Cho trẻ tự quyết định và chịu trách nhiệm rất ý nghĩa và cần thiết đối với trẻ.
Chịu trách nhiệm từ những quyết định
Chuyên gia cho rằng, thông thường, ở độ tuổi lên 3 - 4 tuổi, trẻ đã đi học mẫu giáo và tư duy cũng phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Trẻ học hỏi được nhiều điều mới lạ, nhiều kiến thức, kỹ năng căn bản cần thiết và quý báu trong những năm đầu đời của mình.
Là cha mẹ, bên cạnh sự động viên, bồi dưỡng thêm kiến thức cho trẻ thì việc cho trẻ tự quyết định và chịu trách nhiệm cũng rất ý nghĩa và cần thiết đối với trẻ.
Một ông bố kể lại câu chuyện của mình hồi bé: Có một lần mẹ mua cho một cái áo màu đỏ, tôi nói không thích. Cả lớp tôi mọi người đều mặc màu trắng hoặc xanh, không có ai mặc màu đỏ nên tôi nhất định không mặc vì thấy nó rất kì cục. Hôm đó, mẹ tôi cũng hơi vội đi làm. Mẹ bảo tôi màu ấy rất đẹp có làm sao đâu, không mặc thì cởi trần đi học. Nhưng tôi vẫn không chịu. Mẹ không bảo được mới đánh cho tôi một trận. Cuối cùng, mẹ thì muộn làm, tôi thì muộn học.
Khi tôi đến cả lớp đã ngồi vào chỗ hết rồi còn tôi thì mặt mũi tèm lem, tóc tai rối bù và mặc một chiếc áo màu đỏ. Tôi cứ nhớ mãi cảm giác mọi người nhìn mình lạ lẫm.
"Từ ngày có con, mình nhận ra là những hiểu biết của chúng ta về trẻ em thật nông cạn. Mình không muốn con mình sau này cũng giống mình đến tận năm 30 tuổi mới thực sự biết mình muốn gì. Cho nên, giới hạn cao nhất của việc thật sự yêu con là để con tự quyết định cuộc đời mình", vị phụ huynh chia sẻ.
Nếu quyết định của con không có kết quả tốt, trẻ nên biết rằng tự bản thân sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả của mỗi lựa chọn, những lần tới con cần cân nhắc hơn. Làm như vậy, con sẽ dần học được cách đưa ra quyết định một cách độc lập.
Cô Phan Hồ Điệp, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ câu chuyện của mình trên trang cá nhân: "Hôm trước, Nam gửi cho mình cái thư của trường thông báo mức học phí năm nay sẽ tăng, đâu đó hơn 82.000 đô. Ối giời nhìn cái số tiền mà xây xẩm mặt mày. Nhưng ra dáng một bà mẹ văn minh tôn trọng con, mình bảo: Thôi, học phí cao quá thì em có thể gap year rồi mình cùng kiếm tiền, đủ thì học tiếp mà không thì thôi.
Hôm sau nhận được thư của nhà trường. Cái hợp đồng hôm trước là gửi cho tất cả học sinh. Còn với Nam thì được học bổng các loại cộng vào chỉ còn phải đóng… 400 đô.
Nói thế thôi nhưng thực chất, mình đã rất nhiều lần "thu vén" những lo toan và mong muốn của mình vào trong lòng để dành quyền cho con tự quyết định. Bởi nếu không làm thế chắc mình không để cho Nam đi du học từ năm 13 tuổi.
Bởi nếu không làm thế, chắc mình sẽ vặn vẹo, sẽ bứt rứt khi Nam đột nhiên thông báo học ngành âm nhạc khi năm đầu vào đại học. Bởi nếu không làm thế mình sẽ không ngừng chao đảo khi con liên tục thay đổi kế hoạch, thay đổi dự định.
Vì mình đã dặn lòng trao cho con chìa khoá có tên gọi: Tự quyết định. Phía sau cánh cửa đó có thể là cơ hội cũng có thể là thách thức, chông gai. Nhưng khi con đã được chuẩn bị, được trao quyền, con sẽ có tâm thế để đối diện".
Cô Phan Hồ Điệp chia sẻ, vào mỗi thời điểm có tính quyết định, cô luôn cùng Nam đặt câu hỏi: Con muốn gì? Làm gì để đạt được điều con muốn? Đạt được rồi thì điều gì tốt và nếu không tốt thì sẽ sao?
Nhưng thực tế, nhiều bố mẹ nhiệt tình quyết định hộ con, dồn sức ép là mong muốn của mình lên con.
"Mình cũng đã thấy nhiều bạn bị "đẩy" đi du học khi không muốn hoặc không thích. Sang đến nơi shock văn hoá, giao tiếp, đồ ăn… đủ cả. Trong những hội nhóm vẫn có chia sẻ của bố mẹ làm thế nào đưa con về nước vì con bị vấn đề sức khỏe, tâm lý", cô Điệp nói.
Cũng theo giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô luôn nói với Nam, ngoài việc sinh ra trước em 25 năm, mẹ không có gì hơn em cả. Hãy tự tìm hiểu, dấn thân, trải nghiệm.
Hãy nói không nhưng loại từ "không"
Nói về việc để con tự quyết định, cô Điệp cho rằng nhiều phụ huynh thường bao bọc con thái quá.
"Bạn thử đếm xem một ngày bạn nói "Không" với con bạn bao nhiêu lần. Không chạy! Không được làm ồn! Không được sờ vào đó! Không được mè nheo! Không được cãi nhau!
Có một nghiên cứu còn chỉ ra, mỗi trẻ đang tuổi tập đi, trong một ngày nghe từ "không" khoảng 400 lần. Chuyên gia Phan Hồ Điệp khuyên rằng, để nuôi dạy những đứa trẻ tích cực và hạnh phúc, chỉ nên nói "không" trong những trường hợp khẩn cấp. Còn lại hãy nói không mà loại từ "không".
Cô Điệp đưa ra những cách để trò chuyện với trẻ như diễn đạt lại mong muốn của mình. Ví dụ thay vì nói: Không đánh nhau! Hãy nói: Bàn tay là để ôm chứ không phải để đánh.
Xác thực bằng cách: Công nhận cảm xúc và hỏi cách thay thế. Cụ thể như mẹ biết con khó chịu khi bị bạn lấy đồ chơi. Con nên làm gì thay vì đánh khi con tức giận?
Giải thích đằng sau nói "không", ví dụ: Ăn kẹo quá nhiều không tốt cho sức khỏe. Nhưng bạn nhớ nguyên tắc: Câu giải thích đừng quá 10 từ vì dài quá chẳng có tác dụng gì với trẻ.
Đưa ra các lựa chọn, thay vì: "Không vẽ bậy trên tường", bạn nói: "Mẹ biết con thích vẽ. Con thích vẽ trên bảng hay trên giấy?". Hoặc nếu con đang ném đồ chơi, hãy đưa con quả bóng và nói: "Con có thể ném quả bóng này này".
Cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu cách cư xử có thể chấp nhận được. Ví dụ, hãy dạy con rằng khi trẻ tức giận, trẻ có thể nói: "Bây giờ con đang giận, con có thể vào phòng được không?".
Hoặc với trẻ chưa có đủ ngôn ngữ, có thể nói, "(tên của con) đang bực bội. (tên của con) có thể cùng mẹ đến một góc yên tĩnh để bình tĩnh lại".
Làm như vậy một cách nhất quán sẽ giúp trẻ kết hợp ngôn ngữ và khuôn mẫu hành động.