Nỗi lo tour giá rẻ, 0 đồng

Tâm An |

Các tour giá rẻ, khép kín cùng những người Hàn Quốc hoạt động du lịch trái phép tại Đà Nẵng đang là mối lo ngại cho du lịch bền vững.

“Các tour giá rẻ Hàn Quốc tồn tại từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có. Một khi công ty Hàn xuất hiện càng nhiều thì cuộc cạnh tranh càng khốc liệt, buộc các công ty phải giảm giá tour để cạnh tranh.

Giảm giá tour thì đương nhiên chất lượng dịch vụ du lịch phải giảm ” - một hướng dẫn viên (HDV) có bảy năm làm ở mảng Hàn Quốc nói.

Giá tour chạm đáy

Cách đây năm năm, giá tour thị trường Hàn Quốc khoảng 1.400 USD/khách nhưng hiện giá tour trung bình 300-400 USD/khách. Thậm chí một số HDV Việt đã làm cho các công ty chui Hàn Quốc bật mí, có thời điểm giá tour chạm mức 70-90 USD/khách.

Giá như vậy thì các công ty sẽ trang trải chi phí ăn ở, tham quan cho khách thế nào? Băn khoăn này được một lãnh đạo Chi hội HDV du lịch Đà Nẵng nhẩm tính: Khách Hàn đến Đà Nẵng theo tour giá rẻ thường chọn chương trình ba ngày hai đêm, trong đó một ngày tự do sẽ không phát sinh chi phí.

Về chỗ ở, họ sẽ cho khách ở khách sạn ba sao trở xuống, giá khoảng 800.000 đồng/hai đêm. Tiền ăn 4-5 bữa khoảng 700.000 đồng, thêm 500.000 đồng tiền xe là vừa hết. Nếu khách đi bốn ngày ba đêm, công ty du lịch sẵn sàng chấp nhận lỗ.

“Vậy thì tiền lời thu ở đâu? Ở việc kéo khách đi mua sắm và bán các option (các chương trình, dịch vụ ngoài chương trình tour - PV). Lợi nhuận từ chỗ này không hề nhỏ đâu.

Ví dụ: Vé lên Bà Nà 750.000 đồng/người thì họ thu của khách tới vài triệu đồng, du thuyền khoảng 120.000 đồng/vé thì bán cho khách khoảng 700.000 đồng. Như vậy, với việc lựa chọn tour giá rẻ, khách sập bẫy của công ty du lịch mà không hề biết” - ông này nói.

Nhiều HDV Việt cho hay để tiết kiệm tối đa chi phí tour, công ty, trưởng đoàn Hàn thường dẫn khách đến những điểm tham quan miễn phí và bỏ qua những điểm nổi tiếng nhưng phải mua vé.

Một lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ về trường hợp HDV Việt dẫn đoàn khách Hàn vào tham quan bảo tàng và bị phản ứng gay gắt từ trưởng đoàn Hàn. Sở dĩ trưởng đoàn Hàn tức giận do sợ nếu để khách tiếp tục tham quan thì đoàn sau cũng sẽ đòi vào bảo tàng khiến tour tốn thêm tiền.

“Cắt giảm tour là chính sách của một số công ty Hàn Quốc đối với tour giá rẻ” - anh Phan Văn Hiếu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thị trường khách Hàn Quốc, cho biết.

Nỗi lo tour giá rẻ, 0 đồng - Ảnh 1.

Trưởng đoàn Hàn Quốc đang thuyết minh tại điểm cảnh ở Đà Nẵng. Ảnh: T.AN

Tour khép kín, lợi nhuận khủng

Những năm qua, cùng với việc tăng nóng khách Hàn Quốc là số các nhà hàng ăn uống, mua sắm, spa mọc lên tại Đà Nẵng. Nhiều con đường như Phạm Văn Đồng, Hà Bổng, Hồ Nghinh, Dương Đình Nghệ… thậm chí được gọi vui là “khu phố Hàn Quốc”.

