“Nổi sóng” Mỹ, Nga trước viễn cảnh THAAD tại Đức

Minh Đức |

Ý tưởng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Đức có thể sẽ tạo nên những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ và Nga.

Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết, quân đội Mỹ đã tổ chức các cuộc thảo luận sơ bộ về việc lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đức, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu. Động thái này được đánh giá là sẽ tạo ra những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ và Nga.

Đề xuất gửi hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới châu Âu, được đưa ra trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung 2015 (JCPOA - hay được gọi tắt là thoả thuận hạt nhân Iran). Nó cũng xuất hiện vào giữa thời điểm đang có không ít ý kiến kêu gọi cần phải làm nhiều hơn nữa, để củng cố hệ thống phòng thủ trên không và tên lửa châu Âu.

Trong khi châu Âu và Mỹ luôn bất đồng về tương lai của thoả thuận hạt nhân 2015, cả hai bên lại cùng chia sẻ mối lo ngại về việc Iran tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo.

Tên lửa Shahab 3 của Iran đã có thể di chuyển quãng đường dài 2.000 km – đủ khả năng tiếp cận tới phía nam châu Âu. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran từng cho biết, họ sẽ tiếp tục mở rộng khoảng cách trên nếu cảm thấy bị đe doạ, bởi vì tầm bay của tên lửa là phụ thuộc vào các học thuyết chiến lược, chứ không phải là kìm hãm kỹ thuật.

Theo Riki Ellison, người đứng đầu tổ chức Liên minh Bảo hộ Phòng thủ Tên lửa, từ lâu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ đã thúc giục việc triển khai hệ thống THAAD tại châu Âu. Nhưng chính quyết định rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran đã khiến vấn đề trở nên đặc biệt cấp thiết.

Một quan chức quân sự cấp cao của Đức chỉ ra, cần phải lắp đặt thêm radar trên khắp châu Âu, để có thể theo dõi và kiểm soát các mối đe doạ tiềm tàng một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ lại phủ nhận những thông tin trên.

“Hiện tại không có kế hoạch nào cho việc lắp đặt hệ thống THAAD tại Đức. Chúng tôi không thảo luận các kế hoạch quân sự tương lai bởi vì chúng tôi không muốn đối thủ nắm được các dự định của mình. Đức vẫn là một trong những đối tác thân thiết và đồng minh mạnh mẽ nhất của nước Mỹ”, phát ngôn viên Lầu Năm góc Eric Pahon nói.

Việc triển khai một hệ thống phòng thủ khác của Mỹ tới châu Âu, có thể giúp trấn an các đồng minh NATO tại phía nam châu Âu – khu vực mà theo một quan chức quân sự địa phương, đã nằm trong tầm tấn công của tên lửa Iran.

Trong khi đó, chủ đề lắp đặt hệ thống THAAD tại châu Âu, xuất hiện vào thời điểm căng thẳng giữa phương Tây và Nga đang tiếp tục gia tăng.

NATO từ lâu đã khẳng định, chương trình tên lửa phòng thủ của khối không nhằm vào Nga. Tuy nhiên, các nước đồng minh đã thông qua một thái độ cứng rắn hơn với Moscow sau vụ việc một cựu điệp viên Nga bị trúng độc tại thành phố Anh.

Moscow từ chối mọi liên quan tới vụ đầu độc; đồng thời đổ lỗi những căng thẳng xuất phát từ việc NATO mở rộng hiện diện quân sự về phía đông và xây dựng một lá chắn tên lửa đạn đạo tại Romania vào năm 2016.

Kế hoạch lắp đặt THAAD tại Đức có thể dẫn tới một khoảng trống radar - gây ra bởi sự trì hoãn kéo dài tới 2 năm của dự án lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore thứ hai tại Ba Lan, theo dự kiến ban đầu là sẽ chính thức hoạt động vào năm nay.

Vấn đề này có thể sẽ xuất hiện trong bản báo cáo mới của Lầu Năm góc về hệ thống phòng thủ tên lửa vào đầu tháng 6 tới đây. Tom Karako, một học giả cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế đánh giá, Bản báo cáo có thể dẫn tới mối quan hệ thân thiết hơn giữa phòng thủ tên lửa và sự cần thiết phải ngăn chặn Nga – điều đã được nhấn mạnh trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ.

Thông điệp gửi tới các đồng minh châu Âu

Một quan chức quân đội Mỹ cho biết, đã có các cuộc nói chuyện ban đầu với nước Đức về việc xây dựng hệ thống THAAD tại căn cứ không quân Ramstein của quốc gia châu ÂU. Đây cũng là nơi đặt cơ quan đầu não của Không lực Mỹ tại châu Âu và Bộ Tư lệnh Không quân Liên minh NATO.

“Đó sẽ là một thông điệp chính trị gửi tới người dân châu Âu rằng, chúng tôi nghiêm túc trong việc bảo vệ đồng minh của mình,” quan chức trên phân tích. “Đánh giá ban đầu là Đức gần như chắc chắn không có vấn đề gì với triển khai THAAD”, Đại tướng Curtis Scaparrotti, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ phát biểu hồi tuần trước; đồng thời nói, ông vẫn tìm kiếm thêm binh lính và thiết bị để ngăn chặn Nga.

Nguồn tin khác tiết lộ, Bộ Quốc phòng Đức đang nghiên cứu việc tái xây dựng các hệ thống phòng thủ tầm ngắn và tầm trung của chính mình sau nhiều năm bị gián đoạn.

Từ cuối năm nay, Berlin sẽ lên kế hoạch xem xét các nhu cầu phòng thủ tên lửa theo một mô hình nghiên cứu mang tính khái niệm – từng được áp dụng cho THAAD và hệ thống chống tên lửa Arrao 3, do Israel và Mỹ xây dựng.

Bộ Ngoại giao Đức, cơ quan giám sát quân đội nước ngoài đóng tại Đức cho biết, họ không thể xác nhận về việc đã gửi đi tín hiệu cho kế hoạch triển khai THAAD tại Đức.

Washington không cần sự cho phép của Berlin để vận chuyển các thiết bị của THAAD. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, sẽ có một thông cáo chính thức trước khi bất kỳ động thái nào được bắt đầu.

Hệ thống THAAD do tập đoàn vũ khí Lockheed Martin sản xuất. Nó bao gồm radar Raytheon Co AN/TPY-2, có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại