* Xem lại bài trước tại đây
Nhằm năm Tân Mùi (1211), Điện tiền Chỉ huy sứ Tô Trung Từ là cậu của Trần Tự Khánh và Nguyên phi Trần Thị Dung đã được vua Lý Huệ Tông phong cho làm Thái úy từ tháng 3 cùng năm.
Quyền hành của quan Thái úy khuynh loát cả triều Lý đang trên con đường suy vi. Tô Trung Từ lúc ấy đã có con lớn rồi, nhưng không biết có phải vì quyền cao chức trọng, nên sinh lòng tà dâm hoặc bị Thiên Cực công chúa liếc mắt đưa tình mê hoặc, để đến nỗi ba tháng sau ngày lên chức phải thân nhục, danh ô.
Bấy giờ, công chúa Thiên Cực đang có mặt tại đất Gia Lâm. Sở dĩ như vậy vì thời Lý, nơi đây có làm quán khách cho tù trưởng, sứ thần nghỉ trước khi vào chầu.
Dư địa chí của Nguyễn Trãi cho biết: "Các quan lang, phụ đạo ở biên châu không có việc gì thì không được tới kinh. Khi có lễ triều hội, thì cho ở Hoài Viễn".
Hoài Viễn là tên quán, ở làng Cự Linh, huyện Gia Lâm làm nơi trú nghỉ cho tù trưởng biên châu và sứ thần ngoại quốc.
Lại nói, vì có lệnh vua nên vợ chồng Thiên Cực về Hoài Viễn, Gia Lâm. Thiên Cực thường xuyên vào trong hoàng thành để vấn an vua và Thái hậu.
Trong khi ấy, Tô Trung Từ là mệnh quan triều đình, hai người liên tục giáp mặt nhau. Kẻ có quyền, người có sắc, mối duyên tình của hai người nảy nở dần dần qua thời gian.
Tháng 6 năm Tân Mùi (1211), Tô Trung Từ ban đêm sang Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực làm trò "mèo mả, gà đồng".
Nhưng số quan họ Tô đến đây đen đủi, cặp tình nhân đang mê đắm trên giường thì bị chồng của Công chúa Thiên Cực là Quan nội hầu là Vương Thượng bắt được.
Tức giận bởi bị vợ cắm cho chiếc sừng to tướng lên đầu, chẳng cần biết là tên gian phu là kẻ có quyền thế hét ra lửa đến vua cũng sợ, Vương Thượng mặt đỏ phừng phừng rút gươm lao đến nhằm quan họ Tô mà đâm, Tô Trung Từ chưa kịp hưởng hết cái thú vui của cuộc đời đã nhận trọn lưỡi gươm bén, chết ngay tại trận.
Theo luật pháp nhà Lý khi đó, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang thì người chồng có thể giết tình địch mà không bị tội.
Sử sách không cho biết số phận về sau của Vương Thượng, cũng như sau vụ ngoại tình tày trời ấy Thiên Cực có bị trách phạt gì không.
Nhưng về sau, nàng công chúa làm cho hai tình nhân phải xuống âm ty ác giả thì ác báo, lăng loàn thì cũng có hậu họa lớn nên tháng Giêng năm Nhâm Thân (1212) tất cả gia tài, của cải trong nhà Thiên Cực đều bị cướp sạch khi bọn Đinh Khôi đánh Lạng Châu, hàng phục được nơi ấy rồi xua quân đến nhà công chúa "sạch sành sanh vét cho đầy túi tham" rồi kéo nhau đi mất.
Ngày nay, dấu tích của nàng công chúa họ Lý ấy vẫn còn được ghi nhận khi ở đình làng Thân, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam và đình Phi Mô, thuộc xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là hai nơi có thờ bà cùng các công chúa nhà Lý được gả chồng ở xứ này.
Cũng trong thời nhà Lý, không chỉ hai viên quan to chết vì liên quan tới Thiên Cực công chúa. Năm Nhâm Thân (1212) còn ghi nhận một trường hợp nữa bỏ mình vì đàn bà, đó là Nguyễn Tự.
Mùa xuân năm ấy, Trần Tự Khánh cùng với Nguyễn Tự hội họp nhau ở bến Đông Bộ Đầu thề là đến chết vẫn kết giao với nhau mà hết lòng giúp nước, cùng chung dẹp yên cho dân cái họa nhiễu loạn.
Rồi chia theo hai bờ con sông lớn, mỗi người tự quản lãnh mọi việc một bên. Từ Thượng Khối đến Na Ngạn, con đường ven theo Bắc Giang và làng ấp ở Lục Lộ thì thuộc về Trần Tự Khánh. Từ Kinh Ngạn đến Ô Diên thì thuộc về Nguyễn Tự.
Nhưng, lời giao ước gió thoảng chưa bay hết thì cái chết đã đến với Nguyễn Tự rồi. Tháng 2 năm Nhâm Thân (1212), Nguyễn Tự đánh người Cát Lợi Ngô Thưởng Vu và Võ Cao, bị tên trúng bèn trở về ở ngõ Tây Dương (thuộc Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay).
Hơn một tuần (tuần thời xưa tương đương 10 ngày) thì vì chót ăn nằm cũng với đàn bà nên khí độc ở vết thương lại phát lên mà chết.
Nguồn sưu tầm: Trần Đình Ba, Kể chuyện lịch sử Việt Nam: Những điều lạ thời Lý, trang 192-195, NXB Văn hóa – Thông tin.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.