Trong cuộc Chiến tranh Lạnh (1946-1989) diễn ra đầy căng thẳng suốt 4 thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô, cuộc chạy đua ra ngoài không gian của hai siêu cường - xét dưới góc độ tiến bộ khoa học - đã mang tới cho nhân loại những thành tựu vũ trụ đáng kinh ngạc.
Nếu như người Liên Xô mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ bằng hai sự kiện: Phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 năm 1957, và sự kiện đưa người (phi hành gia Yuri Gagarin) lần đầu tiên thoát khỏi lực hút của Trái Đất bay ra ngoài không gian năm 1961, thì người Mỹ làm chao đảo lịch sử bằng sự kiện đưa người lần đầu tiên đổ bộ Mặt Trăng năm 1969.
Có thể nói, trước khi thập niên 1960 khép lại, cả hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đã đóng góp cho nhân loại những bước tiến đầy ngoạn mục trên hành trình khám phá không gian. Chính những thành tựu thế kỷ 20 đó đã góp phần thúc đẩy hành trình khai phá không gian thế kỷ 21 nhanh chóng và khẩn trương hơn bao giờ hết(đọc chi tiết).
Đó là hào quang chúng ta dễ nhìn thấy được từ cuộc chạy đua không gian của Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh. Để có được sự công nhận của đối thủ cũng như sự ngưỡng mộ của cả thế giới, cả Mỹ và Liên Xô đều phải hao tổn rất nhiều sức lực, chất xám và tiền bạc. Rất nhiều chương trình bí mật của hai bên được triển khai nhằm "knock-out" đối thủ một cách bất ngờ nhất.
Tháng 7/1969, khi cả thế giới trầm trồ với chiến công đổ bộ Mặt Trăng mà phi hành đoàn Apollo 11 của Mỹ hoàn thành không thể xuất sắc hơn thì một Liên Xô đã phải ngậm ngùi lui vào "cánh gà" với kế hoạch bí mật gần như đi vào ngõ cụt. Kế hoạch ấy mang tên Luna-15, địch thủ trực tiếp của Apollo 11 trong cuộc so găng đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ-Xô.
Vậy, nếu như Apollo 11 thất bại thì Luna-15 của Liên Xô có cơ hội ghi tên mình vào lịch sử?
Nhờ có nhiều thành tựu vũ trụ tiên phong, Liên Xô rất tự tin và tỏ rõ tham vọng trong các chương trình khám phá Mặt Trăng và không gian. Ngay từ năm 1958, Moskva đã triển khai chương trình Mặt Trăng mang tên Luna. Luna program ra đời sớm hơn Chương trình Apollo của Mỹ những 3 năm.
Luna-1 của Liên Xô. Ảnh: Alexander Mokletsov/Sputnik
Chương trình Luna của Liên Xô kéo dài 18 năm (1958-1976), thực hiện vô số sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng, trong đó có nhiều sứ mệnh thất bại được chính phủ xếp vào hàng bí mật quốc gia.
Sứ mệnh hoàn hảo của Yuri Gagarin giúp Liên Xô tự tin khẳng định vị thế của một quốc gia tiên phong khám phá vũ trụ. Thừa thắng xông lên, năm 1959, Liên Xô phóng đi phi thuyền Luna-1, lần đầu tiên tiếp cận thành công vùng lân cận của Mặt Trăng. Năm 1959, Luna-3 chụp được những bức ảnh đầu tiên của bề mặt Mặt Trăng ở nửa tối.
Sau khi hay thông tin tình báo, Mỹ sẽ đưa người đổ bộ Mặt Trăng trên phi thuyền Apollo 11 ngày 16/7/1969, Liên Xô quyết định hành động không chậm trễ.
Và Luna-15 được giao sứ mệnh là phương tiện đầu tiền thu thập đất đá Mặt Trăng và đưa trở về Trái Đất để nghiên cứu. Tuy nhiên, sứ mệnh thực sự của Luna-15 hoàn toàn bí mật,thay vì công khai Luna-15 đổ bộ Mặt Trăng, Liên Xô chỏ úp mở về sứ mệnh quan sát và chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng. Nhiệm vụ này được thực hiện sớm hơn Apollo 11 của Mỹ 3 ngày.
Đối với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), sứ mệnh Luna-15 của Liên Xô rất kỳ lạ. Nếu Apollo 11 của Mỹ của lên đường đổ bộ Mặt Trăng, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hai vật thể cùng một lúc truyền tín hiệu vô tuyến từ Mặt Trăng về Trái Đất. Hơn nữa, NASA mới chỉ biết về Luna-15 ngay sát sứ mệnh Apollo 11 lên đường.
Lo sợ về sự can thiệp không mong muốn từ Liên Xô, cũng như những trục trặc trong hệ thống liên lạc của Apollo 11 với Trái Đất, NASA đã cử chỉ huy tàu Apollo 8 là nhà du hành vũ trụ Frank Borman thân chinh đến Liên Xô.
Frank Borman, phi hành gia đầu tiên của Mỹ đến thăm Liên Xô, vốn có sẵn mối quan hệ hữu hảo với Liên Xô, xác nhận rằng: Luna-15 sẽ không có bất kỳ cản trở gì về kế hoạch cũng như xung đột kỹ thuật với Apollo 11 trên Mặt Trăng.
Phi hành gia Liên Xô Gherman Stepanovich Titov (phải) và phi hành gia Mỹ Frank Frederick Borman (giữa). Ảnh: Alexander Mokletsov/Sputnik
Như vậy, tất cả đều được triển khai theo kế hoạch của đôi bên. Luna-15 của Liên Xô, khi phóng nặng 5 tấn, đã tiếp cận Mặt Trăng vào ngày 17/7/1969, 3 ngày trước khi Apollo 11 của Mỹ tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng.
Tuy nhiên, diễn biến sau đó xảy ra không tuân theo bất cứ kế hoạch nào của con người.
Vì trục trặc kỹ thuật, tàu Luna-15 bị mắc kẹt trong vùng quỹ đạo Mặt Trăng, trong khi đó Apollo 11 dễ đàng vượt qua và đổ bộ Mặt Trăng thành công.
Liên Xô về sau đã cố gắng giải mã nguyên nhân Luna-15 mắc kẹt trong vùng quỹ đạo Mặt Trăng, từ các lỗi trục trặc trên tàu cho đến trường hấp dẫn của Mặt Trăng, tuy nhiên, nguyên nhân cuối cùng đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Ngay cả khi phi hành đoàn Apollo 11 hoàn thành sứ mệnh và trở về Trái Đất an toàn, các kiểm soát viên của sứ mệnh Luna-15 vẫn đang vật lộn với các vấn đề phát sinh của Luna-15. Vào thời điểm Neil Armstrong và đồng đội của mình thực hiện những bước đi đầu tiên trên bề mặt Mặt Trăng, Luna-15 đã quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng không dưới 52 lần.
Hai giờ trước khi Apollo 11 rời khỏi Mặt Trăng, giới lãnh đạo Liên Xô quyết định "bây giờ hoặc không bao giờ": Đưa ra mệnh lệnh cho Luna-15 hạ cánh.
Toàn bộ quá trình hạ cánh của Luna-15 được ghi lại. Năm 2009, bản ghi âm này được công khai nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Apollo 11. Sau khi xem xét bản ghi âm, phía Mỹ sau này mới biết mục đích thực sự của Luna-15 là đổ bộ Mặt Trăng và đưa mẫu vật về Trái Đất nghiên cứu.
Tuy nhiên, không có kết thúc tốt đẹp như Apollo 11, Luna-15 "hẩm hiu" hơn nhiều. Đoạn ghi âm có đoạn: 4 phút sau, Luna-15 hạ cánh bằng cách đâm vào sườn núi trên Mặt Trăng.
Nhà sử học Asif Siddiqi, trong cuốn sách "Challenge to Apollo", đã viết: Có một điều trớ trêu trong toàn bộ sứ mệnh của Luna-15 là: Trên thực tế, cuộc đua giữa Luna-15 và Apollo 11 đã kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu.
Liên Xô muốn tiếp tục trở thành quốc gia tiên phong trong việc đổ bộ tàu không người lái xuống Mặt Trăng trước khi người Mỹ cho tàu có người lái chạm lên bề mặt vệ tinh này. Nhưng vì mắc kẹt ở quỹ đạo Mặt Trăng khiến cho quá trình hạ cánh chậm trễ mất 18 giờ, và thậm chí việc "hạ cánh" cũng không thể diễn ra theo nghĩa đen của nó, cuối cùng Luna-15 đã phải hứng chịu "cái chết" trên Mặt Trăng, trong khi Apollo 11 toàn thắng trở về!
Apollo 11, phi hành gia Buzz Aldrin. Ảnh: NASA
Tất nhiên, sau thất bại của Luna-15, chương trình thám hiểm Mặt Trăng Luna của Liên Xô vẫn tiếp tục, bất chấp thành tựu đỉnh cao mà Mỹ vừa lập được.
Đến năm 1976, với sự đổ bộ thành công của Luna-24, hành trình thám hiểm Mặt Trăng của nhân loại thế kỷ 20 cũng khép lại, thế giới không còn bất kỳ con tàu vũ trụ nào khác được phóng lên Mặt Trăng.
Kỷ nguyên vũ trụ và khám phá Mặt Trăng khép lại với thành tựu rực rỡ của Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Hào quang vốn dĩ luôn song hành cùng bóng tối, cả Mỹ và Liên Xô trong hành trình khẳng định niềm kiêu hãnh dân tộc đều phải nếm trải những thất bại cay đắng mà mãi sau này công chúng mới có cơ hội nghe đến.
Thời đại vũ trụ 2.0 của thế kỷ 21 đã đến, Mặt Trăng giờ đây không chỉ mang ý nghĩa thể hiện niềm kiêu hãnh dân tộc, vệ tinh tự nhiên của Trái Đất được ví như "vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ" này đang trở thành đích đến để nhiều công ty vũ trụ tư nhân và nhiều quốc gia trên thế giới nhắm đến nhằm phục vụ những mục đích kinh tế/lợi ích cũng như thực hiện những tham vọng khám phá không gian sâu hơn trong tương lai.
Cuộc đua làm giàu trên Mặt Trăng mới chỉ bắt đầu....
Bài viết sử dụng nguồn: Russia Beyond
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.