Nỗi thống khổ khốn cùng của cô dâu Việt ở Singapore: Bị chồng bỏ đói cả tuần, mang con đi trốn rồi lại về vì không biết trôi dạt nơi nào

L.T |

Lấy chồng nước ngoài để mong có cuộc sống giàu sang, an nhàn hơn nhưng đó dường như mãi chỉ là giấc mơ đối với nhiều cô gái Việt chấp nhận rời bỏ quê hương để kết hôn với đàn ông ngoại quốc.

Sau nhiều năm chịu đựng người chồng vũ phu và không được phép ra khỏi nhà, cô dâu người Việt tên Lyly (tên đã thay đổi), 30 tuổi, quyết định ly hôn để xây dựng cuộc sống mới.

Mới đây, cô dâu người Việt này đã có những chia sẻ thật với phóng viên Theresa Tan của tờ The Straits Times về cuộc sống như ngục tù với ông chồng người Singapore, 60 tuổi, làm nghề tài xế. Bà mẹ một con cho biết cô thường bị chồng đánh đập tàn nhẫn mỗi khi ông ta tức giận, say xỉn hoặc thua bạc.

Lyly ngậm ngùi kể: "Mỗi lần tôi hỏi xin ông ấy tiền để chi tiêu trong gia đình, ông ấy luôn nói tôi cần tiền để làm gì, để mang cho trai phải không".

Nỗi thống khổ khốn cùng của cô dâu Việt ở Singapore: Bị chồng bỏ đói cả tuần, mang con đi trốn rồi lại về vì không biết trôi dạt nơi nào - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Có lần, ông chồng vũ phu còn không thèm mua bất kỳ thức ăn nào cho cô và cậu con trai nhỏ của họ trong suốt một tuần liền. Sau khi nhà đã hết sạch thứ có thể bỏ vào bụng, Lyly tuyệt vọng gọi cảnh sát để được giúp đỡ.

Cô nói về những khó khăn khủng khiếp mà cô đã trải qua khi đó: "Tôi không biết chợ hay bến xe buýt ở đâu. Tôi không có tiền và cũng không có bạn bè".

Lyly đã cùng con trai bỏ trốn ít nhất 3 lần, nhưng khi chồng "xuống nước" xin lỗi và hứa thay đổi, cô lại mủi lòng mà quay về và thực tế thì cô cũng không còn nơi nào để đi. Rồi đâu lại vào đấy, ông ta tiếp tục đánh cô bất chấp lý do là gì. Cô dâu Việt, hiện đang làm phụ bếp, cho biết: "Con trai tôi rất sợ bố. Tất cả những vụ bạo hành ấy đều ảnh hưởng đến tâm lý thằng bé".

Sau đó, Lyly được giới thiệu gặp luật sư June Lim, người đã giúp cô làm thủ tục ly hôn miễn phí. Hiện cô có quyền giám hộ duy nhất đối với cậu con trai 6 tuổi mang quốc tịch Singapore. Chồng cũ của Lyly đã hủy bỏ "thẻ thăm viếng dài hạn" (tương tự như một giấy tạm trú dài hạn) mà cô được cấp sau cuộc ly hôn mới đây. May mắn là một người bạn đã hỗ trợ để cô có thể tiếp tục sinh sống tại Singapore. Lyly nói: "Nếu không có mọi người giúp đỡ, tôi không biết phải làm sao".

Nỗi thống khổ khốn cùng của cô dâu Việt ở Singapore: Bị chồng bỏ đói cả tuần, mang con đi trốn rồi lại về vì không biết trôi dạt nơi nào - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Singapore (MHA) nói với tờ The Straits Times rằng vợ/chồng người nước ngoài góa bụa hoặc đã ly hôn của người Singapore có quyền nuôi con chung. Đồng thời, những người được cấp quyền chăm sóc và kiểm soát con cái người Singapore dưới 21 tuổi của họ được phép sống ở Singapore cho đến khi đứa trẻ tròn 21 tuổi.

Đứa trẻ được sống với cha/mẹ, người được tòa án cho phép chăm sóc và kiểm soát đứa trẻ.

Người phát ngôn của MHA cho biết: "Điều này là để cho phép các bậc phụ huynh chăm sóc cho những đứa con mang quốc tịch Singapore của họ ở đây". Bên cạnh đó, nhóm người ngoại quốc này có thể được bảo lãnh đến Singapore bởi một người Singapore hoặc người trên 21 tuổi có hộ khẩu thường trú ở Singapore.

Người phát ngôn của MHA cho biết thêm, sau khi đứa trẻ tròn 21 tuổi, đứa trẻ có thể trợ cấp tiền cho cha/mẹ người nước ngoài của chúng, tùy thuộc điều kiện.

Một phát ngôn viên của Hiệp hội Luật sư Pro Bono Services cho biết điều quan trọng là Chính phủ Singapore phải công khai lập trường của mình về tình trạng nhập cư của vợ/chồng nước ngoài sau khi ly hôn.

Người này lưu ý rằng nhiều người vợ ngoại quốc đã phải “im lặng” khi bị chồng ngược đãi, sợ bỏ chồng, vì những người đàn ông thường đe dọa sẽ hủy bỏ "thẻ thăm viếng dài hạn" và buộc họ phải về nước mà không được mang theo con nếu họ muốn ly hôn.

Vào tháng 12 năm 2018, Hiệp hội Luật sư Pro Bono Services cùng bà June Lim, giám đốc điều hành của Công ty Luật Eden, đã bắt đầu Dự án LEAF (Trao quyền và Hỗ trợ Pháp lý cho vợ/chồng người nước ngoài).

Dự án thí điểm cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí cho vợ/chồng là người ngoại quốc đáp ứng các tiêu chí nhất định, chẳng hạn như hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 950 USD (21,9 triệu đồng) trở xuống.

Người phát ngôn của Hiệp hội Luật sư Pro Bono Services cho biết họ quyết định bắt đầu kế hoạch thí điểm này vì vợ/chồng người nước ngoài có con là người Singapore là nhóm "đặc biệt dễ bị tổn thương". Họ thường phụ thuộc vào bạn đời của mình trong tất cả các khía cạnh cuộc sống và họ có thể không có ai để giúp đỡ khi họ phải đối mặt với tình trạng bạo lực hoặc khi hôn nhân tan vỡ.

Bà nói: “Những người phối ngẫu ngoại quốc phải đối mặt với nguy cơ hồi hương thực sự nếu người phối ngẫu Singapore của họ ngừng giúp đỡ cho việc gia hạn thị thực. Vấn đề này đặc biệt gây bức xúc khi họ đã có con mang quốc tịch Singapore, những đứa trẻ sẽ phải rời khỏi đất nước hoặc bị chia cắt khỏi mẹ của chúng mà trong khi trẻ em rất cần có mẹ ở bên chăm sóc".

Bà June Lim cũng hiểu rằng nhiều người trong số những người vợ ngoại quốc này không đủ khả năng thuê luật sư và họ không đủ điều kiện nhận các chương trình trợ giúp pháp lý vì họ không phải là công dân Singapore.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại