22h, mặt trời khuất bóng từ lâu. Cái nắng không còn nhưng cái nóng thì vẫn bủa vây các bệnh nhân khu "xóm chạy thận". Tên xóm phần nào nói lên sự khốn khó của các bệnh nhân đang điều trị ngoại trú ở Bệnh viện Bạch Mai mà người dân phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặt cho con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị.
Chúng tôi có mặt trong khu ngõ, lúc này, phòng trọ nào cũng tắt điện tối om, cửa phòng thì vẫn mở. Dọc theo con ngõ, nhiều bệnh nhân đang ngồi hóng gió. "Mọi người tiết kiệm điện nên tắt chứ nóng lắm chưa ai ngủ được đâu", chị Nguyễn Thị Sự (38 tuổi, quê Phú Thọ) nói vọng ra.
Chị Sự liên tục dùng khăn lau giường
Đã qua 22h, nhưng không khí trong căn phòng nhỏ hơn 10m2 của chị Sự vẫn ngột ngạt, oi bức đến khó thở bởi sự thiêu đốt của nắng hè suốt ngày dài. Chị Sự phải liên tục dấp nước vào chiếc khăn rồi lau lên giường để hạ nhiệt.
"Mấy ngày nay tôi chỉ ngủ được chừng 2-3 tiếng lúc rạng sáng. Cả ngày căn phòng cứ như cái lò nung, từ sáng đến đêm thời tiết nóng không sao ngủ được. Tối muộn, nhiệt độ giảm hơn chút, tôi cứ nằm cho đến khi mệt quá thì ngủ thiếp đi", chị Sự ngao ngán nói.
Chị Sự mong ngóng thời tiết mát mẻ trở lại
Thời điểm Hà Nội chưa cấm bán trà đá vỉa hè, hàng ngày, chị Sự pha ấm chè ngồi bán gần bệnh viện Bách Mai. Mỗi ngày cũng kiếm được vài chục lo tiền thuốc nhưng từ khi có quyết định cấm, cả ngày chị chỉ biết loanh quanh trong căn phòng nhỏ.
Cả phòng có mỗi chiếc quạt cũ đã mất vành là thiết bị làm mát duy nhất, nhưng khi bật quạt, hơi phả xuống càng nóng nên chị ít dùng. Không chịu được sự oi bức, chị Sự mang ghế ra ngõ ngồi ngóng trời mau mưa.
Bà Vũ Thị Ngát dùng thêm quạt tay, quạt cho chồng
Phòng kế bên, bà Vũ Thị Ngát (SN 1956, quê Nam Định) đưa chồng lên chạy thận đã được 15 năm, mệt mỏi nói, thời tiết oi bức khiến vợ chồng bà không thể ngủ nổi. Chồng bà là ông Ông Phạm Xuân Trường (SN 1954) đã điều trị 15 năm nên kinh tế gia đình kiệt quệ.
Như bao bệnh nhân khác trong xóm, ông bà Ngát đành sống chung với nóng.
Ông Phạm Xuân Trường vốn tiều tụy bởi bệnh tật, thời tiết oi bức khiến ông càng yếu bởi mất ngủ
"Ở xóm này có 130 bệnh nhân, hầu hết mọi người đã điều trị ở đây cả chục năm và xác định điều trị suốt đời nên đồng tiền ít ỏi chỉ để phục vụ nhu cầu tối thiểu là ăn, uống và mua thuốc. Nhiều nhà con cháu có lắp cho chiếc điều hoà nhưng không dám bật vì tiền điện lên tới 4.000/KW", bà Ngát xót xa nói.
Chiếc xe đạp và chiếc túi đựng vỏ chai là kế sinh nhai duy nhất của bà Ngát
Để có tiền lo cho sinh hoạt hàng ngày, bà Ngát tranh thủ đi lượm nhặt chai nhựa để bán đồng nát. Vào cuối tuần, thi thoảng lại có đoàn thiện nguyện cung cấp nhu yếu phẩm nên vợ chồng không đói.
"Tôi chỉ cầu trời cho thời tiết mát mẻ trở lại để chồng tôi và những người bệnh, người nghèo bớt khổ chứ không dám mong ước gì xa xôi", bà Ngát bày tỏ.
Bàn tay ông Trường nổi u, cục bởi quá trình chạy thận
Các căn phòng tối om, khi có khách các bệnh nhân mới bật điện. Họ tiết kiệm hết mức có thể, bởi phải trường kỳ chiến đấu với bệnh tật
Người phụ nữ dấp khăn ướt lên đầu để làm mát. "Bệnh nhân chạy thận không thể uống nhiều nước như bình thường, nên nắng nóng chúng tôi rất khó chịu", người bệnh chia sẻ
Những người đàn ông đều cởi trần, để bớt nóng
Chiếc quạt được đặt ngoài cửa để có thể lấy không khí mát thổi vào phòng
Những đồ dùng thô sơ của người dân "xóm chạy thận"
Chiếc quạt mất vành được treo sát trần trong phòng chị Sự, chị cũng ít dùng bởi càng quạt càng nóng
Tình hình dịch phức tạp khiến nhiều người bệnh mất kế sinh nhai, cuộc sống của nhiều bệnh nhân chồng chất khó khăn
Bà Dương Thị Hoài (66 tuổi, quê Nam Định), đã 11 năm sống chung với căn bệnh suy thận. Sợ mẹ vất vả, mấy người con gom góp mua cho mẹ chiếc điều hòa, nhưng bà chỉ dám bật nó lên mỗi khi các con đến chơi.
Còn ngày thường, dù nóng đến mấy, chiếc điều hoà vẫn nằm đó như vật trang trí. Nguyên nhân vì giá điện cao, các bệnh nhân phải tiết kiệm tối đa để chiến đấu trường kỳ với bệnh tật