Nỗi lo tán gia bại sản mang tên "viện phí" ở nền kinh tế lớn nhất thế giới: Triệu người phải ra nước ngoài điều trị bệnh nếu muốn sống

MINH NHẬT |

Chi phí y tế ở Mỹ từ lâu đã là "cơn ác mộng" khủng khiếp với nhiều người.

Bệnh tật chưa bao giờ là mong muốn của bất kỳ ai trên thế giới này nhưng nó cũng là điều luôn đến bất ngờ dù người ta có cố tránh đi chăng nữa.

Với những căn bệnh hiểm nghèo chưa có thuốc đặc trị hoặc chi phí điều trị quá lớn, người ta buộc phải chấp nhận sự thật "sống chung với lũ". Nhưng ở Mỹ, dù bệnh lớn bệnh bé, nặng hay nhẹ, chi phí điều trị y tế luôn là "gánh nặng" thực sự với người dân.

"Cơn ác mộng" tán gia bại sản

Một buổi sáng tháng Hai lạnh giá, Melissa Jackson nằm cuộn tròn trên sàn bếp. Cô gọi điện cho quản lý tại thẩm mỹ viện ở bang New Jersey để xin nghỉ phép không lương.

Đó là tuần thứ 6 liên tiếp cô kỹ thuật viên làm đẹp 39 tuổi này không thể làm việc toàn thời gian vì cơn đau ở xương chậu do căn bệnh lạc nội mạc tử cung.

Nỗi lo tán gia bại sản mang tên

Ảnh minh họa.

Những năm trước, khi vẫn đang hưởng bảo hiểm y tế của chồng cũ, Melissa đã được điều trị bằng nội tiết tố để giảm bớt cơn đau và tiếp tục sinh hoạt hàng ngày. Nhưng kể từ khi cô ly hôn và công việc bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, chi phí điều trị quá sức đối với Melissa, đặc biệt là không có bảo hiểm.

"Không có cách chữa trị thực sự cho bệnh lạc nội mạc tử cung, nhưng nếu tôi muốn thoát khỏi cơn đau này thì tôi cần phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung", Melissa nói, giọng run run khi mô tả quy trình cắt bỏ tử cung. "Tệ hơn là tôi cần kiếm đủ 20.000 USD (493 triệu VNĐ) để nộp tiền chi phí phẫu thuật, điều này thật điên rồ".

Không giống như Melissa, Cindy Powers thậm chí còn bị đẩy vào tình thế tán gia bại sản sau 19 ca phẫu thuật khoang bụng để cứu mạng sống của cô.

Còn với Lindsey Vance, khoản nợ y tế bắt đầu chồng chất sau khi cô bị ngã trong lúc trượt ván và phải khâu 9 mũi ở cằm.

Trong khi đó, ca phẫu phuật tim để điều trị một căn bệnh mắc phải từ khi sinh ra đã khiến cô Misty Castaneda phải trả hóa đơn viện phí lên tới 200.000 USD.

Thực tế, đó chỉ là một vài trường hợp trong số ước tính 100 triệu người Mỹ tích lũy khoản nợ y tế lên tới gần 200 tỷ USD. Để so sánh, quỹ Kaiser Family Foundation còn ví con số này lớn gần bằng quy mô của nền kinh tế đất nước Hy Lạp.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ, nợ chi phí y tế đã trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ phá sản cá nhân. Một nghiên cứu khác do Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ thực hiện vào năm 2019 cho thấy, khoảng 530.000 người Mỹ rơi vào tình trạng phá sản mỗi năm, một phần do các hóa đơn y tế và thời gian nghỉ làm kéo dài để trị bệnh.

Nỗi lo tán gia bại sản mang tên

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người rơi vào tình cảnh phá sản nhưng có lẽ nguyên nhân ít được ngờ tới nhất chính là do nợ chi phí y tế. Việc điều trị các bệnh cấp tính và ngắn hạn là "thủ phạm" khiến bệnh nhân ở Mỹ phải thanh toán những hóa đơn khổng lồ vượt quá khả năng chi trẻ.

Ngoài ra nợ chi phí y tế gây ra không ít khó khăn liên quan tới tài chính, bao gồm việc tăng điểm tín dụng, khiến họ đã túng thiếu lại càng không thể vay mượn thêm.

Chỉ có thể tìm cách ra nước ngoài

Trước khi Covid-19 bùng phát, Melissa đã bắt đầu lên kế hoạch và tiết kiệm tiền cho chuyến đi sang Mexico. Ca phẫu thuật tại đây dự kiến có giá 4.000 USD (99 triệu VNĐ), chỉ bằng 1/5 chi phí ở New Jersey. Người bạn thân nhất sẵn sàng chở cô đến đó, hỗ trợ tiền xăng và chỗ ở.

Theo một nghiên cứu của Family USA, đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng triệu người Mỹ vào tình trạng nghèo đói và tước đi bảo hiểm y tế của hơn 5,4 triệu công nhân Mỹ.

Nhiều người như Melissa đã bị suy giảm sức khỏe đáng kể vì trì hoãn các thủ tục y tế. Nỗi sợ hãi về các hóa đơn y tế lớn đã lấn át nỗi sợ lây lan dịch bệnh đối với một số người, khiến số lượng bệnh nhân tìm cách ra nước ngoài điều trị y tế ngày càng tăng.

Nỗi lo tán gia bại sản mang tên

Không chỉ hiện nay mà từ rất lâu rồi, Mỹ là nước có chi phí y tế cao nhất thế giới. Người dân liên tục phàn nàn rằng chữa bệnh ở Mỹ quá đắt.

Có ông bố trẻ đã từng đăng lên mạng xã hội hóa đơn đưa vợ đi sinh. Bệnh viện thu 40 USD (khoảng hơn 1 triệu VNĐ) để bà mẹ được bế con ngay khi vừa lọt. Họ gọi khoản này là Skin to Skin (Da kề da).

Càng ngày có càng nhiều các bệnh nhân, các công ty tư vấn du lịch y tế sẵn sàng cung cấp dịch vụ từ A tới Z để dân Mỹ ra nước ngoài chữa bệnh.

Ước tính, mỗi năm có khoảng 2 triệu người Mỹ ra nước ngoài chữa bệnh vì thiếu khả năng chi trả cho chính các dịch vụ tương tự trong nước.

Theo một số người Mỹ từng ra nước ngoài điều trị bệnh, chừng nào có chính sách bảo hiểm y tế toàn dân logic hơn được áp dụng, nhiều người dân Mỹ vẫn sẽ chọn cách sang nước ngoài chữa bệnh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại