Nord Stream-2 mang đến sự cô lập cho người Đức?

Thanh Bình |

Tờ Bild viết, Mỹ đang đe dọa Đức bằng các biện pháp trừng phạt đối với dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” (Nord Stream-2), trong khi Berlin không có kế hoạch phản ứng.

Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Năng lượng của Quốc hội Đức, ông Klaus Ernst mới đây đã gửi thư cho các đồng nghiệp người Mỹ kêu gọi từ bỏ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại dự án Nord Stream 2.

Theo đó, nghị sĩ của Đảng Xanh, bà Claudia Müller cho rằng, trong vấn đề này chính quyền Đức thấy mình bị cô lập hoàn toàn. Không có đối tác châu Âu nào muốn “lên thuyền” cùng với Đức. Nord Stream-2 đang ngày càng biến thành thảm họa chính sách đối ngoại.

“Bất kể họ đến từ đất nước nào”, bà Morgan nhấn mạnh. Tờ Bild cho rằng, đây là một cảnh báo rõ ràng cho các công ty Đức Wintershall DEA và Uniper.Theo Bild, cuộc xung đột giữa Đức và Mỹ về đường ống dẫn khí “Dòng chảy Phương Bắc-2” tiếp tục leo thang. Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus cho biết, nếu Đức không lùi bước, các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với các doanh nghiệp liên quan đến dự án.

Mới đây, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng chỉ trích và bác bỏ những đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ đối với dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc-2” của Nga tới Đức, đồng thời khẳng định “Chính sách năng lượng châu Âu được thực hiện ở châu Âu”.

Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Liên bang Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas cho rằng bằng cách công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty ở châu Âu tham gia dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2”, Chính phủ Mỹ đang coi thường quyền và chủ quyền của châu Âu.

Ông Heiko nhấn mạnh chính sách năng lượng của châu Âu được thực hiện ở châu Âu chứ không phải ở Washington, đồng thời tuyên bố Berlin bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt bên ngoài lãnh thổ. Ngoại trưởng Đức cũng cho biết trong những tuần gần đây, Berlin đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Washington khi Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch thắt chặt đạo luật trừng phạt nhằm vào dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng vùng Liên bang Mecklenburg-Vorpommern, ông Christian Pegel kêu gọi Berlin thực hiện “các biện pháp nghiêm túc và hữu hình”.

Tuy nhiên, đánh giá theo phản hồi của Bộ Kinh tế Liên bang đối với yêu cầu của các chính trị gia từ Đảng Xanh, chính quyền Đức chưa có kế hoạch nào về vấn đề này. Tài liệu nói rằng các hình phạt của Mỹ đang được thảo luận với các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan đối ngoại châu Âu và Ủy ban châu Âu, nhưng vẫn chưa có quyết định nào.

Theo nghị sĩ của Đảng Xanh, bà Claudia Müller, phản ứng trên cho thấy đây không chỉ là dấu hiệu của sự bất lực của chính quyền Đức, mà chính là sự cô lập mà người Đức sẽ rơi vào.

“Không có đối tác châu Âu nào muốn “lên thuyền” cùng với Đức. Nord Stream-2 đang ngày càng biến thành thảm họa chính sách đối ngoại”, bà Müller nói.

Đồng thời, đồng chủ tịch Đảng Xanh, bà Annalena Baerbock cũng phản đối dự án, nhưng vì lý do môi trường hơn là vì lý do địa chính trị: “Chính sách năng lượng của Châu Âu cần nhắm mục đích loại bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch. Dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” phải bị hủy bỏ, bao gồm cả lý do bảo vệ khí hậu. Chúng ta cần một chính sách năng lượng không phụ thuộc vào Nga hay Mỹ”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra những cảnh báo mới về khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những công ty có liên quan đến dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” và đường ống thứ hai của Dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream) kéo dài từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố những dự án này không đóng vai trò thương mại mà đóng vai trò là công cụ của Moscow để khiến châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trạng mạng xã hội Twitter, ông Peter Beyer, Điều phối viên Chính phủ Đức về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đã kêu gọi Washington trao chủ quyền năng lượng toàn diện cho châu Âu.

Đáp trả lại tuyên bố của ông Pompeo, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết EU phản đối Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với các dự án của khối này.

Ông Josep Borrell nói rằng EU kiên quyết phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ đối với dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, vì nó ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty châu Âu.

“Các biện pháp trừng phạt như vậy là đi ngược lại luật pháp quốc tế”, ông Borrell cho biết.

Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích Mỹ đang “gây sức ép quá đáng” với hoạt động thương mại của châu Âu mà các công ty Nga cũng tham gia.

Trên thực tế, các biện pháp ngăn cản từ Washington đã tác động không nhỏ tới việc hoàn thiện dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” mà cả châu Âu và Nga đều mong chờ. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn tất cuối năm 2019, nhưng sau đó bị ngừng trệ do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng các hạng mục của công trình này. Điều đó khiến Công ty Allseas của Hà Lan - Thụy Sĩ phải từ bỏ thi công.

Không chỉ liên quan đến việc xây dựng, lệnh trừng phạt còn ảnh hưởng tới các cá nhân và tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ kiểm tra hoặc chứng nhận hoạt động của đường ống dẫn khí, cũng như mua khí đốt của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại