Phóng viên Sky News có mặt gần bãi thử Punggye-ri cho biết họ nghe thấy một tiếng nổ lớn tại khu vực này. Ông Tom Cheshire, phóng viên Anh duy nhất được mời đến Triều Tiên chứng kiến việc tháo dỡ cho biết:
"Chúng tôi (nhóm phóng viên) đã chứng kiến vụ nổ cách vị trí của đoàn 500 mét, khi đang leo lên núi".
"Họ bắt đầu đếm - một, hai, ba." "Sau đó đã có một vụ nổ rất lớn, bạn có thể cảm thấy điều đó dù không đứng gần. Cát, bụi, và sức nóng táp thẳng vào mặt bạn. Tiếng nổ cũng rất lớn nữa". "Một đài quan sát đã bị đánh sập hoàn toàn".
Ông Cheshire cho biết, đoàn phóng viên nước ngoài đã di chuyển 12 tiếng qua đêm trên một đoàn tàu toàn cửa kính đen, trước khi di chuyển 1 giờ bằng xe buýt đến gần bãi thử Punggye-ri.
Trong khi đó, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời các phóng viên nước này có mặt tại hiện trường cho biết, họ đã nghe thấy một loạt tiếng nổ lớn bắt đầu từ lúc 11 giờ sáng đến 4 giờ 17 phút chiều hôm nay (theo giờ địa phương).
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ nổ ở bãi thử hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Cách đây ít phút, hãng tin CGTN của Trung Quốc cũng đã đưa tin về việc Triều Tiên tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Các phóng viên nước này cho biết chính quyền Bình Nhưỡng đã thông báo về việc hoàn thành phá hủy bãi thử Punggye-ri, tuy nhiên theo họ, kết quả này chưa thể được công nhận nếu như không có các chuyên gia hạt nhân chứng kiến vụ việc.
Còn theo phóng viên CNN có mặt tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri để chứng kiến quá trình tháo dỡ, ít nhất 3 hầm thử hạt nhân, các đài quan sát, xưởng đúc kim loại và các khu nhà đã bị phá hủy. Cụ thể, các hầm số 2, 3, và 4, cùng ít nhất 7 công trình khác tại Punggye-ri đã bị đánh sập trong ngày hôm nay, phóng viên CNN xác nhận.
Phóng viên Igor Zhdanov của hãng tin RT (Nga) tại hiện trường tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã xác nhận việc địa điểm này bị phá hủy hoàn toàn, với nhận xét rằng các vụ nổ rất "ấn tượng". Tất cả các công trình tại địa điểm này đều đã bị đánh sập, bao gồm các trại lính và các bốt kiểm tra an ninh.
Phóng viên này cho biết, các thiết bị hạt nhân đã được chuyển đi khỏi cơ sở này trước khi quá trình tháo dỡ bắt đầu được tiến hành. Anh nhận định rằng động thái này của chính quyền Triều Tiên là "hành động thực tế để chứng tỏ cho thế giới rằng họ đã thực sự nhượng bộ".
Bãi thử Punggye-ri tại Kilju, phía Bắc tỉnh Hamgyong, được coi là một trong những cơ sở quan trọng nhất trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cùng với tổ hợp Yongbyon.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân được tiến hành tại bãi thử này, kể cả lần thử nghiệm gần đây nhất hồi tháng 9/2017.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA thông báo nước này đã "hoàn toàn" phá hủy các công trình và đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân.
"Viện Nghiên cứu Hạt nhân Triều Tiên đã hoàn thành việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ngoài các đường hầm thử nghiệm, các công trình khác như chòi canh gác và đài quan sát cũng đều được phá hủy," hãng KCNA thông báo.