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Đà Nẵng đang có dấu hiệu chững lại. Theo thống kê, bảy tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 5 triệu lượt. Trong đó, khách Hàn ước đạt hơn 1 triệu lượt, chiếm tới 57% cơ cấu khách quốc tế.

Không ít cửa hàng trong số đó liên kết chặt chẽ với các công ty Hàn Quốc để tổ chức các tour khép kín thu lợi nhuận. Theo anh Hưng, một HDV tiếng Hàn, tiết lộ đây chính là nơi “hốt bạc” của công ty và trưởng đoàn Hàn vì giá hàng hóa thường cao hơn nhiều so với thị trường.

“Một chai noni nhỏ khoảng 200 USD là đã bị kê giá gấp đôi. Trong 200 USD đó, cửa hàng thu về 100 USD, công ty du lịch được 50 USD, trưởng đoàn Hàn nhận 50 USD.

Hay như một lần spa giá khoảng 930.000 đồng/người thì chủ spa chỉ nhận 220.000 đồng, HDV Việt được chia 20.000 đồng.

Riêng trưởng đoàn thì vừa ăn từ 930.000 đồng của khách, vừa ăn hoa hồng từ 220.000 đồng của spa. Nói chung ăn đủ đường” - Hưng dẫn chứng và cho biết nếu không đi theo đoàn thì rất khó vào bên trong cửa hàng.

Hưng tiết lộ thêm: “Mỗi trưởng đoàn sẽ có một mã riêng. Trước khi dẫn khách đến, ông ta gọi điện thoại báo số lượng khách, thời gian khách mua sắm rồi thỏa thuận luôn tỉ lệ hoa hồng. Hôm sau, khách rời khỏi cửa hàng là ông ta nhận được tin nhắn báo “ăn” bao nhiêu tiền”.

Vì đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu nên trưởng đoàn người Hàn phải dùng mọi chiêu trò để khách mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ.

“Trưởng đoàn Hàn nhiều khi chấp nhận bỏ tiền túi để mua thêm khách từ các công ty Hàn Quốc (thường là công ty chui - PV) vì đoàn càng đông, khách chịu mua sắm nhiều thì lợi nhuận càng lớn. Tuy nhiên, nhiều ông cũng méo mặt chịu lỗ vì gặp phải những tour khách ít mua sắm” - H. chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết ngành du lịch TP biết rõ việc các tour giá rẻ, 0 đồng sẽ khiến chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống.

Do đó, UBND TP mới đây đã có văn bản yêu cầu chi nhánh, công ty lữ hành nội địa và quốc tế thực hiện việc kê khai giá sàn các tour du lịch để kiểm soát, phát triển chất lượng các dịch vụ du lịch ngày càng tốt hơn.

“Thanh tra sở tới đây sẽ làm việc quyết liệt hơn để đảm bảo các tour du lịch được tổ chức theo đúng pháp luật Việt Nam” - ông nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở cũng cho biết Sở đã tham mưu UBND TP triển khai kế hoạch liên ngành huy động các cơ quan như Cục Thuế, công an, ngân hàng hỗ trợ ngành du lịch trong việc kiểm soát thị trường, tăng cường công tác chống thất thu thuế.

Đa dạng hóa thị trường

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, thị trường khách Hàn Quốc tăng nhanh nhìn tích cực là tín hiệu đáng mừng.

Vì ngoài tạo doanh thu, công ăn việc làm cho địa phương còn thể hiện quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi điểm đến phải có sự chuẩn bị về hạ tầng, nguồn nhân lực mới đáp ứng được sự tăng trưởng nóng này.

Để tránh rủi ro và từng bước hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn khách Hàn Quốc và Trung Quốc, Đà Nẵng đã sớm chủ động có kế hoạch đa dạng hóa thị trường. Trong đó tập trung vào các nước ASEAN, Ấn Độ, Úc và xa hơn là các nước châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại