Mới đây, chương trình "Lời tự sự" của VTV3 lên sóng với khách mời là NSND Hoàng Cúc - nữ nghệ sĩ nổi tiếng màn ảnh tập niên 80 và gần đây là vai diễn trong phim Hoa hồng trên ngực trái với vai mẹ chồng Hồng Diễm.
Một cảnh trong phim Hoa hồng trên ngực trái của nghệ sĩ Hoàng Cúc và Hồng Diễm.
Trong chương trình, nghệ sĩ Hoàng Cúc đã trải lòng về những biến cố trong cuộc đời, khoảng thời gian bà vất vả mưu sinh với nghề và 10 năm hạn chế hoạt động nghệ thuật để điều trị bệnh ung thư.
Từng bị kỷ luật vì trốn đi làm phim
Thời gian vắng bóng, tôi không làm phim, không diễn kịch. Tôi gặp bạo bệnh và phải chữa bệnh để duy trì sức khỏe. Có một số người nói là: "Hay là Hoàng Cúc đã ở ẩn?" nhưng không phải bởi tôi vẫn có nhiều đam mê lắm.
Nhưng tôi không muốn xuất hiện với một hình ảnh tiều tụy nên thời gian đó tôi vẫn làm công việc nào đó cho bản thân và những sở thích, đam mê của mình.
Khoảng thời gian đó là 10 năm, nếu là thanh xuân là mất đấy, nhưng tôi đã qua nửa thanh xuân rồi, đang ở tuổi xế chiều nên vẫn tĩnh lại để hiểu bản thân hơn.
Trước khi gặp hoàn cảnh đó, đam mê sân khấu đối với tôi chưa bao giờ tắt cả. Cứ phân vai là tôi làm thôi, làm chí tử, thậm chí là tốn rất nhiều sức khỏe.
NSND Hoàng Cúc sinh năm 1957. Bà tham gia nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bỉ vỏ, Hồi chuông màu da cam... và gần đây là Hoa hồng trên ngực trái.
Có thời kỳ khi về nhà hát, tôi chỉ có 46kg, đi lên sân khấu phải độn cả mông và ngực. Tôi có nói với Hoàng Dũng và anh Hồng Sơn là: "Tại sao chúng mình gầy thế nhỉ? Hay tại thời bao cấp đói ăn?".
Làm sân khấu kịch nhiều quá không có đủ sức khỏe nữa, rồi làm cả diễn viên truyền hình.
Buổi sáng đi lên đoàn tập kịch, buổi trưa chạy rất nhanh đến truyền hình để diễn những vở kịch lấy tiếng trực tiếp, buổi tối lại đi diễn sân khấu cho khán giả xem.
Thậm chí, nhiều khi còn xin một lá đơn lấy lí do con ốm để trốn đi đóng phim ở ngoài. Đóng phim nhưng đến giờ lại phải hộc tốc trở về để kịp suất diễn bắt đầu vào 8h tối.
Thật ra các nghệ sĩ của Việt Nam, nhất là miền Bắc được gọi là "nghệ sĩ bao cấp". Lúc bấy giờ, có vở kịch tôi đóng 4 vai, sau khi diễn xong ra sân khấu không thở nổi. Thế nhưng nghệ sĩ bao cấp lương không đủ ăn một bát phở, lương không đủ tiền nuôi con.
Có lẽ chính vì "trong cái khó ló cái khôn", ai mời truyền hình là đi làm hết, trốn làm kịch để đi đóng phim. Thậm chí tôi từng bị kỷ luật vì chuyện đó.
Khi sân khấu kịch đến thời kỳ suy thoái, các nghệ sĩ phải bung ra. Ở đoàn nhà hát kịch Hà Nội, anh Hoàng Dũng thì đi bán quần áo trẻ con ở phố Hàng Đường, chị Minh Vượng thì bán giày dép, anh Hồng Sơn cùng với vợ mở tiệm quần áo cưới.
Tôi thì cũng mở tiệm quần áo cưới. Nhưng rất may mắn là khoảng thời gian tôi mở tiệm quần áo cưới, rất nhiều người đến xem ủng hộ. Tôi cũng làm nghề trang điểm cho cô dâu, rất nhiều người tìm đến.
Năm đầu tiên tôi đã có một thu hoạch lớn lắm. Tôi nhớ rằng làm 1 năm thôi đã mua được xe Dream Thái.
Mỗi con người sinh ra đều có một cái nghiệp. Tôi đam mê nghiệp diễn từ tấm bé. Về sau cũng đấu tranh được đi học bài bản, rồi đi học kịch. Đó chính là cái nghiệp mà tôi không thể từ bỏ.
Trong cuộc sống, ai cũng trải qua giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử. Cuộc sống sóng gió thì không ai tránh được. Thời bao cấp đè nặng thì người nghệ sĩ phải bươn chải, nhưng không thể nào bỏ nghề được, khi nhà hát đỏ đèn thì lại quay về.
Khi hóa trị đến mũi thứ 6, tôi sụp đổ hoàn toàn
Tôi có một đam mê là thích xem bóng đá. Ở đoàn kịch Hà Nội, tôi cũng chơi với bạn trai nhiều hơn bạn nữ. Hiện giờ thì tôi thân với Minh Vượng nhất. Các em thì hay nói chuyện về son phấn, túi xách quần áo, tôi cảm thấy mình không nói chuyện được.
Sau này kể cả làm lãnh đạo, tôi cũng không ngồi trong nhà hát mà ra quán cà phê ngồi. Tôi không thích sự gò bó mà không mang lại hiểu quả gì.
Trong cuộc sống tôi ít khóc lắm. Trên phim, trên kịch các nhân vật ùa về làm tôi khóc, đôi khi nước mắt cứ trào ra.
Nhưng trong cuộc sống, khi bệnh nặng nhất, các con sợ, mọi người sợ, có những người thân thiết đứng chết lặng, mặt tái mét, tôi chỉ nhìn họ xong phì cười.
Khi hóa trị đến mũi thứ 6, tôi sụp đổ hoàn toàn, hóa trị xong tôi phải mua tảng đá lạnh to như viên gạch để trên đầu nóng cho bớt nóng. Cảm giác như có con bạch tuộc nó cào cấu cơ thể mình, tôi nghĩ là trận chiến này sắp kết thúc rồi.
Khi các con làm bữa cơm ngon cho mẹ ăn thì tôi cũng chạy vào ôm toilet, không dám gọi các con. Nhiều lúc nghĩ có lẽ mình sắp chết đến nơi nhưng cũng không dám gọi cấp cứu, tự nhủ rồi cũng sẽ qua.
Tôi cảm nhận được cuộc sống khốn khó của mình và mình phải chiến thắng trong trận này. Không có lý do gì để mình chết một cách lãng xẹt vì một căn bệnh.
Tôi thấy mình cần có một sự hiểu biết, tôi đọc sách để hiểu thêm khi bị bệnh ung thư ngực thì phải ăn gì, uống gì, tập gì.
Tôi lắng nghe cơ thể nhiều hơn sau quãng thời gian quá dài không để ý đến nó. Trước đó chị tôi bị basedow (bệnh cường giáp), sống trong nhà tôi, chết ở nhà tôi, tất cả những thứ đó dồn nén lại khiến tôi cảm thấy mình không còn sức khỏe nữa.
Nghệ sĩ Hoàng Cúc bên gia đình con trai.
Tôi hiểu mình cần có hiểu biết hơn để rèn luyện bản lĩnh. Hiện tại, tôi chưa hồi phục, nhưng tôi vừa trải qua 2 cuộc phẫu thuật. 30 Tết tôi đi cấp cứu nhưng không cho ai biết cả, chỉ có chồng và 2 đứa con biết.
Tôi đi ra máu rất nhiều, siêu âm thì có kết quả là có ruột thừa, nhưng nó to mà chưa vỡ vì tôi có u ở bàng quang.
Trong một lúc tôi làm 2 ca mổ nội soi. Đến bây giờ tôi vẫn phải chạy thuốc. Tôi vẫn hay đùa là ruột thừa thì xong rồi nhưng bàng quang thì sắp thủng, phải mổ, phải khâu.
Trước đây khi chưa bị bệnh tôi rất hay rủ bạn đi nhậu, bây giờ cũng thế, cứ cuối tuần là kiểu gì cũng rủ một đám bạn đến nhà chơi, trò chuyện.
Trong một cuốn tiểu thuyết tôi đọc được có câu "trông chết cười ngạo nghễ" cho nên tôi xem cái chết không có gì đáng sợ. Cứ sống vui hôm nay đi, chuyện ngày mai tính sau. Ngày nào mình còn cảm thấy vẫn vui được thì cứ vui.
Thời điểm bị bệnh, tôi hay đi xoa bóp, bấm huyệt ở các cơ sở của người khiếm thị. Tiếp xúc với họ tôi thấy mình học được nhiều thứ lắm. Họ không nhìn thấy nhưng họ hiểu biết và sống lạc quan lắm. Chính họ đã khiến tôi thay đổi rất nhiều về nhận thức.
Vợ chồng phải "phu thê tương kính như thân"
Tôi sống một cuộc đời bình lặng. Trước đây, nhà hát kịch Hà Nội rất thân với anh, tôi là người thân với anh đầu tiên.
Anh cũng có gia đình, vợ anh mất. Tôi thì không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đi bước nữa. Tôi sống với con dâu, con trai trong mộ mái nhà êm ấm, có 2 cháu đáng yêu vô cùng. Tôi hài lòng với cuộc sống đó và có rất nhiều lịch trình đi du lịch, từ thiện...
Nghệ sĩ Hoàng Cúc trong Hoa hồng trên ngực trái.
Tôi quen với cuộc sống đó và cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Tôi không dại gì lập gia đình với một người tôi không quý trọng, không yêu thương. Và càng không thể nào đi tới một cuộc hôn nhân mà hạnh phúc đó không thuộc về mình.
Nhưng mọi thứ đến có lẽ bởi duyên phận. May mắn là duyên phận đó đến với mình hoàn hảo. Dẫu có thế nào thì vợ chồng vẫn cứ phải “phu thê tương kính như thân”, cái đó mới duy trì được hôn nhân lâu dài và sống hoà hợp với nhau được