Nỗi lo của nghề "hầu như trường nào cũng đào tạo": "Bot có thể đọc 200 hóa đơn trong 1 giây, còn kế toán từng mất tới 20 phút"

Ánh Dương |

Trong thời đại công nghệ phát triển chóng mặt, cả Tập đoàn FPT 60.000 nhân sự nhưng chỉ có 6 kế toán và chỉ cần một người cho việc hợp nhất báo cáo tài chính. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để nhân sự ngành kế toán, kiểm toán và tài chính trở nên khó thay thế?

Nỗi lo của nghề "hầu như trường nào cũng đào tạo": "Bot có thể đọc 200 hóa đơn trong 1 giây, còn kế toán từng mất tới 20 phút"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Tập đoàn chúng tôi (FPT) có 60.000 người, nhưng hiện tại chỉ có 6 kế toán. Bình thường các công ty khác cần 200 kế toán, còn ở FPT hệ thống tự động chạy hết. Bạn đủ hiểu áp lực lớn như thế nào", ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường - trường Đại học FPT từng chia sẻ trong một buổi tọa đàm với sinh viên.

Ông Hoàng Hữu Chiến - Kế toán trưởng FPT cũng từng cho biết mặc dù Tập đoàn có 8 công ty con trực tiếp, 72 công ty con gián tiếp, 9 công ty liên kết, 350 bộ sổ kế toán riêng và hợp nhất được chia thành 6 cấp, hoạt động trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ cần 1 kế toán cho công tác hợp nhất báo cáo tài chính và là một trong những công ty nộp báo cáo tài chính sớm nhất nhóm VN30. Tất cả là nhờ một hệ thống có tên FPT CFS, với tỷ lệ tự động hóa lên đến 99%.

Chia sẻ trong series podcast Chapter 0 của Rising Vietnam mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Sản phẩm khối ACCA của SAPP Academy – học viện đào tạo lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính đã phát triển hơn 10 năm trên thị trường, cũng đề cập đến những thay đổi đáng chú ý của ngành nghề này.

Thay đổi đầu tiên trên thị trường ngành kế toán, kiểm toán và tài chính được ông Ngọc Hải nhắc tới xuất phát từ việc đất nước đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ, tạo ra những tác động rõ ràng hơn bao giờ hết.

"Hội nhập đồng nghĩa với việc đi ra sân chơi lớn hơn, với những luật chơi khắt khe hơn, người chơi tài giỏi hơn. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho nhân sự tại Việt Nam. Chúng ta sẽ phải theo đuổi chuẩn mực quốc tế, riêng với ngành kế toán là phải thích ứng với chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS)", vị chuyên gia cho hay.

Câu chuyện thứ 2 mà ông Ngọc Hải nêu ra tương tự vấn đề ông Hoàng Nam Tiến từng đề cập, đó là những tiến bộ của công nghệ đã dẫn đến thay đổi về vai trò của nhân sự.

Nỗi lo của nghề "hầu như trường nào cũng đào tạo": "Bot có thể đọc 200 hóa đơn trong 1 giây, còn kế toán từng mất tới 20 phút"- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Sản phẩm khối ACCA của SAPP Academy.

"Hiện nay các doanh nghiệp hoạt động ngày càng nhanh và chính xác hơn, dựa trên dữ liệu và công nghệ. Điều này đặt ra thách thức với các nhân sự, khi những thứ chúng ta đã biết trước đây có thể không còn phù hợp nữa. Chẳng hạn như những nhân sự làm công việc kế toán mang tính thủ công. Họ chỉ đang dừng lại ở các công việc giản đơn như hạch toán sổ sách kế toán, theo dõi hóa đơn…

Bây giờ, một con bot (phần mềm) trong 1 giây đã có thể đọc khoảng 200 hóa đơn, còn người làm kế toán ngày xưa có thể mất 20 phút. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ đã đem lại những khác biệt rõ ràng trong năng suất lao động.

Tại Việt Nam, kế toán, kiểm toán và tài chính là những nghề được đào tạo rất nhiều, gần như trường nào cũng đào tạo. Một năm chúng ta có khoảng 50.000 – 60.000 cử nhân mới. Nhưng bằng cách nào để nhân sự thích ứng và tham dự vào cuộc chơi mới là điều mà chúng ta cần thảo luận", ông Ngọc Hải nói. 

Vậy câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để những người làm trong ngành kế toán, kiểm toán và tài chính có thể gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động, khó bị thay thế bởi công nghệ?

Theo ông Ngọc Hải, các nhân sự cần tạo lập cho mình lợi thế cạnh tranh bền vững, tự đặt câu hỏi rằng liệu bản thân có chuyên môn đủ sâu sắc không, có đủ kỹ năng để thích ứng với một sân chơi lớn hay không… Ông bổ sung thêm rằng để nâng cấp bản thân, các nhân sự phải học hỏi không ngừng, dù đang ở cấp nhân viên hay quản lý.

"Dừng việc học tập ở bất kỳ thời điểm nào đồng nghĩa với việc chấp nhận bị lạc hậu và bị đào thải", ông cảnh báo.

Đề cập đến vai trò của những người kế toán, kiểm toán, ông Ngọc Hải cho biết họ có thể tác động sâu rộng không chỉ đến một đối tượng là nhà quản trị doanh nghiệp, mà còn cả những người đầu tư vào doanh nghiệp đó.

"Một người kế toán, kiểm toán "đáng từng đồng một" cần thực sự thấu hiểu những gì doanh nghiệp đang làm để tham gia vào quá trình tư vấn chiến lược, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển - đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi sự thay đổi đang ngày càng nhanh chóng đến mức không ngờ", ông nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại