“Nóng và lạnh”: Pháp tham vọng biến cuộc khủng hoảng xuyên Đại Tây Dương thành cơ hội?

Thu Hoài |

Chuyến thăm Pháp của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tạo cơ hội hòa giải hai bờ Đại Tây Dương, nhưng mặt khác cũng cho thấy tham vọng ngày một rõ của Pháp về một nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn và ít phụ thuộc hơn.

Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP

Hoàn toàn nằm ngoài dự liệu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào phút chót vẫn quyết định dành cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một cuộc gặp chính thức tại Điện Elysee nhằm “khôi phục niềm tin” giữa hai đồng minh sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm khiến Paris kinh ngạc xen lẫn tức giận và cuối cùng là quyết định lần đầu tiên trong lịch sử hai nước triệu hồi Đại sứ về nước.

Thông cáo của Điện Elysee nêu rõ, hai quốc gia đồng minh đang tiếp tục phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm, cho dù đó là hợp tác EU- NATO hay tại điểm nóng Sahel ở châu Phi hay khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá là cuộc gặp là tích cực.

“Các cuộc trò chuyện mà chúng tôi đã có với Pháp trong 24 giờ qua rất tích cực và hiệu quả, phản ánh rất nhiều công việc quan trọng đang được tiến hành nhằm làm sâu sắc hơn các cuộc tham vấn, tăng cường hợp tác, phối hợp trong một loạt các vấn đề tạo ra sự khác biệt thực sự cho công dân Pháp và công dân Mỹ”, ông Blinken nói.

Theo các chuyên gia, giờ không phải là thời điểm để xác định lại quan hệ giữa các đồng minh. Đối với Pháp, thách thức là phải biến những cuộc khủng hoảng này từ sự hủy bỏ hợp đồng chế tạo tàu ngầm, liên minh mới giữa Mỹ- Anh và Australia hay việc Mỹ vội vã rời khỏi Afghanistan, thành cơ hội cho châu Âu.

Tổng thống Emmanuel Macron muốn tận dụng thời điểm quý giá này để có được sự công nhận rõ ràng của Mỹ đối với những tham vọng của châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng, tức có khả năng hoạt động độc lập bên cạnh NATO.

“Châu Âu và Mỹ có những điểm hội tụ, song cũng có sự khác biệt. Điều quan trọng là Châu Âu phải nói chung một tiếng nói, đó là tiếng nói của chính mình”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.

Trên thực tế, không phải đợi đến chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/9 đã phần nào làm người đứng đầu nước Pháp hài lòng.

Theo Điện Elysee, Mỹ công nhận tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn, đóng góp tích cực vào an ninh toàn cầu và là một sự bổ sung cho NATO.

Tuy nhiên, lời kêu gọi “Hãy là chính mình” của người đứng đầu nước Pháp lại đang gây chia rẽ trong khối 27 nước thành viên Liên minh châu Âu.

Trong khi các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Thủ tướng Italy Mario Draghi chia sẻ quan điểm rằng không có sự mâu thuẫn giữa việc tăng cường năng lực của châu Âu và sự tôn trọng đối với các liên minh, đặc biệt là liên minh xuyên Đại Tây Dương, thì các nước Bắc Âu và Baltic lại không khỏi hoài nghi và muốn duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương theo cách như hiện nay.

Từ Washington, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có phần gay gắt khi chỉ trích những nỗ lực tạo ra các cấu trúc cạnh tranh với NATO, có nguy cơ làm suy yếu và chia rẽ Liên minh Đại Tây Dương.

Theo ông Stoltenberg, cả Mỹ và châu Âu đều buộc phải thích ứng bởi lợi ích của hai bên không phải lúc nào cũng trùng khớp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại