Nhưng với việc bắt đầu tiếp tục cuộc chiến thương mại đã buộc các tổ chức đầu tư phải đánh giá lại những rủi ro đầu tư, và những nỗ lực của Bắc Kinh có thể sẽ trôi theo dòng nước.
Daniel Kliman, nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới nói với đài VOA: "Trong một thời gian dài, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã giúp cung cấp vốn cho việc xây dựng chiến lược 'Vành đai, Con đường'."
"Nếu Washington thành công trong việc giảm mạnh thâm hụt thương mại với Bắc Kinh, khả năng đầu tư bằng đồng USD của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI có thể suy giảm."
Nhưng xét đến khối tài sản đô la rất lớn mà Trung Quốc nắm giữ hiện nay, đây sẽ là một quá trình chậm và dài hạn.
Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành áp thuế đối với Trung Quốc lần đầu tiên vào năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh là 3.14 nghìn tỷ USD. Đến tháng 10/2018, con số này đã giảm mạnh xuống còn 3.05 nghìn tỷ đô la Mỹ, chạm mức thấp nhất trong 18 tháng, nhưng sau đó hồi phục và chạm mức 3.12 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2019.
Sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản cuối tháng 6, tình hình thương mại Mỹ-Trung đã được xoa dịu.
Ông Trump đồng ý hoãn triển khai thuế quan mới đối với hàng Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh phải mua số lượng lớn nông sản từ Mỹ.
Tuy nhiên, thuế quan 25% áp lên 250 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc tiếp tục được áp đặt, trong khi khả năng hai nước đạt thỏa thuận thương mại vẫn khó lường bởi tổng thống Mỹ mới đây nêu thái độ bất mãn, do Bắc Kinh chưa thực hiện cam kết mua nông sản sau cuộc gặp Trump-Tập.
Triển vọng mơ hồ của thương chiến khiến các tổ chức tín dụng ngày càng thận trọng với các dự án của BRI, do lo ngại có thể chịu ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ. Họ quan ngại rằng chất lượng tín dụng của các công ty Trung Quốc đang cấp vốn hoặc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho BRI sẽ xuất hiện tình trạng xuống cấp.
Reuters hôm 8/7 dẫn lời một nhân viên ngân hàng cấp cao, có trụ sở tại Bắc Kinh: "Sau khi phân tích tác động tiềm tàng của chiến tranh thương mại đối với nhà đầu tư, chúng tôi đang cân nhắc từ chối cấp vốn cho một số dự án của 'Vành đai, Con đường'."
Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố, trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp phi tài chính ra nước ngoài của Trung Quốc tại 51 quốc gia trên "Vành đai, Con đường" giảm 5.1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 5.63 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẽ kén chọn hơn trong thúc đẩy sáng kiến BRI.
Ông Kliman nói, "Bắc Kinh có thể áp đặt các trình tự ưu tiên chặt chẽ hơn trong việc thực thi các dự án cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược."
Các chuyên gia thương mại chỉ ra rằng, trong trường hợp những dự án quy mô lớn khó thực hiện, Trung Quốc đứng trước rủi ro tài trợ cho một số dự án xấu, khiến các nước đối tác mắc nhiều khoản nợ khó thanh toán hơn, cũng như làm suy yếu thêm sức mạnh tài chính của Trung Quốc.
Dù còn tồn tại nhân tố bất ổn, các chủ ngân hàng vẫn bày tỏ sự quan tâm đối với các cơ hội đầu tư. Báo cáo nghiên cứu do ngân hàng đầu tư Nomura, Nhật Bản, công bố hôm 5/6 cho biết, khi Mỹ và Trung Quốc chuyển hàng hóa nhập khẩu giữa hai bên hướng sang những quốc gia khác, các nước Đông Nam Á có thể trở thành nơi nhận cơ hội thương mại và đầu tư.