Cập nhật 22h20: Ecuador công bố nguyên do hủy quy chế tị nạn
Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paula Romo cho biết, quy chế tị nạn cấp cho Julian Assange đã được hủy bỏ vì có đủ bằng chứng cho thấy ông Assange can thiệp vào công việc nội bộ của Ecuador nhằm gây bất ổn cho chính phủ nước này.
Bộ trưởng Romo cũng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Lenin Moreno trước đó rằng ông Assange liên tục vi phạm quy định cư trú của đại sứ quán.
"Trong suốt vài năm nay, một trong những thành viên chủ chốt của WikiLeaks, đồng thời là nhân vật thân cận với Assange đã sống tại Ecuador", Romo nói trong buổi họp báo, người này "làm việc chặt chẽ và hay di chuyển với Ricardo Patino (cựu Thủ tướng Ecuador) tới Peru, Tây Ban Nha và Nga".
Cập nhật 20h57: Tòa án Anh kết tội Julian Assange
Thẩm phán Anh Michael Snow đã kết tội Julian Assange vì vi phạm các điều kiện tại ngoại sau khi ông này không trình ra được bằng chứng phản bác. Theo đó, ông Assange được cho là đã không tuân thủ lệnh bắt giữ của tòa án Anh vào 22/6/2012, khi ông phải đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục từ Thụy Điển.
Assange sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 12 tháng tù giam với tội danh này. Thẩm phán Snow cho biết ông Assange sẽ bị tuyên án vào tháng tới tại Tòa án Southwark.
Phát biểu trước Tòa Sơ thẩm Westminster của Anh sau vụ bắt giữ, luật sư của ông Assange khẳng định, nhà sáng lập WikiLeaks có lý do hợp lý khi vi phạm quy chế bảo lãnh của Anh nhưng cũng nói thêm rằng ông Assange sẽ không trình ra những bằng chứng ấy.
Thẩm phán cũng cho biết, yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ đối với Assange sẽ được xem xét sau, vào ngày 12/6 tới. Hiện giờ ông Assange sẽ bị giam giữ theo quy định.
Cập nhật 20h00: Cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ
Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố cáo buộc nhằm vào nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange với tội danh "cùng Chelsea Manning âm mưu xâm nhập máy tính và đánh cắp dữ liệu mật". Ông Assange có thể phải đối mặt với mức án 5 năm tù giam tại Mỹ nếu bị tuyên có tội.
"Julian P. Assange, 47 tuổi, nhà sáng lập WikiLeaks đã bị bắt giữ hôm nay tại Anh theo Hiệp ước Dẫn độ Anh/Mỹ, liên quan tới cáo buộc liên bang về âm mưu xâm nhập máy tính vì đồng ý phá mật khẩu đối với một máy tính mật của chính phủ Mỹ", thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ.
Chelsea Manning là một cựu quân nhân Mỹ, người từng bị kết án hồi 2013 vì để rò rỉ hơn 725.000 tài liệu mật của chính phủ Mỹ cho WikiLeaks sau thời gian phục vụ ở Iraq năm 2009.
Cập nhật 19h15: Ecuador hủy quy chế tị nạn, tư cách công dân của Julian Assange
Nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange đã bị cảnh sát đưa ra khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London, nơi ông cư trú trong 7 năm qua.
Sự việc xảy ra sau khi quy chế tị nạn của ông bị tổng thống Ecuador Moreno hủy bỏ. Bộ Ngoại giao Ecuador cũng tuyên bố hủy tư cách công dân Ecuador mà ông Julian Assange vừa được cấp vào cuối năm 2017.
Julian Assange bị bắt tại đại sứ quán Ecuador. Ảnh: Reuters
WikiLeaks đã cáo buộc Ecuador vi phạm luật quốc tế khi hủy bỏ quy chế tị nạn đối với Assange. Đăng tải trên Twitter, trang này tuyên bố: "Ecuador đã hủy bỏ quy chế tị nạn chính trị đối với Assange một cách bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế".
Trả lời phỏng vấn AFP, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho rằng: "Bằng hành động trục xuất ông Assange ra khỏi đại sứ quán, chính quyền Ecuador đã tạo điều kiện cho giới chức Anh bắt giữ ông này, đưa Assange tới gần hơn khả năng bị Mỹ dẫn độ", chuyên viên LHQ Agnes Callamard khẳng định.
Cập nhật 18h30: Assange bị theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ
Theo thông cáo của Cục Cảnh sát Anh (MPS), Julian Assange đã bị bắt giữ theo yêu cầu của chính quyền Mỹ, vào lúc 10h53 sau khi ông này tới một sở cảnh sát ở trung tâm London. "Đây là lệnh dẫn độ theo Khoản 73 của Luật Dẫn độ", MPS nêu rõ trong thông cáo. Cơ quan này cũng cho biết ông Assange phải ra Tòa Sơ thẩm ở London.
Thông tin này đã được luật sư của ông Assange xác nhận. Đăng tải trên Twitter, luật sư Jen Robinson cho biết, hành động bắt giữ Assange ở London không "chỉ vì vi phạm điều kiện bảo lãnh mà còn liên quan tới yêu cầu dẫn độ của Mỹ".
Nhà sáng lập WikiLeaks bị cảnh sát London lôi ra khỏi ĐSQ Ecuador.
Quan hệ của ông Assange với các quan chức Ecuador dường như đã trở nên căng thẳng hơn rất nhiều kể từ khi vị tổng thống Ecuador đương nhiệm lên nắm quyền từ năm 2017. Ông Assange đã không được sử dụng Internet từ tháng 3 năm ngoái với lí do rằng để ngăn ông này "can thiệp chuyện nội bộ của các quốc gia có chủ quyền".
Ông Assange đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào năm 2010 khi WikiLeaks công bố những hình ảnh bí mật về binh sĩ Mỹ. Trong đó, có cảnh trực thăng Mỹ xả súng vào thường dân, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 phóng viên Reuters và làm 2 em nhỏ bị thương.
Đoạn video nói trên, cũng như những dữ liệu ghi chép lại về hoạt động của Mỹ tại Iraq, Afghanistan và khoảng 200.000 thông tin ngoại giao khác, đã được tiết lộ bởi lính Mỹ có tên Chelsea Manning. Cô này đã bị xét xử và nhận án tù giam 35 năm vì tội làm lộ các tài liệu tối mật.
Năm 2017, sau 7 năm trong tù, Manning đã được tổng thống Barack Obama ân xá. Hiện tại, cô vẫn chưa được thả vì từ chối ra làm chứng trong phiên tòa xét xử bí mật trong vụ việc liên quan đến WikiLeaks.
RT cho hay, việc ông Assange ở lại Đại sứ quán Ecuador trong 7 năm qua được cho là vì nhà sáng lập WikiLeaks lo ngại sẽ phải chịu sự xét xử không công bằng từ phía Mỹ cho vai trò của ông này trong việc tung ra những tài liệu mật của Mỹ.
Nỗ lực của ông Assange trong việc tránh bị dẫn độ đã hoàn toàn thất bại. Năm 2012, ông Assange trốn phiên điều trần và tới Đại sứ quán Ecuador xin tị nạn. Đại sứ quán đã cho ông Assange tị nạn chính trị, được bảo vệ khỏi sự bắt giữ từ chính quyền Anh và sau đó cấp cho ông quyền công dân Ecuador.
Trong những năm qua, ông Assange rất hiếm khi xuất hiện. Các nguồn tin cho hay chỉ thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh ông qua cửa sổ của ĐSQ Ecuador và tại những phòng phỏng vấn bên trong công trình này. Sức khỏe của ông Assange đã sụt giảm trong nhiều năm qua trong khi các phương án chữa trị y tế đều bị hạn chế vì ông không thể rời khỏi ĐSQ Ecuador.
WikiLeaks phải chịu trách nhiệm vì đã công bố hàng nghìn tài liệu với thông tin bí mật của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm vụ việc liên quan tới nhà tù ở Vịnh Guantanamo.