Nhưng mà mới xuống Sài Gòn, có mỗi cái xe đạp, trường lại xa, ghét thì cũng cố mà đi.
Đi trên xe buýt lâu, tôi mới nhận ra, những người chấp hành luật giao thông tốt nhất lại chính là các bác tài lái ô tô, trong đó có xe buýt.
Vì mức phạt rất cao, nên các xe ô tô và xe buýt luôn cố sao đừng vi phạm giao thông. Việc dừng, đỗ của xe buýt hoàn toàn là do đặc thù. Trạm nào có khách vẫy, xe buýt mới dừng. Còn trạm không có khách lên hay xuống thì xe buýt chả việc gì phải dừng.
Thậm chí có những chuyến quá đông, hoặc trễ giờ, xe buýt còn không dừng đón khách, anh thu vé phải thò đầu ra cửa nói với hành khách dưới đường "xe đông quá, chờ chuyến sau nha".
Hình ảnh ghi nhận tại bến xe buýt đối diện Suối Tiên. Ảnh: Như Quỳnh.
Tôi tin chắc rằng rất nhiều độc giả căm thù xe buýt không hề biết rằng, việc dừng đỗ các loại xe khác tại điểm dừng đón khách của xe buýt bị pháp luật cấm và xử phạt đến 100.000 đồng/lần vi phạm đối với xe gắn máy và đến 500.000 đồng/lần đối với ô tô theo nghị định 34/2010/NĐ-CP.
Sẵn đây tôi nhắc luôn các anh chị ưng đặt bình trà đá từ thiện: Các anh chị đặt đâu thì đặt, làm ơn tránh trạm dừng đỗ của xe buýt ra, giết người đó.
Rất dễ nhận biết trạm xe buýt trên đường. Ở các trường học, bệnh viện, chợ búa thường có trạm dừng, đỗ xe buýt. Cứ thấy người đứng đông bên đường thì thường là trạm đón xe buýt. Gặp chỗ đông người, làm ơn cứ đi chậm lại, xe buýt không tấp vào thì biết đâu trong đám đông đó cũng có người lao ra.
Mà tôi thấy cũng lạ. Giữa đường xá đô thị, nếu không phải là xe buýt thì ai chạy xe máy cũng có thể tấp vào bất ngờ để mua gói thuốc lá, hay đạp phanh dừng lại giữa đường để nhặt 5 nghìn ai đó đánh rơi. Nguy hiểm lắm ai ơi. Chiếc xe bự như xe buýt, muốn nó thắng một cái dừng liền tại chỗ là điều không thể.
Chuyện những người bán hàng rong đứng đầy lề đường làm khuất mất điểm đỗ xe buýt lại hoàn toàn không phải là lỗi của xe buýt. Chỉ cần bất kỳ chỗ nào mà các anh chị sẵn sàng dừng lại mua hàng thì chỗ đó có người bán rong. Hãy nghe tôi, ghé vào siêu thị hay cửa hàng tiện lợi mua đồ, nói không với hàng rong, quán cóc trong vòng 5 năm, những điểm đậu xe buýt sẽ lồ lộ ra ngay.
Một điều không thể phủ nhận là hạ tầng giao thông của chúng ta đang quá tải. Sau giải phóng hơn 40 năm, trong nội đô, chúng ta vẫn đang sử dụng gần như hoàn toàn cơ sở hạ tầng của quy hoạch trước đó mấy chục năm, khi mà dân số ước tính ít hơn giờ vài chục lần.
Không như các nước phát triển Hàn, Nhật, Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống giao thông nội thị khá hoàn chỉnh, chúng ta vẫn đang đào đào lấp lấp từng mét đường một, trong khi lượng dân cư đổ về đô thị ngày một đông hơn. Do đó, đường sá ngày càng chật hẹp, ai cũng có cảm giác mình bị o ép, chứ thật ra, không hẳn xe buýt là nguyên nhân.
Mặc dù trên đà tuột dốc về số lượng người đi buýt do giá nhiên liệu giảm và các yếu tố khác, nhưng năm 2015, chỉ tính riêng xe buýt ở TP. HCM đã phục vụ tới hơn 334 triệu lượt khách. Với tần suất hoạt động mỗi ngày hàng nghìn chuyến đi về, vận tải đến hàng triệu lượt khách mà thi thoảng mới gây ra vài vụ tai nạn thì so với phương tiện cá nhân, tỉ lệ này là rất thấp.
Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2016, 75% số vụ tai nạn giao thông là do xe gắn máy gây ra. Còn tại Hà Nội, số vụ tai nạn do xe buýt gây ra từ đầu năm đến tháng 8/2016 là 10 vụ, trung bình hơn 1 vụ mỗi tháng.
Đành rằng có một số xe buýt chạy ẩu, lấn làn, lấn tuyến cho kịp giờ, nhưng không riêng xe buýt mới như vậy. Trong chính chúng ta, ai cũng có những lần làm vậy cả. Điểm qua vài vụ tai nạn do xe buýt gây ra thì lỗi phần lớn lại không thuộc về xe buýt.
Một người đi chậm hoặc dừng, đỗ vào vị trí bến đỗ của xe buýt để bị chèn chết hay một người cố lao theo buýt để lọt hố ga hoàn toàn là cá biệt, xin đừng đổ thừa cho buýt. Với những lối hành xử cẩu thả, không chết lần này thì chết lần khác.
Nói như vậy, không có nghĩa rằng, tài xế xe buýt không ai có lỗi. Việc trễ giờ, trễ chuyến là việc của các bác tài và cơ quan quản lý. Là người cầm lái, phía trước vô lăng là sự sống, thì không thể vì bữa cơm của mình hôm nay mà được quyền mạo hiểm với bữa cơm tối nay của người khác.
Ai cũng có công việc phải làm, và ai cũng muốn được lành lặn trở về nhà, hãy lái xe cẩn thận. Và các anh xe buýt ở đâu tôi không biết, riêng tuyến xe buýt số 27, đi An Sương – Công viên 23/9 có nhiều chiếc sử dụng còi rất đinh tai nhức óc, tôi nghe một lần mà choáng váng và ù tai cả mấy ngày. Nếu không thay đổi thì việc người dân chán ghét các anh cũng là việc không khó lí giải.
Giữa những sự xô bồ xô bộn trong cuộc sống vốn đã rối ren, thay vì cứ đổ lỗi cho nhau, cái cần làm là thay đổi ở hành vi và nhận thức của mỗi người.
Nếu chúng ta còn mua hàng rong, thì sẽ còn người bán hàng rong che khuất trạm dừng xe buýt.
Nếu chúng ta còn dừng, đỗ, di chuyển chậm trong khu vực đỗ xe buýt thì còn bị xe buýt chèn ép để dừng.
Nếu chúng ta còn bất cẩn, phóng nhanh, không giữ khoảng cách an toàn, thì chúng ta còn lao vào đuôi xe buýt.
Nếu chúng ta còn vượt đèn đỏ, thì chúng ta còn vô học. Suốt 4 năm đồng hành với buýt, tôi nhận ra, buýt không nguy hiểm, mà còn an toàn, ít ra là cho những người sử dụng xe buýt.
Chờ nhà nước quy hoạch đô thị, mở rộng đường xá thì còn lâu lắm. Đi xe buýt vừa tiết kiệm, vừa văn minh, vừa an toàn, sàn xe buýt thì cao, mùa mưa ở Sài Gòn cũng đỡ phải lội.