Tiền về ăn Tết bằng gần nửa tháng lương
Năm nay, Phương Hà (25 tuổi) lại đón Tết xa xứ. Đây là năm thứ 3, cô gái không đón năm mới ở Việt Nam. Hà tâm sự bây giờ cả hai vợ chồng cùng về là chuyện rất khó. Cô đành để con trai 8 tháng tuổi ở Việt Nam, đón Tết cùng ông bà.
"Cũng có nhiều lí do không thể về được. Chủ yếu là tiền vé về Việt Nam cao. Vé cho cả hai cùng về tầm 16 man tiền Nhật trong khi cả tháng kiếm được khoảng 40 man (1 man tương đương với khoảng hơn 2 triệu Việt Nam đồng).
Chưa kể còn tiền quà mang về biếu người thân, họ hàng. Mình làm ở siêu thị, muốn xin nghỉ về thì phải đăng kí lịch từ trước một tháng. Vì mọi người về đông một lúc thì không có ai làm, nên cũng khó sắp xếp công việc".
Tết đến, những nàng dâu xa quê lại dấy lên nỗi niềm khó tả.
"Ngày thường thì không sao, cứ Tết lại chạnh lòng. Không được gần bố mẹ, con cái, không được tự tay sắm sửa cho gia đình. Trước đây, hồi còn đi học, năm nào bố cũng đợi mình về mới đi mua đào, quất.
Bây giờ thì chỉ đón Tết qua màn hình điện thoại thôi. Nghe được tiếng, nhìn được mặt mà không ôm hay cầm tay được", 9x cho hay.
Để tránh cảm giác tủi thân, Hà còn đăng status lên Facebook, bảo bạn bè đừng… khoe ảnh sắm Tết.
Khác với Hà, chị Hoàng Mai (32 tuổi) không ăn Tết xa nhà hàng nghìn cây số, nhưng 3 năm nay, chị chưa được về nhà ngoại, đón Tết cùng bố mẹ ruột.
"Từ lúc lấy chồng đến giờ, năm nào mình cũng lên Lào Cai ăn trọn Tết. Từ nhà chồng về nhà mình ở Quảng Ninh cũng phải cách 700 km. Đi lại vất vả, con thì nhỏ. Năm đầu nhớ nhà lắm nhưng có em bé nên cũng đỡ đi phần nào. Nhưng càng sang năm thứ 2, thứ 3 thì thấy nhớ nhà nhiều hơn".
Càng cận Tết, khi người người nhà nhà gói ghém đồ đạc, về đoàn tụ cùng gia đình, những nàng dâu xa quê lại dấy lên cảm xúc khó tả. Cả một năm làm ăn bôn ba, vất vả, ai chẳng muốn về nhà mình, về với bố mẹ để được quan tâm, vỗ về và tận hưởng không khí gia đình ấm cúng.
Làm dâu xứ người được gần 20 năm, chị Hoài (quê Thái Bình) cũng đón nhiều cái Tết xa quê. Chồng chị là người miền Nam, nếp ăn Tết cũng có nhiều điều khác biệt.
"Trong này, Tết cứ nắng chang chang như mùa hè. Nhiều khi nhớ cái Tết có mưa phùn khắp nơi, nhớ cả mùi canh bóng bì, măng miến quen thuộc, rồi sáng mùng một Tết được rửa mặt bằng lá mùi thơm", chị tâm sự.
Nhiều nhà dùng lá thơm để tắm trong ngày cuối năm.
Năm nay, gia đình chị gói bánh tét theo truyền thống người miền Nam. Nhà không có chỗ, chị với chồng mang nồi bánh lên sân thượng và thay phiên nhau lên trông.
"Những lúc như thế lại nhớ ngày xưa. Hồi ấy, anh chị mình đi làm ăn xa trở về nhà. Ai cũng gác lại mọi chuyện dang dở để tập trung gói bánh, nói chuyện xuyên đêm không buồn ngủ".
Năm nào không về quê ăn Tết được, chị Hoài đều cố gắng gửi tàu cho con về quê đón Tết cùng ông bà.
Đón Tết phương xa, vui mấy cũng không bằng nhà
Điểm chung giữa những nàng dâu xa quê là cảm giác Tết nhà là nhất. Ăn Tết xa cũng khá đầy đủ nhưng cảm giác mang lại vẫn không trọn vẹn.
"Vợ chồng mình sang đây cũng có anh em họ, mọi người cùng nhau đón năm mới. Đồ ăn thì đặt trên mạng, cũng không thiếu gì. Ai cũng đi làm ngày 8-10 tiếng thì thời gian đâu mà tự nấu. Năm nào, mấy anh em cũng xin nghỉ chung ngày để tụ họp, quây quần bên nhau để đỡ nhớ nhà.
Đêm giao thừa thì cùng nhau đi chùa ở Nhật để cầu bình an. Ở Nhật, cố thức đến 2h sáng để chờ thời khắc chuyển giao năm mới theo giờ Việt Nam. Mình cứ canh giờ mẹ cúng giao thừa xong là gọi về chúc Tết, rồi nhìn mặt con", Phương Hà nghẹn ngào.
Anh em của Phương Hà tụ họp vào ngày năm mới, cùng nhau chia sẻ nỗi nhớ nhà.
Dù đón Tết xa quê, nhưng chị Hoài cũng thích thú với nhiều hoạt động vui chơi giải trí ở TP.HCM trong những ngày Tết. Đường phố trang hoàng rực rỡ, những con đường hoa ngập tràn sắc màu và không khí tưng bừng trên khắp các ngả đường. Sài Gòn không thiếu địa điểm vui chơi ngày Tết, chỉ có điều, chị vẫn thấy thiếu.
"Thiếu nhất là cảm giác đêm giao thừa, hàng xóm cùng nhau đi chúc rượu khắp các nhà. Ở quê, xung quanh toàn là người thân, họ hàng chứ không phải dân làm ăn tứ xứ, cảm giác thoải mái hơn hẳn. Người ở quê mình chân chất, mọi thứ đều tự nhiên và giản dị".
Còn đối với chị Mai, đón Tết ở nhà chồng là trải nghiệm đáng nhớ. Gia đình chồng chị ở thành phố Lào Cai, sinh hoạt cũng tương đối thuận lợi. Chị thích nhất là có người chị dâu hợp tính, thẳng thắn, giúp chị vơi nỗi nhớ nhà.
Đặc biệt, chị không thể quên những đêm giao thừa cùng chồng lên cửa khẩu ngắm pháo hoa. "Bên Trung Quốc đón năm mới sớm hơn mình một tiếng. Pháo bên đó rực rỡ lắm, họ thả cả đèn trời. Hầu như năm nào, hai vợ chồng cũng đi xem. Mấy ngày giáp Tết, hội chợ quanh đó cũng sầm uất nữa".
Chồng chị Mai là người tâm lý, thường đưa vợ đi du lịch nhiều nơi từ ngày mùng 3 Tết trở ra.
Tết phương xa, dù vui mấy cũng không bằng nhà.
Năm nay, chị Mai được về quê ngoại ăn Tết. Người phụ nữ không khỏi háo hức từ nhiều tháng trước Tết. "Từ nay, hai vợ chồng thống nhất là mỗi năm về ăn Tết một nơi. Chẳng biết có được không nhưng trước mắt cứ phải vui cho năm nay đã".
Với chị Mai hay những nàng dâu đang phải ăn Tết xa quê, đôi khi, trở về ăn Tết cùng gia đình lại như một đặc ân.
"Ở Quảng Ninh, mùng một ăn mực là chuyện bình thường. Năm nay, mình sẽ cùng mẹ đi chợ hải sản, ngày đầu năm dậy sớm, làm mâm cơm cúng sau đó đi chúc Tết các cụ già trong khu phố. Chỉ cần nghĩ đến việc được gần người thân cũng là vui lắm rồi!".