Sau khi sửng sốt, hẳn có vị quan chức sẽ cả cười mà rằng: "Việc của một ông bí thư không phải là bắt cướp mà là chỉ đạo cả bộ máy công quyền ngăn chặn và phòng ngừa trộm cướp. Kiểu anh hùng cá nhân ấy chỉ nên có ở Hollywood mà thôi. Bao nhiêu phấn đấu mới lên được cái chức, rước nguy hiểm vào người làm gì?".
Công an dẫn giải một nghi phạm cướp giật tại Festival di sản Quảng Nam đêm 21-6. Ảnh: Tấn Vũ (Tuổi trẻ)
Dù mới là lần đầu ông bí thư bắt cướp, nhưng với dân Hội An, điều đó cũng chẳng có gì là ghê gớm. Họ biết, 30 năm lăn lộn thực sự ở mảnh đất này, anh hùng lao động Nguyễn Sự đã làm tất cả những gì có thể để Hội An trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn và an lành nhất thế giới.
Để chống mại dâm, 3 đêm liền ông đã đích thân cùng công an văn hoá đến tận nhà nghi có mại dâm chỉ để trà nước, chuyện trò "thân tình" đến sáng. Dù không một lần đề cập đến chuyện nhạy cảm kia, nhưng khách mua dâm thấy "công bộc" ngồi đầy nhà nên đều tìm cách lủi sạch. Chủ nhà tâm phục cách hành xử khác người của ông bí thư nên cũng kiên quyết bỏ nghề.
Để có một Hội An văn minh và huyền ảo như hôm nay, những năm đầu cả nhà Nguyễn Sự đã phải nghe chửi.
Nhưng ông bí thư không sợ chửi, ngay cả khi ông kiên quyết chỉ đạo đập bỏ hàng trăm ngôi nhà xâm phạm di tích. Thậm chí, có lần Nguyễn Sự còn thách đấu và giành thắng lợi trong một cuộc... thi chửi với một nữ tiểu thương đã vang danh về chửi.
Để bảo vệ người dân và di tích, Nguyễn Sự cũng đã nhiều lần đập bàn, bỏ họp giữa chừng hoặc đấu khẩu thẳng thừng với thượng cấp mà không hề nghĩ đến cái ghế của mình có thể bay bất cứ lúc nào.
"Tôi phải nói cho ra chuyện, còn không cho làm thì tôi về cuốc đất, sợ gì. Cái ghế là do cấp trên đặt, có phải của mình đâu mà mình cố giữ lấy" - ông tâm sự.
Việc bắt một tên cướp đêm chuyên giật dây chuyền, nếu so với những áp lực mà Nguyễn Sự đương đầu trong suốt 30 năm qua, thực sự chỉ là việc không đáng gì. Nó lại càng nhỏ nhoi hơn nếu so với thành tích chế ngự "cướp ngày" của ông.
Với Nguyễn Sự, quan tham ngày nay chính là bọn cướp ngày thời đại mới. Ông đã chế ngự thành công lòng tham của chính mình và của cộng sự mình.
Nguyễn Sự từ chối ô tô công đến đón đi làm vì "cảm thấy điều đó dị hợm đối với những người hàng xóm tảo tần vất vả".
Vợ chồng ông lặng lẽ sống nhiều năm trong căn nhà tạm bợ mượn của bố mẹ, cất bằng tre nứa, luôn dột nát, nhưng ông kiên quyết không ngậm miệng ăn tiền vì "đã làm quan thì phải đàng hoàng, không nhận thứ gì không phải của mình. Đừng đổ thừa đồng lương đạm bạc mà tham ô, bởi có ai buộc anh phải làm chức đó đâu?".
Hai người con học đại học ở TP. HCM phải thuê trọ nhiều năm trong một căn nhà cấp bốn vỏn vẹn 10m2, sống đạm bạc nhưng không một lần oán trách người cha đang nắm trong tay cả một di sản thế giới nhưng chỉ gửi được cho con vài triệu mỗi tháng.
Người vợ giáo viên của ông, ngoài thời gian giảng dạy vẫn chăn vịt, nuôi gà, trồng rau và tự kéo xe rau ra chợ bán kiếm mấy đồng bạc lẻ.
Vì thế, có thể hiểu được tại sao Hội An không có "cướp ngày". Và có thể hiểu tại sao ông Sự dõng dạc tuyên bố với toàn thể nhân dân cái điều mà rất hiếm quan chức khác dám tuyên bố: "Hội An tự hào vì có một đội ngũ lãnh đạo trong sạch. Chưa có một đồng chí nào lợi dụng chức vụ để lấy một tấc đất của dân. Bộ máy chính quyền hoạt động trơn tru vì không có ai lợi dụng việc công sách nhiễu, tước đoạt của dân."
Hội An có thể sẽ không còn cướp đêm và cướp ngày. Nhưng những nơi khác thì sao?
Đến khi nào báo chí lại được hân hoan đăng tải những tấm gương quan chức khác ra tay bắt cướp?