều lượng ở mức độ vừa phải trong mỗi sản phẩm, và nhất thiết phải giới hạn đối tượng khán giả một cách hiệu quả.
Tôi được biết, làm phim bị hạn chế hình ảnh quá bạo lực, nói tục chửi bậy, hút thuốc, uống rượu bia...vv Với kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề, từ vai trò diễn viên tới đạo diễn, biên kịch, chị có thể chia sẻ rõ hơn về những điều "cấm" công khai hoặc không công khai khi làm phim để phim dễ dàng được duyệt phát sóng?
Những hình ảnh không khuyến khích lên sóng truyền hình lẫn sân khấu là những cảnh hút thuốc lá, sản phẩm thuốc lá, hình ảnh sản phẩm rượu, uống rượu, bạo lực, máu me, hở hang da thịt, yêu đương… bởi rất nhiều phim chiếu trên sóng truyền hình vào các giờ phim gia đình.
Tuy nhiên, cũng không phải cấm 100%. Vì có những nhân vật, tình tiết buộc phải thể hiện điều đó thì mới ra được tình huống, ý đồ câu chuyện. Tất nhiên, các nhà sáng tác luôn tự hiểu phải tiết chế tối đa, làm sao để vẫn ra ý đồ mà không mang xu hướng hay nội dung bạo lực, phản cảm.
Họ phải ý thức để "liều lượng" sao cho không vướng vào những điều cấm kị. Tôi nghĩ điều này cần thiết vì tác phẩm truyền hình vào những giờ vàng thường được cả gia đình đón xem, trong đó có đối tượng trẻ em.
Nói thật, chính tôi cũng vài lần khó xử khi cùng con gái nhỏ xem mà thấy những cảnh như đã nói ở trên nên sau này, tôi thường hay tìm hiểu trước nội dung, thậm chí cả hình ảnh khi xem phim cùng con. Với các bạn đã lớn thì dễ hơn nhưng với các bạn nhỏ cả người làm ra tác phẩm lẫn người thưởng thức tác phẩm đều cần chỉn chu và chọn lọc.
NSƯT Hạnh Thúy không chỉ nổi tiếng với vai trò diễn viên, chị còn làm đạo diễn, tác giả kịch bản và tham gia công tác giảng dạy diễn viên trẻ. Trong ảnh, nữ nghệ sĩ cùng dàn diễn viên phim "Thương con cá rô đồng" trên phim trường.
Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ ra đời, cảm giác như bị "tuýt còi" nhưng...
Mới đây, một đại biểu quốc hội nhận định: "Hiện một số phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật. Vị đại biểu này còn lấy phim "Người phán xử" làm ví dụ và cho rằng, sau khi VTV chiếu phim này thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Chị nghĩ gì về nhận định này?
Chúng ta đều biết, chức năng của nghệ thuật là giáo dục, nhận thức, định hướng thẩm mỹ. Những tác động của nghệ thuật vào cuộc sống đã được nhiều minh chứng qua thời gian.
Nếu cho rằng, chỉ một bộ phim mà làm thay đổi xã hội thì có lẽ hơi quá lời nhưng sự tác động phần nào là có.
Bộ phim đó được một đơn vị sản xuất phim rất uy tín cho ra đời, vấn đề gai góc nhưng được gia công chỉn chu với chất lượng phim có, có ý nghĩa về mặt xã hội, đã được khán giả yêu thích, đón nhận, được nhiều giải thưởng uy tín thì không thể là một bộ phim chỉ mang tác động tiêu cực được.
Ý kiến nói trên về vấn đề tác động xấu của bộ phim đến xã hội, có thể chỉ là một góc nhìn chủ quan thì cần có những căn cứ, minh chứng cụ thể. Vì nếu không, sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhiều người, cụ thể là những người làm phim ảnh.
Hạnh Thúy cho hay, khi nghe có bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, chị có buồn nhưng đó cũng là điều cần thiết, bởi nghệ sĩ là một nghề đặc biệt, cũng là "công dân đặc biệt" và được quan tâm nhiều.
Những ngày qua, khán giả và giới nghệ thuật cũng rất quan tâm tới dự thảo Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ. Mong chị cho biết cảm nghĩ của mình về vấn đề này? Tại sao không phải là doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư… có Bộ quy tắc ứng xử mà lại là nghệ sĩ?
Như đã nói, tôi có buồn khi nghe có một "Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ" ra đời vì một vài sự vụ không hay, xảy ra gần đây liên quan đến giới nghệ sĩ. Cảm giác như bị "tuýt còi". Nhưng nghĩ thoáng ra, đây là một sự ghi nhận giá trị của một nghề đặc biệt, dùng uy tín làm thước đo, như luật sư, bác sĩ cũng có bộ quy tắc ứng xử cho từng nghề.
Cứ coi như là khuôn mẫu, chuẩn mực đạo đức mà pháp luật chưa điều chỉnh kịp hết với những gì thực tế xảy ra, từ đó có cơ chế xử lý những hành vi sai phạm, nếu có thôi. Nghệ sĩ là dạng "công dân đặc biệt" nên được quan tâm nhiều. Và nếu có sai phạm, nhất thiết phải được nhắc nhở, xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!